Vào cuối tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch, người dân ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) bước vào vụ thu hoạch trái thanh trà. Sau bưởi năm roi, thanh trà được xem là đặc sản của vùng đất này.
Thu nhập bằng 6 lần cây bưởi
Dẫn chúng tôi ra khu vườn rộng hơn 10 công đất trồng thanh trà ngay hàng thẳng lối dọc theo các bờ mương xâm xấp nước, ông Huỳnh Hiền Lâm chỉ tay về phía cây thanh trà đại thụ nói: “Không có cây gì trồng nhanh và ít tốn công như cây thanh trà. Từ khi cây trổ bông đến lúc thu hoạch là khoảng 3 tháng. Hàng ngày chỉ tưới phun sương, chẳng cần phân thuốc, đến khi cây ra bông thì chăm bón cẩn thận một chút là thu hoạch bằng 6 lần cây bưởi”.
Ông Huỳnh Hiền Lâm với cây thanh trà
Theo ông Lâm, tại thời điểm này, thương lái thu mua thanh trà tại vườn từ 17.000 – 18.000 đồng/kg. Thời điểm “ngon ăn” nhất là vào dịp cận tết Nguyên đán, một số cây thanh trà cho trái trước thời vụ được thương lái thu mua giá 30.000 – 40.000 đồng/kg vì cung không đủ cầu.
Tại thị xã Bình Minh, thanh trà được trồng rất nhiều nhưng tập trung ở ấp Đông Hưng và Đông Hòa của xã Đông Thành với diện tích hơn 100 ha. Anh Phong, một nhà vườn ở ấp Đông Hưng 2 (xã Đông Thành, thị xã Bình Minh) cũng hồ hởi nói: “Trung bình một công đất thanh trà sẽ thu hoạch từ 4 – 5 tấn trái. Với những cây nhỏ (khoảng 8 năm tuổi) thì mỗi cây thu hoạch từ 300 – 400 kg, còn những cây lâu năm (từ 20 năm tuổi trở lên) thì năng suất gấp10 lần cây nhỏ. Sau khi trừ chi phí, một công đất trồng thanh trà sẽ cho thu nhập không dưới 60 triệu đồng”.
Từ năm 1950, ông Huỳnh Văn Sung theo học chữ Nho ở Rạch Vồn (Cái Vồn, Bình Minh). Lúc đó, ông Sung thấy nhà của người thầy dạy học có cây đại thụ cho những trái màu vàng, ăn vào có vị thanh, mát nên ông xin về trồng. Sau vài năm, cây cho trái. Thương lái qua lại thấy trái lạ, ăn thử thấy hương vị chua, ngọt nên gọi là trái thanh trà rồi mua đem về Sài Gòn bán. Từ đó, ông Sung được dân gian gọi là “sư tổ” của cây thanh trà.
Thu hoạch từ trái đến hạt
Theo các nhà vườn, thanh trà có 2 loại: trái chua và trái ngọt. Trái chua vỏ hơi cứng, ăn có vị thanh, giòn. Trái ngọt vỏ mềm, mọng nước. Cả 2 loại đều có khả năng giải nhiệt tốt nên được nhiều người ưa chuộng. Vì thế, bà con trồng thanh trà không những tiêu thụ được trái mà còn bán luôn cả nhánh chiết, đôi khi cả hạt. “Trước đây, thanh trà hư đều bị vứt bỏ nhưng gần đây nhiều thương lái đến mua nhánh chiết, rồi mua luôn cả trái hư và hạt nên tôi tận dụng thu hoạch tất cả. Những trái thanh trà nào hư thì đem đi phơi nắng rồi bán từ 500 -1.000 đồng/kg, hạt bán từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, còn nhánh chiết thì dao động từ 15.000 – 20.000 đồng/nhánh” – một nhà vườn chia sẻ.
Ngoài việc bán trái tươi, hạt và nhánh, người dân ở xã Đông Thành còn chế biến mứt thanh trà để uống với nước đá. Với thức uống giải nhiệt dân dã này, nhiều nhà vườn kiếm thêm không ít thu nhập. Chị Nguyễn Thị Tuyết Vân, một nhà vườn có hơn 30 gốc thanh trà ở ấp Đông Hưng 2, cho biết: “Với 1 kg cơm thanh trà ngào với khoảng 1 kg đường sẽ cho ra thành một hũ mứt thanh trà. Giá bán sỉ cho các tiểu thương tại chợ từ 50.000- 60.000 đồng/hũ”.
Không chỉ bán trái chín, nhiều nhà vườn còn thu hoạch cả trái xanh để bán. Theo anh Huỳnh Đông - chuyên thu mua thanh trà, trái xanh được nhiều người dân ở miền Bắc ưa chuộng trong việc trộn gỏi, nấu lẩu chua…Giá trái thanh trà xanh cao hơn trái chín từ 3.000 – 4.000đ/kg.