Với dáng người hao gầy cùng mái tóc bồng bềnh đã lấm tấm sợi bạc, ông Sáu nghệ sĩ (tên thật Nguyễn Văn Sáu), ngụ ở thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) luôn cần mẫn bên vườn cây trầm hương rộng 3,5 ha ven hồ Bảy Mẫu. Dẫu hương trầm còn vời vợi xa mùa thu hoạch nhưng với ông Sáu luôn có một niềm tin về hàng ngàn chiếc búp trầm sẽ tỏa ngát hương thơm sau hơn mười năm dày công vun vén.
Có duyên với trầm
Ông Nguyễn Văn Sáu (63 tuổi) quê gốc ở Miền Tây sông nước nhưng gắn bó với rừng Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã gần 50 năm. Ngày đầu tiên đến với rừng Bảo Lâm, ông Sáu làm nghề cạo mủ ngo cho một chủ đồn điền thời chế độ cũ. Sau giải phóng, khi đang là công nhân của một đơn vị lâm nghiệp quốc doanh ông có dịp tiếp xúc với một cây trầm hoang dại ở đèo B40, xã Lộc Bắc.
Ông Sáu nhớ lại: “Đó là một cây trầm cao đến 20m, đường kính gần 1m, đứng khuất lấp trong một cánh rừng lá rộng. Tôi và mấy thanh niên người dân tộc bản địa dừng lại căng lều rồi hì hục vung rìu chặt hạ…”.
Sau khi đốn hạ cây trầm, nhóm của ông Sáu đục đẽo, cưa xẻ, moi móc tất cả bộ phận của cây từ đọt cành đến gốc rễ nhưng chỉ nhặt nhạnh được ít ỏi búp đen như củi than, mang ra phố huyện Bảo Lộc bán lấy số tiền quá nhỏ nhoi so với sự mất mát một cây quý của rừng, ông cảm thấy có lỗi và không nguôi ray rứt.
Mãi đến đầu năm 1999, ngành nông nghiệp huyện Bảo Lâm triển khai chương trình cung cấp giống trầm hương trồng trên địa bàn, ông Sáu là người đầu tiên đăng ký tham gia. Ông vui mừng khi được nhận 330 cây trầm giống để trồng xen canh trên vườn chè, cà phê gần 3,5 ha bên hồ Bảy Mẫu của mình theo đúng chuẩn quy cách của ngành nông nghiệp.
Hơn tháng sau, trầm lên cành, lá xanh non mơn mởn, ông lại tiếp tục rong ruổi đến các vùng trầm hương các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa để hỏi mua hạt giống, dùng tay bóp chặt hạt nào cứng chắc và tròn đầy thì ông chọn cho đủ 8.000 hạt mới đón xe đò về Bảo Lâm.
Trong vườn chè, cà phê của mình, ông Sáu dành 200 mét vuông dựng lên nhà lưới, đặt trong đó 10 bầu đất ươm trầm thử nghiệm, kết quả tỉ lệ nẩy mầm ở hạt giống nứt vỏ đạt đến 90%, ở hạt giống nguyên vỏ chỉ đạt 15%.
Hơn một năm sau khi ươm đồng loạt 8.000 hạt giống trầm nứt vỏ, nẩy mầm phát triển thành cây con cao trên dưới 0,5m, ông Sáu đã trồng tất cả vào mùa mưa trên diện tích 3,5ha, đạt tỉ lệ từ 80- 85% cây bén rễ xen canh cùng với cây chè, cà phê.
Giấc mơ tiền tỉ còn xa…
Ông Sáu nói theo nghiệp hương trầm cũng thăng trầm giống hệt cái tên của nó, gắn với nghề ông đâm ra mê cây dó bầu. Ông nghĩ chẳng bao lâu cây dó bầu tự nhiên vì bị khai thác sẽ cạn kiệt. Vì thế, ông quyết tâm tìm hiểu, học hỏi trên mạng Internet và những người có kinh nghiệm để có được phương pháp lai tạo thành công trầm trên cây dó bầu trồng. Thế nhưng, trời không chiều lòng người, mùa mưa năm 2006, dịch bệnh, sâu ăn lá và sâu đục thân bất ngờ tấn công trên vườn trầm 3,5 ha của ông Sáu, từ hơn 6.500 cây sau trận “bạo bệnh” chỉ còn 4.000 cây.
Đến mùa mưa năm 2009, thêm một đại dịch sâu ăn lá và sâu đục thân buộc ông phải chặt bỏ trên diện rộng đến hết 2.000 cây bị bệnh; còn để lại đầu tư, thâm canh chiều sâu hơn 2.000 cây.
Thời điểm dịch hại xảy ra, nhiều chủ vườn ở huyện Bảo Lâm quá hoang mang, đã phá bỏ hết trầm để “giữ an toàn” cho chè và cà phê. Riêng ông Sáu giữ được 2.000 cây trầm khỏe mạnh đến giờ (cao trên 5 mét, đường kính gốc 40 - 60 cm). Qua đó, ông Sáu rút được kinh nghiệm đối phó với sâu bệnh trên cây trầm. Riêng việc quan sát đã cho ông Sáu biết được các loài sâu gây hại trầm lại hoàn toàn vô hại với chè và cà phê.
Năm 2011, ông Sáu lặn lội xuống Đồng Nai mua hóa chất về khoét vỏ cây để tạo búp cho vườn trầm, sau 2 năm ông chặt hạ để 1 cây thử nghiệm nhưng chỉ thu được những mẫu trầm dăm cỏn con. Công sức và vốn liếng bỏ ra quá nhiều, nhưng ông Sáu không nản lòng vẫn đau đáu nuôi hy vọng vì niềm đam mê của mình.
Nghe tin ông Sáu vườn trầm “nổi tiếng” đất Bảo Lâm (Lâm Đồng) nhiều thương gia từ các tỉnh miền Nam, miền Trung kéo lên mua cả vườn với giá trung bình 1 - 1,5 triệu đồng/cây nhưng ông Sáu nhất quyết không bán. Ông Sáu nuôi hy vọng sẽ tạo ra búp trầm tự nhiên trong vòng 20 năm nữa. Ông nói sẽ để lại “cơ nghiệp” này cho 2 người con chăm sóc cho đến ngày lấy búp.
Đa phần nông dân quanh vùng đều nói ông Sáu “to gan” bởi cái giấc mơ tiền tỉ ấy rất xa vời và rủi ro trong việc tạo búp là rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông K’Krát, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm, cho biết: “Niềm đam mê hương trầm của ông Sáu nghệ sĩ đã có tiếng ở đất này, ông tích cực chăm sóc, giữ lại vườn trầm với tất cả niềm yêu thích của mình. Chí vì thế, Hội Nông dân thị trấn luôn là “chiếc cầu nối” để ông Sáu tiếp cận nhanh nhất về kỹ thuật canh tác mới cho cây trầm hương theo nhu cầu của thị trường…”.
Hàng năm, trên 3,5 ha trà, cà phê ông Sáu thu được trên 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sinh hoạt gia đình, ông dành hơn 50 triệu đồng riêng để chăm chút cho cây trầm với giấc mơ những búp trầm sẽ nở… cho con cháu sau này. Cũng theo ông Sáu, bám nghiệp hương trầm không chỉ là niềm đam mê, mà còn là dịp để ông “trả nợ” vì đã trót chặt hạ 1 cây trầm rừng thời tuổi trẻ…