Đã hai tháng kể từ khi chính phủ miễn thị thực trong vòng 15 ngày cho du khách từ năm nước châu Âu gồm Ý, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp đến Việt Nam vậy mà ngày nào bà Ung Phương Dung, Giám đốc Indochina Services Travel Group, cũng phải ký các hồ sơ xin thị thực cho khách đến từ các quốc gia này.
“Thực tế là du khách từ những thị trường xa như thế thường đi du lịch khoảng ba tuần, thậm chí dài hơn. Có khoảng 50% du khách của chúng tôi không được hưởng lợi từ chính sách miễn thị thực” - bà Dung cho biết.
Cũng như bà Dung, một số người trực tiếp kinh doanh du lịch ở các thị trường trên nhận định việc chính phủ tháo dỡ rào cản về thị thực là chính sách rất tốt cho phát triển du lịch, tạo cơ hội để thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam. Tuy nhiên, do chính sách không đi sát với thực tế nên khi đi vào triển khai đã không mang lại hiệu quả lớn như mong đợi và vô tình tạo nên thông điệp không nhất quán đối với du khách.
“Chính phủ muốn đơn giản hóa điều kiện đi lại để chào đón du khách nên mới miễn thị thực nhưng thời gian miễn lại quá ngắn khiến họ nghĩ chúng ta chưa thực sự mở rộng cửa đón chào khách quốc tế” - ông Trần Trọng Kiên, Tổng giám đốc của tập đoàn Thiên Minh, nói. Ông Minh dẫn câu chuyện thực tế khách đến Việt Nam muốn đi cho hết hành trình chắc chắn phải hơn 15 ngày, vậy là phải xin thị thực. Hay khách vào Việt Nam rồi đi sang các nước lân cận chơi đến khi quay về đây mà cách thời điểm xuất cảnh chưa đến 30 ngày cũng lại phải xin thị thực.
Mặc dù hai tháng gần đây, khách quốc tế đến Việt Nam có tăng nhẹ so với cùng kỳ nhưng tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách vẫn giảm hơn 400.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng những thị trường vừa được miễn thị thực - những thị trường quan trọng mà ngành du lịch kỳ vọng sẽ có những bước tăng trưởng đột phá sau khi điều kiện đi lại dễ dàng hơn - vẫn chưa có những bước tăng trưởng vượt bậc nào so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo nhiều doanh nghiệp, khách du lịch từ những thị trường xa thường lên kế hoạch cho chuyến đi trước sáu tháng hoặc một năm. Vì vậy, phải đến mùa du lịch năm sau chính sách này mới phát huy tác dụng và xét về mặt thời gian thì lại một lần nữa Chính phủ chỉ tạo một nửa cơ hội cho du lịch vì chính sách miễn thị thực chỉ được thực hiện trong vòng một năm, sau đó sẽ được xem xét, gia hạn theo pháp luật.
“Mùa du lịch tới, khi khách chuẩn bị đi thì thời hạn thi hành chính sách miễn thị thực cũng gần hết. Chúng tôi không biết sẽ cam kết với đối tác, với khách hàng về thời gian miễn thị thực tới đây như thế nào. Đây là một rào cản trong việc thu hút khách” -đại diện một doanh nghiệp nói.
Không chỉ là những hạn chế về mặt chính sách nhà nước khiến việc thu hút khách quốc tế khó khăn mà chính sự chậm trễ của ngành du lịch trong việc triển khai, tận dụng lợi thế của chính sách vào thực tế cũng là nguyên nhân khiến cơ hội gia tăng lượng khách có thể lỡ mất.
Cho đến thời điểm này, hai tháng sau khi việc miễn thị thực được triển khai, chương trình khuyến mãi có quy mô quốc gia và đợt truyền thông lớn đến khách hàng như hứa hẹn ban đầu của cơ quan quản lý vẫn chưa được thực hiện. Chỉ lác đác vài chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp được triển khai như giảm giá vài chục đô la Mỹ/tour hay tặng 45 đô la Mỹ cho phí xin thị thực nếu kéo dài chuyến đi. Có công ty mạnh tay giảm đến vài trăm đô la nếu mua cả dịch vụ tour lẫn khách sạn nhưng cũng có nơi chỉ tặng một ký cà phê hay vài cái khăn quàng cổ.
Đại diện một doanh nghiệp tại TP HCM cho biết có nhận được thư mời đăng ký khuyến mãi của hiệp hội du lịch cùng một vài tổ chức nhưng công ty không tham gia bởi không thể đánh giá được hiệu quả của chương trình. “Những nơi này cứ kêu gọi chúng tôi cùng khuyến mãi nhưng không cho biết sẽ thực hiện truyền thông như thế nào để khách hàng biết mà mua. Nếu chỉ quảng bá ầm ầm trong nước, trong khi đối tác nước ngoài, du khách tại những thị trường mình muốn thu hút lại không nắm được thông tin thì dù có giảm giá bao nhiêu cũng không hiệu quả” - doanh nhân này nói.
Ông Kiên của tập đoàn Thiên Minh cho rằng do ràng buộc bởi thời gian được miễn thị thực và thời hạn thi hành chính sách nên ngành du lịch phải có những chương trình tiếp thị thật thiết thực mới đem lại hiệu quả.
Chẳng hạn, với thời hạn 15 ngày, những người được hưởng lợi nhiều trong chính sách này là những doanh nhân, những người châu Âu sinh sống và làm việc tại những nước lân cận. Khi không cần phải xin thị thực, cùng với việc tiện lợi trong giao thông như hàng không giá rẻ, các chuyến bay đi và đến Việt Nam khá nhiều từ những nước lân cận thì nhóm khách hàng này sẽ đưa gia đình đến Việt Nam du lịch.
“Chúng ta không nên quảng cáo, khuyến mãi, tiếp thị tràn lan mà phải nhắm đúng đối tượng. Có khoảng ba triệu người châu Âu đang sinh sống và làm việc ở Singapore, Bangkok, Hồng Kông, Dubai. Nếu chúng ta đưa thông điệp tốt đến khách hàng, cùng những chương trình du lịch hấp dẫn thì hiệu quả sẽ rất lớn, tận dụng được chính sách” -ông Kiên nói.