Anh Lê Quang Minh đến Mỹ du học năm 1996, đi làm, cưới vợ rồi định cư từ đó đến nay vẫn không thể ngưng một thói quen rất “Việt Nam” là có nước mắm trong mỗi bữa ăn.
Cỡ chục năm trước, nước mắm phục vụ cộng đồng người Việt ở Mỹ hầu hết là hàng Thái Lan. Đến cả chai có nhãn hiệu rõ ràng “Nước mắm Phú Quốc” còn ghi rõ bên cạnh hàng chữ “Product of Thailand”. Nhưng nay thì nước mắm chính gốc Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều trên các kệ hàng ở khu đông người Việt. Sống tại thành phố San Francisco, anh Minh không khó để mua những chai nước mắm như vậy.
Không đủ sức thì hợp tác
“Cơn sốt” nước mắm Red Boat ở Mỹ khiến nhiều nhà nhập khẩu coi buôn bán nước mắm là một ngành sinh lợi. Red Boat (Cánh buồm đỏ) do Cường Phạm, một Việt kiều từng làm kỹ sư trong hãng Apple, thành lập. Đặt xưởng sản xuất ở Phú Quốc, năm 2009, chuyến hàng Red Boat đầu tiên được chuyển đến Mỹ và gây tiếng vang, được các báo hàng đầu Mỹ như The New York Times, Los Angeles Times và các tạp chí chuyên ngành ẩm thực nhắc đến. Một chai nước mắm Red Boat loại thường 40 độ đạm, 500 ml bán với giá 10 USD, chai hảo hạng 50 độ đạm, 200 ml có giá 20 USD.
Mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ 75%. Ảnh: Vũ Yến
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm, trong đó nước mắm sản xuất theo phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ 75%. Quy mô thị trường này đã tạo ra doanh số khoảng 7.200-7.500 tỉ đồng.
Tiếp sức cho Red Boat là các loại khác như Golden Shell (Con sò vàng), được sản xuất và đóng chai 100% tại Phan Thiết. Công ty Nước mắm Phan Thiết Mũi Né thực hiện phần làm nước mắm, vỏ chai thủy tinh được đối tác phía Mỹ nhập từ Malaysia về Phan Thiết.
Đối tác Mỹ mua nước mắm của Công ty Phan Thiết Mũi Né và thuê công ty này đóng chai luôn. Hiện tại, mỗi tháng công ty xuất khẩu ít nhất bốn container nước mắm mang nhãn Golden Shell sang Mỹ. Một đối tác khác ở Mỹ cũng đang chuẩn bị phối hợp với công ty, theo cách thức như vậy, làm một nhãn nước mắm khác mang tên Ba Miền.
Golden Shell giờ xuất hiện ở nhiều nơi thuộc quận Cam (Orange County). Tại sao Phan Thiết Mũi Né không đóng chai mang thương hiệu của họ xuất thẳng sang Mỹ mà phải “núp” dưới Golden Shell? Theo ông Đặng Đức Chính, Giám đốc bán hàng công ty này, họ không có nhân lực để dàn trải, cũng chưa rành đường đi nước bước và các thủ tục làm ăn bên đó, cách làm thị trường không thể bằng người bên đó.
Đến những nơi chọn mình
Các nhà sản xuất nước mắm truyền thống như Phan Thiết Mũi Né cho rằng việc gia công xuất khẩu nói trên là một hướng đi giúp gỡ thế khó khi mà ở thị trường trong nước, sản phẩm nước mắm sản xuất theo phương pháp công nghiệp của các doanh nghiệp lớn đã chiếm thị phần áp đảo. Từ ba năm trở lại đây, nhiều cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống ở Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc hầu như cạnh tranh không nổi với doanh nghiệp sản xuất nước mắm công nghiệp.
Bà Lê Cẩm Thủy, Giám đốc Công ty Nước mắm Cẩm Vân Nha Trang, cho biết công ty chỉ bán ở các kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi, không dám vào chợ truyền thống. Bà Thủy nói: “Các doanh nghiệp lớn làm nước mắm công nghiệp thường khuyến mãi cho bà con tiểu thương đến 40%, tức là tiêu thụ cho họ thùng 20 chai, họ tặng kèm thêm 8 chai nữa. Chúng tôi làm sao có ngân sách khuyến mãi kiểu đó. Ngoài ra, họ còn tặng tiền bày kệ cho tiểu thương nữa”.
Còn ông Chính của nước mắm Phan Thiết Mũi Né cho biết công ty ông đã rút chân hoàn toàn ra khỏi chợ truyền thống sau mấy năm cất công gây dựng mạng lưới. Ông Chính nói: “Chúng tôi chiết khấu cho tiểu thương đến 22%, đóng vai người tiêu dùng ra sạp chợ hỏi nước mắm, họ mang các loại nước mắm công nghiệp ra chào hàng. Vậy thì chúng tôi còn bán được cho ai!”. Hiện tại, cơ cấu tiêu thụ sản phẩm của công ty ông Chính là 30% ở siêu thị, 50% gia công xuất khẩu và 20% vào các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể.
Song, cả ông Chính và bà Thủy đều cho biết họ lạc quan với kênh siêu thị và cửa hàng tiện lợi vì nhiều người tiêu dùng ở các kênh này thường chuộng nước mắm truyền thống vì cho rằng sản phẩm được làm theo quy trình tự nhiên, không chất bảo quản, không chất điều vị. “Chúng tôi lạc quan vì lượng người tiêu dùng ở kênh này sẽ tăng nhanh trong những năm tới” - bà Thủy nói.
Hiện có doanh nghiệp nước mắm công nghiệp cũng muốn nhảy vào sản xuất cả nước mắm truyền thống. Ông Chính cho biết công ty của ông đã nhận được đề nghị mua lại toàn bộ từ một doanh nghiệp lớn nhưng ban giám đốc công ty đã từ chối.
Ông Đặng Đức Chính, Giám đốc bán hàng Công ty Phan Thiết Mũi Né, cho biết để vào được thị trường Mỹ, nước mắm phải qua những quy trình ngặt nghèo. Đầu tiên là giấy kiểm định chất lượng 15 tiêu chí từ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 tại TP HCM. Có giấy này, hàng mới được phép xuất khẩu.
Đến Mỹ, hàng phải chờ tại cảng để Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) lấy mẫu kiểm tra, đạt rồi mới được thông quan. FDA chỉ cấp giấy chứng nhận cho nhãn hàng trong vòng một năm, với giá 12.000 USD, hết thời hạn phải làm giấy mới.
Hai tiêu chuẩn mà nước ngoài xét kỹ nhất, đầu tiên là không có axit sorbic trong nước mắm. Có axit sorbic nghĩa là sản phẩm có dùng chất bảo quản. Thứ hai là hàm lượng histamine trong tầm kiểm soát vì đây là chất gây ngứa. Histamine chủ yếu sinh ra từ cá ươn.