Chiều 17-7, HAGL đã tổ chức sự kiện giới thiệu thành viên là Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế HAGL sắp niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM với mã chứng khoán HNG. Công ty này hoạt động kinh doanh chính là trồng cao su, cọ dầu, trồng và sản xuất mía, nuôi bò.
Bầu Đức thừa nhận trong 2 năm 2015 – 2016, nếu không có chăn nuôi bò thì HAGL cũng “bò” theo khi đổ tiền vào nông nghiệp.
Bầu Đức cho biết khi HAGL mới đầu tư trồng cao su, giá mủ cao su năm 2008 lên đến 5.000 USD/tấn, lãi khủng khiếp vì giá thành chỉ khoảng 1.300 USD/tấn. Nhưng từ năm 2014 đến nay, giá mủ cao su thế giới đã giảm sâu xuống dưới 1.500 USD/tấn, công ty đã phải áp dụng khoán sản lượng đối với công nhân cạo mủ để tiết giảm chi phí. Hiện nay, diện tích cao su khai thác mới khoảng 9.000/38.000 ha, chưa phải là sản lượng đỉnh nên ảnh hưởng chưa lớn.
“Với giá 1.500 – 1.600 USD/tấn thì những nước trồng cao su lớn như Indonesia, Thái Lan đều bị lỗ nên có thể họ sẽ ngưng cạo mủ, sản lượng cao su trên thế giới sụt giảm và chu kỳ tăng giá cao sẽ lên ở giai đoạn 2017-2018, khi ấy, sản lượng cao su của HAGL bước vào giai đoạn đỉnh, chỉ cần giá 2.500 USD/tấn sẽ thu được lợi nhuận lớn” – bầu Đức dự báo.
Giá cọ dầu cũng đang ở mức thấp (từ 900 USD/tấn xuống 750 USD/tấn) nhưng bầu Đức cho rằng đây là mức giảm không đáng kể so với các loại nông sản khác. “Mỗi năm, Việt Nam chi cả tỉ USD để nhập dầu nguyên liệu về chế biến thành dầu ăn, với diện tích trồng cọ dầu 30.000 ha, chỉ cần chiếm được 10% thị trường nội địa là đủ, không lo bão hòa.” – bầu Đức nói.
Dù tự tin về tương lai của dự án trồng cao su, cọ dầu nhưng bầu Đức cũng thừa nhận trong 2 năm 2015 – 2016, nếu không có chăn nuôi bò thì HAGL cũng “bò” theo khi đổ tiền vào nông nghiệp. Nhưng ông cho rằng sự may mắn không tự nhiên mà có vì HAGL hội đủ các yếu tố để chăn nuôi gia súc này.
Đó là, HAGL đã có sẵn quỹ đất lên tới 88.000 ha tại Lào, Việt Nam, Campuchia và nguồn thức ăn dồi dào cho bò từ bắp, bã mía, cành cọ dầu và cỏ voi trồng được. Nếu nhập khẩu bò sống từ Úc, chi phí vận chuyển lên tới 1 USD/kg trong khi bò HAGL gần thị trường nên chi phí này không đáng kể trong khi công nghệ nuôi lại tương tự.
Trước khi tiến hành dự án chăn nuôi, HAGL đã nghiên cứu rất kỹ thị trường. Về giá, trong 20 năm qua, thịt bò chưa có khái niệm hạ giá. Năm 2015, khi hầu hết giá các loại nông sản giảm sâu thì bò thịt vẫn đứng giá, tức là tăng. Trong cơ cấu sử dụng thịt của người Việt, thịt bò mới chiếm 6%, dư địa thị trường còn rất lớn, tăng trưởng hằng năm lên đến 15% và năm 2015 ước tính Việt Nam phải nhập 1 triệu con bò (tính cả lượng bò nhập qua mậu biên) thì đàn bò thịt của HAGL có 300.000 con thì vẫn chưa đủ cho thị trường.
Theo báo cáo của HAGL Agrico, đến ngày 15-6-2015, HAGL đã nhập 86.000 con bò thịt và dự kiến phát triển đàn lên đến 200.000 con bò thịt trong năm 2015. Đối với bò nhập về nuôi (vỗ béo), HAGL nhập bò từ 16-18 tháng tuổi, vỗ béo 6-8 tháng (mỗi ngày tăng khoảng 1,5 kg) đưa vào tiêu thụ, khi đạt trọng lượng 500 kg/con.
Đối với bò cái sinh sản (nuôi tại Lào và Campuchia), khi bê sinh ra đạt từ 16-18 tháng tuổi sẽ đưa vào vỗ béo như trên với ưu điểm là không tốn chi phí mua bò, tỉ suất lợi nhuận cao hơn và đảm bảo nguồn bò nếu nguồn cung từ Úc gián đoạn.
Về tiêu thụ, HAGL đã xuất bán được 18.000 con, dự kiến 6 tháng cuối năm 2015 bán thêm 60.000 con, doanh thu dự kiến 3.000 tỉ đồng; đến năm 2016 đưa ra kế hoạch xuất bán 150.000 con, doanh thu 6.000 tỉ đồng.
Trong khi đó, HAGL Agrico đưa ra dự kiến doanh thu thuần năm 2015 cho tất cả các hoạt động (cao su, mía đường, cọ dầu và bò) là 6.174 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.500 tỉ đồng (bò thịt chiếm 59%); năm 2016 doanh thu thuần tăng lên 9.685 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.100 tỉ đồng (bò thịt chiếm 63%).
Sẽ xuất khẩu bò đi Nhật, Hàn Quốc?
Bầu Đức cho rằng khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, nông nghiệp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng lớn, nông dân Việt Nam với sản xuất cũ bị dính đòn là chắc chắn nhưng HAGL vẫn có lợi thế.
HAGL đặc biệt quan tâm đến thị trường Nhật và Hàn Quốc, nơi ngành chăn nuôi có giá thành cao do một năm chỉ sản xuất được 6 tháng, 6 tháng thời tiết đóng băng nên bò của HAGL có thể xuất khẩu sang 2 thị trường này, chỉ cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Giá cổ phiếu HNG không hề cao
HNG là công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, thành lập năm 2010 với các ngành nghề ban đầu là trồng và chế biến mủ cao su tại 3 nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Năm 2012, công ty triển khai xây dựng cụm công nghiệp mía đường và bắt đầu trồng dầu cọ tại Lào và Campuchia.
Năm 2014, công ty bước sang lĩnh vực mới là chăn nuôi bò thịt và sữa, với thị trường tiêu thụ chủ yếu là Việt Nam, thông qua các đối tác tiêu thụ trong nước, nổi bật là Vissan. Với bò sữa, HNG cung cấp sữa nguyên liệu cho nhà máy Nutifood.
Cổ phiếu HNG sẽ lên sàn trong vài ngày tới với giá 28.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn cổ phiếu của công ty mẹ HAGL là HAG chỉ có 18.000 đồng. Ông Võ Trường Sơn, Tổng Giám đốc HAGL, cho rằng không phải cổ phiếu HNG cao mà do cổ phiếu HAG đang thấp. Trước đó, cổ phiếu HAG từng đạt đến 30.000 đồng/cổ phiếu nhưng đã giảm mạnh vì một số lý do khách quan.