TPP được xem là một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bởi nó đề ra những tiêu chuẩn rất cao về thương mại, kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, môi trường, lao động… với mức giảm thuế quan rất sâu – gần như bằng không. Cơ hội lớn nhưng thách thức lớn của Việt Nam là làm sao tận dụng được cơ hội này.
Một trò ú tim được các bên dàn dựng, khiến cho những người theo dõi TPP Atlanta không biết mấy phen giật mình. Ở thời điểm tưởng như bế tắc nhất lại là khi các bên tỏ ra quyết tâm nhất. Và một trò ú tim được 12 thành viên cùng nhất trí chơi. Các bộ trưởng, với những cuộc đàm phán thâu đêm: Ngừng. Tiếp tục! Ngừng! Chờ! Tiến lên! Hoãn! Xin ý kiến! Quyết tâm! Thoả thuận nguyên tắc! Thoả thuận cuối cùng! Những tiếng thở phào rồi cũng được thốt lên. Một thành viên đoàn đàm phán Việt Nam là Nguyễn Mạnh Cường không kìm được: “Chỉ còn 40 phút nữa vào họp báo. Chỉ còn 70 phút nữa sẽ ra sân bay về Việt Nam. Vui mà sao nước mắt lại chảy ra thế này”.
Cuộc họp báo dự kiến 8g tối giờ Hà Nội, nhưng cũng phải chờ thêm 20 phút sau mới được bắt đầu và báo giới quốc tế cũng dành sự quan tâm không nhỏ đến Việt Nam với các vấn đề lao động, dệt may…
Với hơn 54 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, theo con số mới nhất của tổng cục Thống kê, sinh kế của nhiều người sẽ được cải thiện khi TPP mở ra cánh cửa xuất khẩu rất lớn của một thị trường chiếm đến 40% GDP toàn cầu. Dệt may chẳng hạn, hiện có đến hơn 6.000 doanh nghiệp, với lực lượng lao động lên đến hơn 2,5 triệu người. Những con số xuất khẩu hàng chục tỉ USD đang làm rất nhiều người loá mắt, nhất là trong ngành dệt may, da giày, nông sản.
Đằng sau những con số tỉ đô đó là phần nhập khẩu đã ăn gần như trọn. Phần doanh nghiệp Việt Nam được hưởng chỉ là những đồng tiền gia công ít ỏi. Phần lời, theo một chuyên gia của ngành dệt may, chủ yếu ăn vào những đồng lương ít ỏi của công nhân, vì “nếu trả lương sòng phẳng thì làm giỏi lắm thì chỉ có huề vốn”.
Thế Giới Tiếp Thị đã có chuỗi bài về những chiếc bẫy hội nhập, trong đó những FTA thế hệ mới như TPP và FTA Việt Nam – EU đang tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thách thức. Hình tượng chiếc họp Pandora vẫn chưa hề là một câu chuyện cũ về những mặt trái của toàn cầu hoá và thương mại tự do. Bài học về sự kỳ vọng quá lớn và cây đũa thần WTO tám năm trước vẫn còn nguyên tính thời sự. Cơ hội mở ra rất lớn, nhưng các chính sách của chính phủ dường như không theo kịp, và khối doanh nghiệp dân doanh đang phải gánh chịu hậu quả.
Các doanh nghiệp FDI thì đang đổ xô đến Việt Nam với những ưu đãi chưa từng có. Ngành dệt may chẳng hạn, theo ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch hiệp hội Dệt may thêu đan TP HCM, đang chứng kiến sự “hối hả” của các nhà đầu tư nước ngoài.
Điều khoản về cơ chế giải quyết tranh chấp nhà đầu tư – chính phủ (ISDS) mà chúng tôi đã đề cập trong số báo trước được cho là sẽ bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn nữa.
Quy tắc xuất xứ đòi hỏi “yarn forward”, tức từ sợi trở đi mới được hưởng ưu đãi thuế, mà các doanh nghiệp trong nước đang chủ yếu làm gia công ở công đoạn “cắt và may”. Chỉ cần nâng lên một khâu là FOB, tức là mua nguyên liệu không qua trung gian là các doanh nghiệp “có thêm ít nhất 10% giá trị gia tăng”, chưa nói đến các hiệu ứng lan toả khác.
Nguyên liệu “từ sợi trở đi” ở trong nước, theo ông Hồng, chỉ mới đáp ứng chừng 10 – 15%.
Chính sách của Nhà nước “vẫn còn chậm”, trong khi áp lực của các FTA thì đang đè nặng, mà khối FDI thì đang “hối hả” đổ đến, còn các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân, đang chật vật trước một nền kinh tế khó khăn, đối mặt với các vấn đề thuế phí bên trên, lương tối thiểu bên dưới.
Quan sát những gì các đoàn đàm phán TPP cho thấy các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc, New Zealand… ráo riết và tìm mọi cách để bảo vệ các nhà sản xuất của họ.
Còn Việt Nam thì dường như tập trung nhiều hơn đến lợi ích xuất khẩu, đến doanh nghiệp nhà nước, công đoàn… và khối doanh nghiệp dân doanh có vẻ bị lãng quên.
Những màu hồng đang ngự trị như tám năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Và rồi, theo thời gian, sắc hồng nhạt phai để lộ ra những khoảng đen và sắc xám.
Và giọt nước mắt mừng vui trào ra trong khoảnh khắc “chiến thắng” của TPP, biết đâu lại là dòng nước mắt tuôn rơi tủi hổ khi một lần nữa để cơ hội vụt bay, còn lại vô vàn thách thức.