Tháng 10 hàng năm, WTA Finals 2015 tổ chức tại Singapore cứ đến hẹn lại lên, trở thành một sự kiện thường niên đầy sức cuốn hút. Không đơn thuần chỉ là một sự kiện thể thao, việc cả tám ngôi sao hàng đầu thế giới cùng đến, với một giải đấu được mệnh danh là World Cup của làng quần vợt, ngành du lịch Singapore được thơm lây.
Cũng trong tháng 10, ở Thái Lan, trận đấu giữa hai cây vợt hàng đầu là Nadal và Djokovic cũng làm say lòng giới mộ điệu trái banh nỉ. Trận tennis mang tính từ thiện, có giá trị 4,1 triệu USD này được tổ chức nhằm kêu gọi du khách trở lại Thái Lan sau sự cố đánh bom trước đây.
Singapore và Thái Lan đã trở thành hai “cường quốc” du lịch ở Đông Nam Á và rất biết cách sử dụng các công cụ quảng bá du lịch. Chiêu thức tưởng là cổ điển bằng cách sử dụng các ngôi sao trên thế giới vẫn còn nguyên giá trị và sức hấp dẫn trong việc quảng bá du lịch với khách quốc tế, bên cạnh các chương trình giới thiệu du lịch trên truyền thông đại chúng.
Những chuyến đi như cặp đôi tài tử minh tinh Brad Pitt và Angelina Jolie đến Việt Nam cũng được một vài điểm du lịch tận dụng.
Ở Việt Nam, giới ngôi sao cũng được sử dụng trong mục đích thu hút khách du lịch hay quảng bá thương hiệu.
Chẳng hạn, nhà phát triển khu phức hợp Hồ Tràm Strip ở Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đang mời các golf thủ danh tiếng trên thế giới đến tham dự giải Hồ Tràm Open được tổ chức vào tháng 12 tới đây. Trên sân golf do “huyền thoại” Greg Norman thiết kế, các ngôi sao như Sergio Garcia người Tây Ban Nha, Darren Clarke – nhà vô địch giải Ryder Cup & Open Champion, Geoff Ogilvy – cựu vô địch giải US Open… là những cái tên đáng nhắc trong giải đấu trị giá giải thưởng lên tới 1,5 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, nhà tổ chức cũng mời thêm ngôi sao ca nhạc thế giới Brian McFadden, cựu thành viên của ban nhạc Westlife cũng góp mặt ca hát.
Cũng không ít các sự kiện đình đám khác được tổ chức tương tự mà nhiều doanh nghiệp muốn quảng bá thương hiệu. Những chuyến đi như cặp đôi tài tử minh tinh Brad Pitt và Angelina Jolie đến Việt Nam cũng được một vài điểm du lịch tận dụng.
Nhưng các sự kiện đó vẫn chỉ mang tính lẻ tẻ, tự phát, do các công ty tổ chức, chứ không trở thành các sự kiện bài bản như ở Singapore hay Thái Lan. Có thể nhận thấy một khoảng cách còn khá lớn giữa Việt Nam với Singapore và Thái Lan, qua bảng Xếp hạng năng lực cạnh tranh của diễn đàn Kinh tế thế giới. Tổ chức này đã xếp năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam ở vị trí thứ 75 trên tổng số 141 quốc gia. Thái Lan xếp cao hơn với vị trí 35, còn Singapore thì đứng thứ 9.
Theo ông Lương Hoài Nam, thành viên hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia, các di tích, thắng cảnh và di sản văn hoá của Việt Nam được đánh giá là rất hấp dẫn, “luôn nằm trong tốp 10 điểm du lịch được quan tâm”. Những cảnh “đẹp đến mức gây sốc” như vịnh Hạ Long hay hang Sơn Đoòng, cộng thêm nét văn hoá quyến rũ là những thế mạnh của du lịch Việt Nam. Nhưng du lịch Việt Nam lại tỏ ra yếu kém và thua xa các thị trường khác.
“Phàm cái gì không phải do con người làm ra thì có sức hấp dẫn và đánh giá cao. Chẳng hạn, tiêu chí thiên nhiên của Việt Nam xếp thứ 40, còn tiêu chí di sản văn hoá xếp thứ 33 trên tổng số 141 quốc gia được đánh giá. Phàm là những cái gì liên quan đến con người thì xếp thứ 60 trở lên, và thậm chí có những tiêu chí xếp ở vị trí hơn 130. Di sản văn hoá và di sản thiên nhiên được đánh giá rất cao nhưng để con người biến thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn, cạnh tranh, thì chưa làm tốt” - ông Nam nhận định.
Vậy làm thế nào để du lịch Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Theo ông Nam, cần phải làm tốt hai thứ là “dễ đến” và “dễ chịu”. Dễ đến, nghĩa là tạo điều kiện cho du khách đến Việt Nam thuận lợi hơn, như chính sách bỏ visa là một ví dụ. “Dễ chịu”, nghĩa là các dịch vụ phải trở nên tốt hơn, thân thiện hơn. Và cả hai yếu tố đó đều là con người.
Ngành du lịch Việt Nam năm 2014 thu hút được lượng khách quốc tế đạt 7,8 triệu lượt. Tính mười tháng đầu năm nay, con số này là hơn 6,3 triệu lượt khách, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Du khách quốc tế vẫn tiếp tục đổ đến, bất chấp các dịch vụ du lịch còn nhiều vấn đề, cho thấy một sự hấp dẫn khó cưỡng của Việt Nam. Và điều đáng tiếc trong những năm qua vẫn tiếp diễn: tỷ lệ du khách quay trở lại là rất ít.
Ngành du lịch Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh việc quảng bá, từ việc tham gia các hội chợ du lịch quốc tế và quảng cáo trên các kênh truyền thông thế giới. Nhưng để du khách cảm thấy “dễ chịu” khi đến Việt Nam, thì là cả một câu chuyện dài. Sự biệt đãi của thiên nhiên mang đến cho du lịch Việt Nam những yếu tố rất lớn về lợi thế cạnh tranh. Nhưng chính con người lại đang rất “chân thành” phá huỷ các lợi thế đó.