Tin tức liên tiếp về việc người Thái đã và đang thâu tóm hoàn toàn hoặc một phần nhiều doanh nghiệp Việt như C.P Việt Nam, Red Bull, Prime Group, Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Bao bì nhựa Tín Thành, và đặc biệt là hệ thống bán lẻ của Việt Nam như Big C, chuỗi siêu thị Familiy Mart, Metro Việt Nam hay hệ thống điện máy Nguyễn Kim… đã làm dấy lên một làn sóng lo ngại sâu rộng trong dư luận về những tác động tiêu cực của trào lưu thâu tóm này lên nền kinh tế Việt Nam.
Tác động tiêu cực được lo ngại nhiều nhất là việc hàng Việt sẽ bị lấn lướt và gạt bỏ khỏi hệ thống bán lẻ bị chi phối bởi người Thái. Lúc đó, người Thái có thể lũng đoạn thị trường Việt Nam do đã nắm cả chuỗi giá trị từ sản xuất đến phân phối hàng hóa tại Việt Nam.
Một tác động tiêu cực đáng kể thứ hai hay được nhắc đến trước đây là các thương hiệu Việt một thời là niềm tự hào của người Việt sẽ dần biến mất khỏi thị trường và nền kinh tế Việt Nam sẽ chẳng còn lại gì đáng kể là của riêng mình mà chỉ đơn thuần là một nền kinh tế gia công cho những thương hiệu nước ngoài.
Tác động tiêu cực thứ ba là tình trạng “miếng ngon cho người hưởng”, khi các doanh nghiệp bị thâu tóm thường là những doanh nghiệp đình đám trong ngành, nắm những lợi thế lớn, khả năng sinh lợi cao, nên khi bị thâu tóm vào tay người Thái thì đương nhiên người Thái sẽ được hưởng nguồn lợi đó. Lợi nhuận tạo ra sẽ được chuyển về Thái Lan và Việt Nam chẳng được hưởng gì đáng kể.
Tất cả những lo ngại trên đều vô lý, bị phóng đại, bi kịch hóa quá mức. Do đó, những kết luận kiểu như cần thận trọng với việc mua lại doanh nghiệp của người Thái v.v… không những là vô lý, không phải ái quốc gì cả, mà còn có thể gây ra những tác hại lớn như phong trào “nói không” với người/hàng Thái…
Về tác động tiêu cực đầu tiên, có mấy điểm vô lý.
Vô lý thứ nhất, người Thái dù có nắm được Big C, Family Mart, Metro, và Nguyễn Kim, và dù những doanh nghiệp, những siêu thị này có quy mô lớn, nhưng chúng không phải là tất cả trong nền kinh tế Việt Nam, trong ngành của chúng. Bởi vậy, dù có muốn lũng đoạn, chi phối ngành tương ứng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung thì người Thái cũng không thể chi phối được. Bên cạnh chúng còn có nhiều doanh nghiệp, nhiều hệ thống siêu thị khác của nội địa và nước ngoài cùng cạnh tranh với chúng. Kết hợp với cả cửa nhập khẩu rộng mở thì một số doanh nghiệp của người Thái, bị chi phối bởi người Thái cũng không thể “một mình một chợ”, ví dụ, tự tung tự tác tăng giá vô tội vạ.
Chưa nói đến thực tế rằng nhiều trong số các doanh nghiệp, các siêu thị này chỉ có một phần sở hữu là thuộc người Thái (và có cả sở hữu không chi phối). Như thế có nghĩa là người Thái chỉ là ông chủ một phần của nhiều doanh nghiệp Việt Nam và do đó không thể muốn quyết gì, làm gì thì làm. Đây cũng chính là lý do và kết quả của việc đàm phán mở cửa trong hội nhập giữa Việt Nam với các nước khác khi nhà đàm phán Việt nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống phân phối trong nền kinh tế.
Vô lý thứ hai, hàng Việt có bị lấn lướt, có bị loại ra khỏi hệ thống bán lẻ hay không phụ thuộc phần lớn vào tính cạnh tranh của hàng Việt (so với hàng Thái), chứ không phải tại vì hệ thống bán lẻ rơi vào tay người Thái. Một số siêu thị rơi vào tay người Thái thì điều này cũng chỉ có tác dụng tích cực phần nào lên tính cạnh tranh của hàng Thái so với hàng Việt chứ không phải là tất cả, tương tự như việc người Thái mở thêm showroom, điểm giới thiệu, xúc tiến thương mại cho hàng Thái mà thôi.
Một ví dụ theo chiều ngược lại là người Trung Quốc chẳng cần thâu tóm chuỗi siêu thị (lớn) nào của Việt Nam mà hàng Tàu vẫn cứ len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, đè bẹp không chỉ nhiều loại hàng Việt mà còn cả hàng Thái. Nói như vậy để tránh sự nhập nhằng, để đừng có đổ lỗi (nếu có) cho việc hàng Việt bị lấn lướt bởi hàng Thái là do người Thái thâu tóm hệ thống phân phối, bán lẻ của Việt Nam. Điều này chẳng khác gì cứ đau bụng là đổ lỗi do ngộ độc thức ăn.
Vô lý thứ ba, nên nhớ rằng nhiều siêu thị, doanh nghiệp nêu trên vốn từng là của người nước ngoài (có vốn nước ngoài) chứ không phải là (hoàn toàn) của người Việt. Do đó, việc sang tên đổi chủ về nguyên tắc cũng chẳng làm hại hay lợi gì hơn cho người Việt nếu cho rằng một khi các siêu thị, doanh nghiệp này nằm trong tay người nước ngoài thì sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam.
Vô lý cuối cùng, ông chủ mới người Thái có cố tình chọn phân phối hàng Thái thay vì hàng Việt trong hệ thống siêu thị họ thâu tóm thì đó chủ yếu là vì họ, với tư cách là các chủ doanh nghiệp theo đuổi lợi nhuận tối đa, thấy hàng Thái đem lại lợi nhuận cao hơn cho họ, chứ chẳng phải vì họ có tinh thần yêu nước, “đem chuông đi đánh xứ người”.
Mà nếu đúng như vậy thì cho dù vẫn còn nằm trong tay người Việt thì không điều gì ngăn cản ông chủ Việt chuyển sang phân phối hàng Thái thay vì hàng Việt để đạt lợi nhuận cao hơn như cách người Thái (được cho là) sẽ làm hiện nay. Điều ngăn cản các ông chủ Việt đã không làm vậy trước đây có lẽ là vì đa phần hàng Việt vẫn mang lại lợi nhuận nhiều hơn mà thôi. Và rốt cuộc, câu chuyện lại trở lại điểm xuất phát, tự thân tính cạnh tranh, sinh lợi của hàng Việt mới quyết định số phận “đi hay ở” của chúng tại các siêu thị, chứ không phải ai là ông chủ của các siêu thị này.
Về tác động tiêu cực thứ hai, điều này đã được người viết chỉ ra điểm vô lý trước đây, và vì thế đã không còn được mấy người nhắc đến gần đây nữa. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải nhắc lại thêm một chút ở đây để nó không tiếp tục tái diễn sau này. Đó là người Thái (hay người nước ngoài khác) mua lại các thương hiệu Việt chính vì giá trị của các thương hiệu này và hình ảnh quen thuộc của chúng trong lòng người tiêu dùng Việt. Do đó, chẳng có ông chủ mới nước ngoài nào lại dại dột xóa bỏ chúng một khi đã sở hữu chúng. Và họ cũng chẳng thể, chẳng muốn “bê” các thương hiệu, các doanh nghiệp, siêu thị về nước mình cả. Như thế, các thương hiệu này vẫn sẽ là thương hiệu Việt, “make in Vietnam” và “made in Vietnam”, vẫn tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người Việt, doanh nghiệp Việt khác.
Về tác động tiêu cực thứ ba, đúng là các doanh nghiệp, siêu thị bị thâu tóm có khả năng “thay da đổi thịt”, đem lại lợi nhuận lớn cho các ông chủ mới người Thái. Nhưng đó là điều đương nhiên và hợp lý vì lợi nhuận gia tăng là do công sức và vốn liếng của họ bỏ ra chứ lợi nhuận này không tự nhiên sinh ra.
Nếu cứ lo sợ lẫn cả ghen tức rằng lợi nhuận làm ra bao nhiêu thì bị người nước ngoài chuyển hết về nước họ thì có khác gì nói rằng đừng cổ phần hóa, đừng bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước cho nhà đầu tư nước ngoài nữa vì họ sẽ chuyển lợi nhuận hết về nước họ. Vì vấn đề ở đây là nếu không bán cho người nước ngoài thì những doanh nghiệp này có lẽ mãi mãi vẫn trong tình trạng “thoi thóp”, không phá sản, không trở thành gánh nặng cho nền kinh tế đã là may mắn lắm, nói chi đến chuyện làm ăn sinh lời nữa?
Các ông chủ cũ người Việt hẳn cũng đã tính toán nát óc bài toán lợi hại khi bán doanh nghiệp của mình để rồi đi đến kết luận rằng bán được với cái giá đó đã là hời rồi. Nói cách khác, chỉ có những người trong cuộc mới biết rõ nên làm gì, và do đó những thương vụ “bán mình” thế này thường không phải là kết quả của những quyết định vội vàng, thiếu khôn ngoan để cho cả xã hội phải nhảy vào can ngăn với lo ngại hộ.
Chưa hết, đây không phải là cuộc chơi chỉ có kẻ thắng, là ông chủ nước ngoài (người Thái), và người thua là người Việt. Nó hoàn toàn có thể là cuộc chơi mà cả 2 bên cùng thắng. Người Thái sau khi thâu tóm sẽ làm cho doanh nghiệp, siêu thị bị thâu tóm lành mạnh hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn để chuyển về Thái Lan (và vẫn phải trả thuế thu nhập cho Việt Nam).
Còn các ông chủ cũ người Việt sau khi bán doanh nghiệp của mình cho người Thái rất có thể đã dùng số tiền đó để đầu tư vào những doanh nghiệp, những lĩnh vực khác thuộc lợi thế của mình, nhờ đó cũng thu được nhiều lợi nhuận hơn là cứ cố bám lấy những doanh nghiệp cũ. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn có thể thu được lợi nhuận ròng, giá trị gia tăng ròng lớn hơn so với trước khi người Thái nhảy vào thôn tính.