Nhận bán lẻ cho công ty người quen để kiếm thêm thu nhập, chị Tuyết Vân rao bán dưa lưới trên Facebook cá nhân với giá 60.000 đồng một kg và nhận đơn hàng tối thiểu từ 3kg. Chỉ 24 giờ sau, chị Vân đã phải thông báo hết hàng vì khách đặt mua vượt khả năng cung cấp.
“Dưa lưới của tôi lấy bên Công ty Nông nghiệp xanh thế kỷ 21. Dưa ở nguồn này 10 ngày trước khi thu hoạch đã có đặt hàng hết rồi. Vì vậy, muốn bán nữa thì cũng không thể đặt thêm được. Một số mối lớn của bên này còn ký hợp đồng từ nửa năm đến một năm để yêu cầu trồng đúng giống dưa mong muốn và chốt giá sẵn”, chị Vân cho biết.
Dưa lưới được đưa về trồng tại Việt Nam cách đây hơn 7 năm, ban đầu ở TP HCM, Bình Dương, sau đó mở rộng ra Đồng Nai, Lâm Đồng và một số tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long như: Bến Tre, Đồng Tháp… Ông Từ Minh Thiện - Phó trưởng ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho biết, điều kiện khí hậu ở Việt Nam rất phù hợp để trồng giống cây này.
“Dưa lưới nói chung có 2 giống, giống ôn đới và giống nhiệt đới. Như ở Củ Chi thì đang trồng giống nhiệt đới. Còn giống ôn đới thì khu vực Đà Lạt trồng rất hiệu quả”, ông Thiện nhận định.
Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng khảo nghiệm rồi mở rộng quy mô canh tác, dưa lưới nội địa vẫn ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Chị Vân, phụ trách kinh doanh dưa lưới của Công ty Nông Sinh Khang Nguyên cho biết từ vài nghìn mét vuông ban đầu, công ty này hiện đã có 7 hecta dưa lưới tại TP HCM, Bình Dương… “Quy mô canh tác bên tôi vẫn liên tục mở rộng, hiện xuất bán 20 tấn dưa lưới mỗi tháng, khách hàng trải dài từ Nam ra Bắc”, chị Vân cho biết.
Theo tính toán của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, trong khi giá trị bình quân mỗi hecta đất sản xuất nông nghiệp tại thành phố chưa đạt 400 triệu đồng một năm thì mỗi hecta chuyên canh dưa lưới có thể mang lại doanh thu 3-4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khảo sát của Khu nông nghiệp công nghệ cao TP HCM cho biết lợi nhuận trồng dưa lưới đang khá cao, vào khoảng 28-32%.
Hiện tại, các nông hộ đang trồng dưa lưới theo 2 cách: trồng ngoài trời hoặc trồng trong nhà màng. Trồng ngoài trời có ưu điểm chi phí đầu tư thấp nhưng chỉ trồng được mùa nắng, chất lượng và mẫu mã dưa không bằng trong nhà màng, lại dễ sâu bệnh. Do đó, xu hướng trồng trong nhà màng đang phát triển mạnh. Giống dưa lưới cũng khá đa dạng về chủng loại và về giá. Những giống loại rẻ dao động từ 200 đồng đến 500 đồng mỗi hạt. Giống loại đắt có thể từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng mỗi hạt. Tùy vào giá cả mà tỷ lệ chết giống, chất lượng quả dưa bao gồm các độ đặc, mềm, giòn, ngọt… cũng như hình thức bên ngoài sẽ khác nhau. Ngoài các giống nhập từ Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan hay Pháp thì cũng đã có một vài doanh nghiệp nội địa như Chánh Phong, Khang Nguyên… có thể tự sản xuất giống.
Do có phương thức canh tác và nhiều giống khác nhau nên giá dưa lưới bán lẻ trên thị trường cũng đa dạng, dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng một kg, cá biệt có loại dưa lưới giống ôn đới trồng theo hướng hữu cơ tại Đà Lạt thì có giá từ 175.000 đến 200.000 đồng một kg. Tuy nhiên, dù ở mức giá nào, dưa lưới cũng được thu gom sạch ngay khi thu hoạch.
“Với quy mô trồng dưa lưới hiện tại thì cũng chưa đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng đến một lúc nào đó, chúng ta phải làm công tác thị trường vì sản phẩm này cũng chưa phải là sản phẩm quen thuộc với đại đa số người dân mình”, ông Từ Minh Thiện nhận định.
Một lý do khác khiến dưa lưới luôn có giá ổn định và đầu ra dễ dàng là vấn đề thỏa thuận trong sản xuất. Theo một số mối buôn, các nông hộ trồng dưa lưới tại khu vực Bình Dương, Đồng Nai khá đoàn kết trong vấn đề giá và kiểm soát sản lượng cung ứng. Do đó, những năm qua, đầu ra của dưa lưới liên tục phát triển ổn định mà không gặp tình trạng được mùa rớt giá như các trái cây khác.
“Mấy dịp Tết gần đây người dân bắt đầu chuộng mua dưa dưới để ăn và chưng mâm quả nên cũng có đầu ra rất tốt. Với một vụ dưa lưới tầm 3 tháng, chúng tôi đang chuẩn bị cho đợt hàng Tết sắp tới. Tình hình đặt hàng trong tháng qua nhìn chung lạc quan”, một nhà vườn trồng dưa lưới ở Bình Dương cho biết.