Nguy cơ xóa sổ
Đã 4 năm qua, chưa năm nào trái hồng Đà Lạt bán được giá. Diện tích, sản lượng và giá cả năm trước so với năm sau liên tục giảm đang khiến thương hiệu hồng Đà Lạt lâm vào đường khó. Ở thời điểm hiện tại, hồng Đà Lạt đang vào mùa thu hoạch chính vụ, thế nhưng giá bán chỉ giao động từ 2.000-3.000 đồng/kg, bằng 1/10 so với cách đây khoảng 10 năm. Nông dân trồng hồng ở thành phố sương mù giờ cũng tỏ ra chán nản với loài cây đã từng giúp họ vươn lên làm giàu.
Thương lái thu mua giá quá rẻ, người dân Đà Lạt phải đưa hồng xuống đường bán.
Tại các xã Trạm Hành, Xuân Thọ, Trại Mát,… khu vực từng nổi danh của Đà Lạt với diện tích cây hồng bạt ngàn đồi núi, nay đã bị người dân phá bỏ gần hết để trồng cà phê, rau, hoa. Ông Nguyễn Trung Tài (ngụ xã Xuân Thọ), cho biết: “5 năm qua, giá hồng tụt dốc lại khó tiêu thụ những lúc thu hoạch rộ nên buộc chúng tôi phải chủ động giảm diện tích, chuyển đổi cây trồng”. 300 gốc hồng của gia đình ông Tài cách đây khoảng hơn 10 năm cho thu nhập không dưới 500 triệu đồng, nay dù giữ lại khoảng 100 gốc cũng chỉ giúp ông thu về vỏn vẹn 5-6 triệu đồng.
Là người có thâm niên trồng cây hồng hơn 30 năm qua, ông Lê Khắc Lợi (xã Trạm Hành) rầu rĩ nói: “Giá 1 kg hồng loại đẹp nhất ở thời điểm hiện tại chỉ 4.000-5.000 đồng, còn lại bán đại trà từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nhà tôi có 1ha, may mắn bán vào lúc được giá nhất cùng chỉ thu về được 30 triệu đồng. Trừ chi phí chăm sóc, công cán xong còn dư chưa được 10 triệu đồng…”.
Ba ha hồng nhà bà Lại Thị Chung (xã Trạm Hành) năm nay ước thu khoảng trên 20 tấn. Vài ngày qua, thương lái có đến để ngỏ ý mua nhưng chào giá chỉ 2.000 đồng/kg, khiến gia đình bà Chung lo lắng. “Nếu không bán cho họ thì khi hồng chín đồng loạt rồi cũng vứt bỏ, còn bán với giá hiện tại thì gia đình tôi coi như trắng tay” - bà Chung chia sẻ.
Một thương lái chuyên thu mua hồng tiết lộ: “Hồng Đà Lạt rớt giá cũng chẳng có gì lạ, khi mà hồng Trung Quốc đang bán tràn lan ở cửa khẩu với giá chỉ bằng ½ hồng Đà Lạt. Ngoài ra, hồng Đà Lạt không dùng hóa chất bảo quản như hàng Trung Quốc nên vận chuyển đi rất khó, dễ dập nát”.
Giải pháp cũng… nan giải
Trước tình hình diện tích cây hồng Đà Lạt đang ngày càng “teo tóp”, thiếu sức cạnh tranh, chính quyền TP Đà Lạt vừa khởi động dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt”, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này của Việt Nam và nước ngoài. Hồng ăn trái Đà Lạt hiện đang bộc lộ quá nhiều hạn chế.
Đó là biện pháp canh tác chủ yếu còn dựa theo những kinh nghiệm của người nông dân, chưa được nghiên cứu, áp dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch, dẫn đến sản phẩm bán ra thị trường không đạt độ đồng đều về hình dáng, chất lượng, từ đó gây nhiều khó khăn trong quá trình quảng bá, xúc tiến thương mại.
Do vậy, dự án này sẽ khắc phục những hạn chế trên và nhanh chóng hoàn chỉnh các tiêu chí được xét cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Hồng ăn trái Đà Lạt” gồm: nguồn gốc, xuất xứ ươm trồng, chăm sóc và thu hoạch tại Đà Lạt; xác định các chỉ tiêu về hình dáng, kích cỡ, màu sắc của trái hồng; các thông số kỹ thuật về quy trình ươm giống, trồng và chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói… Tuy nhiên, phải đến cuối năm 2016 thì dự án mới chính thức triển khai nhân rộng.
Trước mắt, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đưa ra giải pháp khuyến khích người trồng sử dụng biện pháp “neo trái” để kéo dài thời gian thu hoạch, chờ đến gần Tết Nguyên Đán bán được giá cao. Tuy nhiên, biện pháp này khá tốn kém, đòi khỏi quy trình kỹ thuật phức tạp, nên nhiều người còn lưỡng lự.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp địa phương cũng đang khuyến khích người dân tổ chức sản xuất, chế biến hồng sấy khô để nâng cao thu nhập và hạn chế tình trạng hồng dư thừa không bán được. Nhưng theo một số người dân, sản xuất hồng sấy khô chi phí và nhân công rất tốn kém, đầu ra của sản phẩm không được bảo đảm nên họ cũng không mặn mà. “Giá 1 kg hồng Đà Lạt sấy khô đúng hiệu cao gấp 3 lần hồng của Trung Quốc cùng loại. Nhiều người kinh doanh đâu có lấy hàng của chúng tôi, họ chỉ lấy rất ít để bán cho những người sành ăn” – một chủ cơ sở sản xuất hồng sấy khô thủ công ở Đà Lạt cho biết.
Theo Phòng Kinh tế Đà Lạt, từ những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, diện tích canh tác hồng ăn trái Đà Lạt ổn định khoảng 900ha, đạt tổng sản lượng hàng năm khoảng 6.500 tấn trái tươi. Đến giai đoạn năm 2000-2010, diện tích hồng ăn trái Đà Lạt giảm xuống còn 600ha, sản lượng trái tươi giảm xuống còn 4.500 tấn. Hiện tại, toàn TP Đà Lạt chỉ còn khoảng 80ha, sản lượng ước còn hơn 560 tấn.