Quốc gia khởi nghiệp từ nông nghiệp
Bảng xếp hạng các kênh đầu tư xưa nay chỉ quanh quẩn vàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ, gửi tiết kiệm. Trong suy nghĩ của hầu hết mọi người, nông nghiệp chưa và không bao giờ có "cửa" trong danh sách này. Thế nhưng cùng với cam kết dành từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng ưu đãi cho nông nghiệp và cam kết hàng loạt các chính sách về tích tụ ruộng đất, thủ tục hành chính... và đặc biệt là nhu cầu có thực của thị trường, nông nghiệp được đánh giá sẽ là kênh hút nhiều vốn đầu tư nhất trong năm nay.
Lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được khuyến khích. ẢNH: GIA BÌNH
TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, phân tích VN có năng lực sản xuất nông nghiệp, nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp an toàn trong và ngoài nước luôn cao, đầu tư sản xuất nông nghiệp được nhà nước khuyến khích... Trong khi đối với nhiều bạn trẻ, để khởi nghiệp thành công là không dễ dàng, nhất là sự cạnh tranh ở nhiều lĩnh vực rất gay gắt.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay, có thể khởi nghiệp bằng dự án sản xuất có quy mô vừa, đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm an toàn và sau đó sẽ tiến dần đến đầu tư công nghệ cao với quy mô lớn hơn. Nếu gắn hoạt động này với chương trình khuyến khích khởi nghiệp thì đây là lĩnh vực thu hút nhiều nhất số người tham gia.
“Chỉ khoảng 1 tỉ đồng, dự án khởi nghiệp bắt đầu với một vườn rau an toàn, vườn cây ăn trái sạch sẽ dễ dàng và hợp lý hơn. Ở thời điểm hiện tại, 1 kg rau thật sự an toàn thì người tiêu dùng sẵn sàng mua với giá gấp 4 - 5 lần giá rau bình thường mà họ không tin tưởng. Hiệu quả là không phải bàn cãi”, TS Nguyễn Văn Ngãi nói.
Đồng quan điểm trên, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam nhận định, từ trước đến nay số lượng doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng gần 2% so với tổng số lượng gần 600.000 DN trên cả nước. Bởi nhiều người đều e ngại khi đầu tư vào nông nghiệp thì việc thu hồi vốn chậm trong khi rủi ro do thời tiết và thị trường rất cao.
Đáng chú ý, trong khi ứng dụng khoa học công nghệ đóng góp đến 80 - 90% vào giá trị của sản phẩm nông nghiệp thì tại VN, tỷ lệ này chỉ mới khoảng 30%. Vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đang và sẽ là xu hướng tất yếu.
“Các bạn trẻ là những người dễ dàng nắm bắt được khoa học công nghệ để ứng dụng. Đừng quá lo sợ thất bại mà muốn thành công cần có sự quyết tâm. Theo tôi tốt nhất là các bạn trẻ có thể liên kết với những nông dân đã có kinh nghiệm trong trồng trọt chăn nuôi. Sau đó tổ chức lại sản xuất với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến”, GS-TS Bùi Chí Bửu chia sẻ.
Chứng khoán "đè" vàng, tiết kiệm
Kết thúc năm 2016, chỉ số VN-Index tăng được 15,75% so với cuối năm trước đó. Đây là một kết quả khá tốt khi chỉ số này trong hai năm trước đó chỉ tăng lần lượt là 7,7% và 6,1%.
Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Maybank KimEng VN, nhận định: Mức tăng hơn 15% của VN-Index chưa tính thêm phần cổ tức bằng tiền mặt được các công ty niêm yết chi trả và do đó tính đầy đủ thì tỷ suất sinh lợi trung bình của thị trường sẽ ở mức 18 - 20%. Trong khi đó, kênh tiền gửi ngân hàng mức sinh lợi trung bình khoảng 6,5%; ngoại tệ (cụ thể là đồng USD) tính trọn vẹn cả năm 2016 chỉ ghi nhận mức tăng 1,5%.
Đầu tư vào vàng theo tính toán con số sinh lợi trong năm qua khoảng 10% nhưng rủi ro cực lớn. Những biến động giá vàng thời điểm cuối năm 2016 đã khiến hàng loạt nhà đầu tư lỗ nặng. Năm nay, vàng ở thế rủi ro cực lớn khi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới duy trì ở mức trên 5 triệu đồng/lượng; chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cũng được đẩy lên cao, từ 500.000 - 800.000 đồng/lượng nên nguy cơ "sập hầm" là rất lớn. Mấy năm nay, nhiều người đã loại vàng ra khỏi giỏ đầu tư vì độ rủi ro cao. “Đầu tư chứng khoán chưa bao giờ là dễ dàng nhưng trong bức tranh vừa nêu trên thì đây vẫn là kênh đầu tư sáng với các nhà đầu tư cá nhân tại VN", bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền phân tích.
Nhìn ở góc độ vĩ mô, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, thị trường chứng khoán vẫn đang tiếp tục được Chính phủ đưa ra mục tiêu phát triển để trở thành kênh huy động vốn chính cho nền kinh tế. Nên trong thời gian tới, đây vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất tại VN đối với những nhà đầu tư hiểu và có kinh nghiệm tham gia.
Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đề xuất, Chính phủ cần thay đổi một số quy định như điều kiện phát hành trái phiếu DN, xây dựng tổ chức đánh giá tín nhiệm DN... để có thể thu hút được các quỹ đầu tư hưu trí quy mô lớn trên thế giới tham gia vào thị trường.
Bất động sản 'mất ngôi'
Hai năm liên tục, bất động sản (BĐS) chiếm ngôi vương với mức sinh lời cực lớn. Nhưng nếu chính sách tạo đột phá cho nông nghiệp thì chính sách cũng tước ngôi của kênh đầu tư này trong năm nay. Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, nhiều chính sách mới đã được đưa ra như thông điệp của Thông tư 06 hạn chế dòng vốn tín dụng vào BĐS sẽ khiến các DN BĐS “liệu cơm gắp mắm”. Hoặc lần đầu tiên cơ quan nhà nước công bố rộng rãi tình trạng sức khỏe các dự án BĐS thông qua công bố dự án đã thế chấp, buộc chủ đầu tư phải được ngân hàng bảo lãnh, xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn... đã đưa thị trường vào khuôn khổ hơn.
Nếu như năm 2016 có đến 70% người mua nhà để dùng, 30% người mua nhà để kinh doanh thì theo dự báo của ông Đặng Hùng Võ, năm 2017 tỷ lệ người mua nhà kinh doanh, đầu tư, cho thuê sinh lợi sẽ gia tăng. “Mua nhà để kinh doanh mới khiến cho thị trường BĐS hoạt động, chuyển động. Các nhà đầu tư cá nhân có thể thu được tỷ suất lợi nhuận cho thuê hằng năm 6 - 8%, là mức hấp dẫn nếu so với các thị trường trong khu vực ở mức 3 - 5%”, ông nói.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển phân tích: Năm 2017 một số phân khúc BĐS vẫn đang còn là dấu hỏi lớn. Khi gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỉ đồng của Chính phủ kết thúc thì phân khúc này sẽ trở lại trầm lắng. Phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê và BĐS nghỉ dưỡng được dự báo phát triển tốt nếu ngành du lịch tiếp tục tạo được dấu ấn khi thu hút được khách du lịch nước ngoài tương tự như năm 2016.
Vì thế, BĐS dù mất ngôi vương nhưng vẫn thu hút nhiều nguồn vốn đổ vào đây.
Môi trường kinh doanh được cải thiện
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: “Những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh gần đây mà đặc biệt là trong năm 2016 đã giúp cho năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc, từ đó tiếp tục gia tăng những cơ hội đầu tư kinh doanh cũng như thị trường tăng tính cạnh tranh hơn. Nhờ những cải cách hành chính này, DN sẽ có nhiều hứng khởi sáng tạo và dồn sức đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Theo các chuyên gia, với các chính sách ưu đãi, những cam kết hỗ trợ như hiện nay, trong năm 2017 và giai đoạn tới, nông nghiệp sẽ trở thành kênh thu hút vốn mạnh nhất, đa dạng nhất trong nền kinh tế. Không chỉ từ các "đại gia" ở nhiều ngành nghề mà rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp; không chỉ trong nước mà cả nước ngoài. Đó là lý do nông nghiệp làm một "cuộc cách mạng" khi được dự đoán sẽ là kênh đầu tư số 1 trong năm 2017 này.