Giờ mất bến rồi, những chiếc thuyền, công cụ làm ăn chính của họ, nồi cơm của biết bao người lao động, biết sẽ về đâu?
Dự kiến vào hôm nay (7-1-2015), Sở Giao thông Vận tải TP HCM sẽ có cuộc họp về hoạt động của bến Bạch Đằng. Những doanh nghiệp kinh doanh tại đây lại thấp thỏm lo chuyện kinh doanh trong năm mới không biết có phải dừng như bến hay không.
Khoảng một tuần trước tết Dương lịch, các chủ tàu hốt hoảng bởi Sở Giao thông Vận tải cho biết ngay ngày đầu năm mới, Công viên Cảng du lịch Bạch Đằng (cảng Bạch Đằng) sẽ ngưng hoạt động do giấy phép cũ hết hạn và cơ quan chức năng sẽ không cấp giấy phép mới.
Cảng hết giấy phép hoạt động thì cảng vụ sẽ không thể cấp phép cho tàu, thuyền xuất bến nên các chủ tàu phải tìm cách gõ cửa một số cơ quan chức năng để bến được hoạt động bình thường.
Một số doanh nghiệp đã ngồi lại ký đơn, đề nghị các cấp lãnh đạo thành phố cho phép bến được hoạt động để không phải lỡ dở chuyện làm ăn thậm chí phá sản, khiến hàng trăm nhân viên mất việc. Điều doanh nghiệp muốn là tiếp tục được hoạt động tại bến Bạch Đằng - nơi đã nổi danh là bến du lịch, thuận tiện cho khách đến. Trong tình huống xấu hơn, phải dời đi thì nhà nước phải báo sớm, phải có một bến tạm tương đối thuận lợi cho tàu, thuyền đón khách.
Sáng 30-12-2014, một doanh nhân đại diện cho những doanh nghiệp ký đơn đã tất tả đi đến nhiều nơi, từ Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải đến phòng tiếp dân của UBND TP đề đạt nguyện vọng.
Sở Du lịch, vốn là cơ quan quản lý trực tiếp, có quen biết nên doanh nhân này được một lãnh đạo sở tiếp và hứa sẽ ngay lập tức đề đạt nguyện vọng của doanh nghiệp lên UBND vì việc mở hay đóng bến là thuộc quyền của ngành giao thông.
Sở Giao thông Vận tải thì từ chối, cho rằng dù rất ủng hộ doanh nghiệp và cũng đã có một số ý kiến cho doanh nghiệp nhưng không có quyền quyết định, tất cả phải chờ lãnh đạo thành phố. Ở phòng tiếp dân của UBND, doanh nhân này hầu như không nhận được kết quả khả quan nào ngoài ngoài việc nộp đơn đề nghị, điền vào phiếu hẹn và chờ bộ phận này báo lại ngày sẽ được gặp người có chức trách.
"Nghe đâu khoảng 10 ngày mới gặp được mà chúng tôi gấp lắm rồi. Bến mà ngưng thì biết đem tàu đi đâu. Mình phá sản, đền hợp đồng còn nhân viên cùng gia đình họ phải làm sao" - ông nói.
Đáng lẽ, những chủ tàu này không phải là người "đi kêu" cho bến Bạch Đằng được tiếp tục hoạt động mà phải là Tổng công ty Du lịch Sài Gòn Chi nhánh Làng Du lịch Bình Quới - đơn vị được thành phố giao cho quản lý cảng trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, do chủ bến đã kiến nghị cơ quan chức năng không được nên những người thuê bến mới phải xắn tay vào.
Theo lời chủ bến thì tuy được giao quản lý nhưng đơn vị này cũng phải thực hiện theo chỉ đạo của thành phố và các chủ tàu nên tìm bến khác để không phải ngưng hoạt động.
Sau vài cuộc họp khẩn, mãi đến chiều tối ngày cuối năm, Sở Giao thông Vận tải mới có văn bản cho phép bến được hoạt động thêm 15 ngày nữa. Cơ quan quản lý giao thông cho rằng, việc ngừng cấp phép cho tàu đậu tại bến Bạch Đằng là theo chỉ đạo của UBND để cải tạo chỉnh trang lại bến theo quy hoạch. Sau khi cải tạo và chỉnh trang lại, các tàu có được đậu và hoạt động tại bến Bạch Đằng hay không sẽ do ủy ban quyết định chứ không phải là sở.
Đáng lẽ, khi thành phố quyết định quy hoạch lại bến thì các cơ quan quản lý, cơ quan tham mưu cấp dưới phải tính toán những việc phải làm, những tình huống có thể xảy ra để đề đạt cách thức thực hiện lên lãnh đạo thành phố. Những cơ quan quản lý chuyên ngành phải thông báo sớm cho doanh nghiệp về thời gian xây dựng, dự kiến hoàn thành, quy hoạch bến tạm thay thế bến Bạch Đằng trong thời gian sửa chữa và phải cho doanh nghiệp biết nơi cần phải liên hệ khi có sự cố xảy ra khi bến cũ tạm đóng.
UBND TP là nơi quyết định chủ trương chính sách nhưng việc tham mưu, thực hiện là do cơ quan quản lý bên dưới. Nếu những cơ quan này làm tốt chức năng thì doanh nghiệp đã không phải lâm vào cảnh khi xảy ra sự cố thì đi gõ khắp các cửa mà không biết nơi nào có quyền quyết định. Bến Bạch Đằng chỉ còn hoạt động trong tám ngày nữa.
Trong thời gian ngắn ngủi đó doanh nghiệp biết kêu ai để tìm bến khác, biết làm sao để giải quyết hết những khó khăn do sự cố gây ra. Không lẽ với những vấn đề cấp bách như thế này vẫn phải nộp phiếu hẹn ở phòng tiếp dân rồi chờ gặp lãnh đạo.
Trong thời gian ấy, những con thuyền sẽ về đâu?