Tiếc cho một thương hiệu
Gần đây, cơ quan thuế xác nhận đã đưa Công ty Hoàn Long vào trạng thái ngừng hoạt động nhưng chưa đóng mã số thuế với lý do doanh nghiệp này bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký... Mặc dù vậy, tại địa chỉ 410B Nguyễn Thị Minh Khai quận 3 hiện nay vẫn còn treo biển Công ty Hoàn Long, có nhân viên mặc đồng phục Hoàn Long nhưng khi khách mua hàng và yêu cầu xuất hóa đơn thì nhận được hóa đơn của Công ty TNHH TMDV công nghệ Đức Minh (trụ sở 244 Cống Quỳnh, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, là địa chỉ đăng ký của Hoàn Long trước đây).
Như vậy về bản chất, Hoàn Long đã rút khỏi thị trường và đang bán hàng dưới danh nghĩa của một doanh nghiệp khác. Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết Công ty cổ phần Máy tính Hoàn Long hiện còn nợ thuế hơn 14 tỉ đồng. Sau khi áp dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn không thu được nợ, Chi cục Thuế quận 3 đã chuyển hồ sơ của doanh nghiệp này qua cơ quan công an.
Một số nhà cung cấp hàng hóa tại TP HCM cho biết hồi năm ngoái, doanh nghiệp này đã bị nhiều đối tác tố cáo và khởi kiện vì nợ tiền hàng. Được biết các chi nhánh của Hoàn Long ở Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và Đồng Nai cũng đã ngừng hoạt động.
Trong khi chờ cơ quan quản lý vào cuộc làm rõ, không ít người kinh doanh trong lĩnh vực này cho biết họ thấy đáng tiếc về một kết cục buồn của một thương hiệu kinh doanh điện máy đã tồn tại nhiều năm; từng chiếm thị phần khoảng 15% cả nước với doanh thu khoảng 1.200 tỉ đồng mỗi năm; từng năm năm liền (2008-2012) lọt vào “top 5” ICT Việt Nam và huy chương vàng ICT của Hội Tin học TP HCM; từng dạt danh hiệu doanh nghiệp vàng năm 2008-2009, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tiêu biểu, nhà bán lẻ hàng đầu do Bộ Công Thương trao tặng...
Hệ thống cửa hàng teo tóp
Hoàn Long là một trong nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm điện máy từng được đầu tư nhằm đón đầu thị trường được đánh giá có quy mô lên đến 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, do thiếu chiến lược kinh doanh hiệu quả cộng thêm sức ép cạnh tranh quá lớn, hàng loạt doanh nghiệp (kể cả những doanh nghiệp có doanh thu lớn) lâm vào tình trạng thu không đủ bù chi nên đành phải “bỏ của chạy lấy người”. Nguyên nhân được cho là do sức mua trên thị trường xuống thấp sau thời gian lạm phát tăng cao.
Thị trường càng khó khăn, cạnh tranh càng gay gắt, và cách cạnh tranh thường thấy nhất ở các doanh nghiệp lại là... bán phá giá. Trong “cuộc chiến” này, những đối thủ yếu thường không chịu nổi, chưa kể có rất nhiều sản phẩm được bán với giá thấp hơn giá niêm yết, bất chấp điều đó trái quy định của bên cung cấp.
Hệ quả là trong vòng năm năm qua, nhiều siêu thị điện máy đã đổ gục. Những WonderBuy, Best Carings, Ebest, Home One, Topcare... đã phải đóng cửa trong khi hàng loạt siêu thị điện máy khác như Pico, Việt Long, Trần Anh... thường xuyên chịu lỗ hoặc phải thu hẹp kinh doanh.
Phân tích sâu hơn, nguyên nhân mấu chốt khiến các doanh nghiệp không thể kéo dài sự tồn tại trong giai đoạn thị trường khó khăn chính là do họ phải dựa quá nhiều vào vốn vay lãi suất cao, khi mà biên độ lợi nhuận ròng chỉ ở mức thấp, 4-5%. Giám đốc kinh doanh một trung tâm điện máy lớn trước đây cho biết kinh doanh lĩnh vực này đòi hỏi có vốn lớn. Hầu hết nhà bán lẻ dùng hàng hóa làm tài sản thế chấp để xoay xở vốn và nợ nhà cung cấp. Khi thị trường khó khăn, hàng chưa bán được, hàng lỗi thời bị giảm giá tồn quá nhiều khiến nhà kinh doanh nợ chồng nợ, cuối cùng mất khả năng chi trả.
Theo người này, việc xây dựng các điểm bán hàng là khoản đầu tư tốn kém nhất của một công ty bán lẻ hàng điện máy, trong đó, chi phí bình quân hàng tháng của một trung tâm có diện tích khoảng 300 mét vuông vào khoảng 180-200 triệu đồng.
Ai có thể tồn tại?
Cũng có ý kiến cho rằng điều khiến nhiều trung tâm điện máy phải “đội nón ra đi” là do họ không quản lý được chi phí: thuê mặt bằng ở những nơi có giá cao, đầu tư hoành tráng nhưng không đạt được doanh số đề ra.
Điều đáng chú ý, con đường bán hàng giảm giá lại chính là con đường đẩy doanh nghiệp rời khỏi thị trường.
Theo vị giám đốc kinh doanh nói trên, những người mua hàng giảm giá không phải là khách hàng thường xuyên, họ chỉ canh mua những mặt hàng có giá giảm sâu so với giá thị trường nên nếu nhà kinh doanh cứ đi theo hướng giảm giá sản phẩm thì chắc chắn không thể tồn tại.
Cũng theo vị này, thực tế chứng minh là nếu doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng, khai thác nguồn hàng tốt, thương hiệu mạnh, xuất xứ rõ ràng là đã có thể tạo được 30% lượng khách hàng thường xuyên. Điều này có thể giúp doanh nghiệp trụ được. Ngoài ra, năng lực quản lý điều hành của người đứng đầu và hệ thống quản trị hoàn thiện là rất quan trọng, đặc biệt là vấn đề quản trị dòng tiền.
Số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy tiềm năng của thị trường điện máy còn rất lớn. Đó cũng là lý do các nhà đầu tư mới và nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rót vốn kinh doanh mặt hàng này. Như Power Buy thuộc tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim; hay Nojima - một nhà bán lẻ điện máy lớn của Nhật Bản, đã tăng tỷ lệ sở hữu tại Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh lên 31%; Vingroup đang nuôi tham vọng đưa cái tên VinPro lên vị trí hàng đầu thị trường điện máy...
Bên cạnh đó, những thương hiệu quen thuộc như Dienmay.com, Thiên Hòa, Chợ Lớn, FPT... vẫn đang tiếp tục mở rộng địa bàn hoạt động, không chỉ ở khu vực đô thị mà về cả những vùng nông thôn.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, trong thời gian tới, rất có thể xu hướng mua bán, sáp nhập sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, từ nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.