Sáng 15-4, ông Trần Đình Thời, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết do giá ớt năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái nên người trồng ớt ở địa phương có thu nhập khá so với mọi năm.
Cụ thể, cùng thời điểm này năm ngoái, ớt được thương lái thu mua để xuất sang thị trường Trung Quốc chỉ với giá 2.500 đồng/kg đối với ớt sừng (trái to) và 10.000 đồng/kg đối với ớt hai mũi tên (trái nhỏ), thì nay giá ớt sừng được mua với giá từ 18.000 - 20.000 đồng/kg, còn ớt hai mũi tên lên 30.000 đồng/kg. Với giá ớt hiện nay, sau khi trừ chi phí, người trồng ớt kiếm được 25-30 triệu đồng/sào.
Một đại lý thu mua ớt ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
“Bình quân mỗi sào ớt sừng, gia đình tôi đầu tư khoảng 3 triệu đồng. Với lượng ớt thu hoạch từ 1,5-2 tấn/sào và giá bán 18.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi lãi khoảng 27 triệu đồng/sào. Số tiền thu được mùa ớt năm nay coi như bù lại cho năm trước lỗ chóng vó vì giá ớt rớt thê thảm do phía Trung Quốc không chịu mua” - ông Nguyễn Văn Hiếu, một người trồng ớt có thâm niên 15 năm ở thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ cho biết.
Huyện Phù Mỹ được coi là vựa ớt lớn nhất của tỉnh Bình Định với diện tích đất trồng ớt hàng năm lên đến hơn 1.000 ha. Tuy nhiên, do năm ngoái giá ớt rớt thê thảm nên năm nay nhiều bà con trồng ớt ở địa phương này đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khiến diện tích trồng ớt chỉ còn khoảng 850 ha, tập trung ở các xã Mỹ Quang, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Tài, Mỹ Trinh, Mỹ Chánh Tây.
Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, ngoài nguyên nhân thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh thì việc xuất hiện một số cơ sở chế biến ớt khá lớn mới đây trên địa bàn như nhà máy chế biến ớt khô của ông Nguyễn Văn Hữu ở xã Mỹ Chánh, nhà máy chế biến tương ớt Cúc Hiếu ở xã Mỹ Hiệp… cũng khiến giá ớt tăng mạnh.
Theo tính toán sơ bộ, nếu toàn bộ các nhà máy ớt ở huyện Phù Mỹ đi vào hoạt động thì sẽ tiêu thụ hơn 50% lượng ớt sừng của người trồng ớt trên địa bàn.
“Việc xuất hiện các nhà máy chế biến ớt trên địa bàn sẽ phần nào đảm bảo được đầu ra cho nông dân trồng ớt, bớt phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc vốn dĩ rất bấp bênh. Đây cũng là cơ sở để người trồng ớt yên tâm hơn trong những mùa sau” - ông Ba nhận định.