Thông tin trên được ông Trần Bá Dương chia sẻ tại hội nghị Xây dựng nền Công nghiệp nông nghiệp Việt Nam do CLB Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) tổ chức ngày 18-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Ông Trần Bá Dương tuyên bố sẽ đầu từ vào ngành lúa gạo miền Bắc
Trăn trở về một nền nông nghiệp công nghệ cao
Ông Trần Bá Dương cho biết được sự gợi ý của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường về một nền nông nghiệp Việt phát triển như nhiều nước, ông đã suy nghĩ, tìm hiểu và quyết tâm bắt tay làm.
“Cây lúa trồng ở miền Nam đã tốt, đạt năng suất cao nên tôi chọn miền Bắc để đầu tư. Tôi nhận thấy nền nông nghiệp chúng ta đã đến mức không thể phát triển được nữa. Nếu không có công nghiệp nông nghiệp, không có tiền để bù lỗ cho nông nghiệp như các nước khác sẽ khó có thể thành công nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm dấn thân”- ông Dương tâm sự.
Theo ông Dương, điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam không phải xuất phát từ năng suất của cây trồng mà là do thất thoát quá nhiều sau thu hoạch và vận chuyển, chất lượng nông sản giảm sút. Vì vậy, ông đã nghĩ đến việc nghiên cứu ra mô hình làm nông nghiệp tập trung, dùng máy móc để hỗ trợ cho việc sản xuất, thu hoạch nông sản.
“Tôi thấy trong cơ giới hoá thì chúng ta học hỏi nước ngoài nhưng không nên bê nguyên si vì nó không phù hợp và sẽ không thể cạnh tranh được. Vấn đề là chúng ta kiểm soát được từ sản xuất, nuôi trồng với công nghệ phù hợp là được”- ông Dương khẳng định.
Giống như làm đường cao tốc
Ông Trần Bá Dương cho rằng ngành nông nghiệp của chúng ta đang làm chỉ là mở rộng, cải thiện hiện trạng, giống như “mở rộng quốc lộ 1A, trong khi chúng ta đang rất cần xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, giống như làm đường cao tốc thì mới thành công”. Để làm được điều này cần doanh nghiệp có vốn, có khả năng quản trị, tạo mô hình điển hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.
Cây lúa chính là lối rẽ mà ông chọn để đi. Cụ thể, ông sẽ chọn khu vực có giao thông thủy tốt, gần cảng và trung tâm kinh tế để thực hiện tổ hợp bao gồm cả sản xuất từ phân bón, thuốc trừ sâu, cung cấp giống cho bà con nông dân trồng, sau đó bao tiêu sản phẩm.
“Tôi rất tâm đắc với chính sách, giải pháp phát triển kinh tế của Chính phủ, mà cụ thể là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề ra. Chính điều này đã khơi dậy sự dấn thân của doanh nghiệp, địa phương, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cần có doanh nghiệp lớn làm đầu tàu để doanh nghiệp nhỏ, nông dân làm theo. Khởi nghiệp trong nông nghiệp thành công lớn thì sẽ có một lực lượng nông dân có nông trường nhỏ, tổ chức hoạt động như một doanh nghiệp thì nền nông nghiệp sẽ phát triển, có bước tiến mới. Từ đó, sẽ sớm có số lượng doanh nghiệp làm nông nghiệp vượt 200.000” - ông Dương nêu quan điểm.