Vừa đặt chân vào vườn thanh trà của một hộ trồng thanh trà lâu năm tại làng Lương Quán, phường Thủy Biều (Huế), rất nhiều thương lái đang tập trung để xếp thanh trà vào các bao. Khi được hỏi về mùa trái năm nay, nhiều người tỏ thái độ lo lắng vì thanh trà mất mùa lớn.
Chị Châu Thị Loan (xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Huế), một thương lái thu mua thanh trà tại Thủy Biều lâu năm cho biết: “Lỗ nặng rồi. Thanh trà năm nay mất mùa lớn. Lúc trước cây trổ quả được 3 phần thì năm nay mới được một phần. Tôi mua nguyên vườn nhưng sản lượng trái thấp đến mức chỉ được 1/3 so với năm trước”.
Chị Hồng (xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Huế), bốc vác tại vườn nói thêm: “Thanh trà Thủy Biều vào những năm trước mỗi cây hái được trăm quả thì lúc này chỉ còn lại 40. Đã vậy quả còn nhỏ và khô hơn mọi năm”.
Là một chủ vườn trồng thanh trà lâu năm tại làng Lương Quán, phường Thủy Biều, anh Đặng Chơn cho biết vườn anh là một trong ít vườn vẫn chưa bán thanh trà cho thương lái. “Năm nay thanh trà mất mùa nên khi đi thu gom phải mua rất nhiều vườn mới đủ. Vườn của tôi hiện nay dù trái đã vào vụ nhưng vẫn chưa tiến hành hái vì chất lượng trái không bằng mọi năm”.
Anh Chơn chia sẻ thêm với những trái từ nửa ký trở lên mỗi năm anh thu hoạch được 2.000 quả. Thế nhưng năm nay thấp hơn nhiều vì cây trúng đợt nắng nóng kéo dài. Chưa kể là do bị bệnh vì nhện đỏ gây ra nên quả rụng, múi khô, quả nhỏ và gắt hơn.
Thanh trà Thủy Biều vào vụ từ cuối tháng 6 đến tháng 9. Đây cũng là nơi có số hộ trồng thanh trà nhiều tại Huế. Thế nhưng, 800 hộ trồng thanh trà năm nay đều thua lỗ do thanh trà bị ảnh hưởng thời tiết và sâu bệnh.
Vườn thanh trà của chị Huệ (làng Lương Quán, Thủy Biều) cũng điêu đứng vì sản lượng trái thấp hơn so với mọi năm: “Riêng một vườn của tôi mỗi năm thu về hơn 70 triệu đồng. Riêng năm nay, lãi không biết còn đủ 50 triệu đồng không. Có vườn nhỏ hơn thì chỉ được 23 triệu đồng thôi”.
Mất mùa nhưng giá mỗi ký thanh trà hiện nay vẫn không chênh lệch nhiều so với mọi năm. So với năm trước, năm nay tại các chợ, giá mỗi quả sẽ dao động từ 20 – 25.000/đồng (từ nửa ký trở lên), riêng những quả nhỏ thì giá chỉ tầm 10 – 15.000 đồng/quả.
“Giá thanh trà mua sỉ tại vườn thì sẽ phân theo quả. Với những bao 50 trái thì giá là 600.000 đồng/bao, 35 trái thì trái sẽ lớn hơn nên giá là 700.000 đồng/bao. Còn riêng với những quả nhỏ, thì chỉ có giá 350.000 đồng/bao 70 quả” - chị Châu Thị Loan, thương lái thu mua thanh trà, cho hay.
Anh Chơn và cây thanh trà 39 năm tuổi ở trước nhà. Ảnh: Thái Nguyễn
Thế nhưng quả đạt chất lượng năm nay lại không nhiều. Thanh trà loại 1 (thanh trà hơn nửa ký, quả của cây từ 7 năm trở lên, vỏ đẹp, mịn, đều màu, không bị sần) thì thu hoạch được rất ít. Chủ yếu là quả loại 2, chất lượng không bằng. Mỗi vườn bán được thanh trà loại một không nhiều bằng mọi năm.
Không chỉ Thủy Biều là vùng bị ảnh hưởng nặng, thanh trà tại các địa phương khác đều cho sản lượng thấp, gây thiệt hại từ 40 – 60% so với mọi năm.
“Vườn nhà tôi gồm 3 vườn thanh trà, mỗi năm thu nhập tính khoảng từ 200 triệu đồng. Đủ ăn cho cả năm cho cả gia đình. Thế nhưng năm nay thì 50 triệu đồng cả 3 vườn còn không biết có đảm bảo được không nữa”, chị Châu Thị Loan (xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Huế) nói thêm.
Mọi năm lễ hội thanh trà tổ chức 2 năm một lần vào tháng 8, nhưng riêng năm nay lễ hội thanh trà được tổ chức muộn do sản lượng cũng như mất mùa nên lễ hội kéo đến tháng 9.
Theo anh Đặng Chơn, điều kiện thanh trà để được dự thi phải đáp ứng được loại quả không sâu bệnh và có hình thức đặc trưng của quả thanh trà Huế; trái dự thi là những trái đúng giống, to, đẹp, cân đối, đồng đều và vừa chín, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Năm nay do hạn hán kéo dài, cũng như nhện đỏ tấn công nên sản lượng giảm, dù tổ chức muộn hơn nhưng lễ hội thanh trà vẫn tổ chức đúng như thường lệ", anh Đặng Chơn cho hay.
Thanh trà là loại trái cây ăn thông thường và cũng là một món ăn, một loại thuốc dùng để chữa bệnh. Trái thanh trà ở Huế thường chín vào mùa thu và được thu hoạch trong vòng hai tháng. Tép của nó không to, có màu trắng ngà, dù có bổ đứt ra nhưng tép nước vẫn không tứa ra nước. Trái thanh trà có thể ăn chơi trong ngày hè nóng nực hay trộn với các loại thịt, mực, tôm để làm thành món gỏi thanh trà có vị bùi ngọt, dịu mát rất tốt cho sức khỏe.
Thuở xưa Thanh trà được trồng nhiều nhất ở làng Nguyệt Biều - một ngôi làng cổ nằm ven bờ nam sông Hương (đối diện với chùa Thiên Mụ). Vào năm 2014, tổ chức kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục, đặc sản “bưởi Thanh trà” của tỉnh Thừa Thiên Huế được công nhận vào top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam.