Trong thời gian trước khi sáng lập Uber vào năm 2009, Travis Kalanick, khi ấy 32 tuổi, đã mải mê khoe khoang trên Twitter về mối giao du với các doanh nhân và người nổi tiếng của mình.
Trong khi đó, người sẽ đánh bại Uber ở Trung Quốc trong tương lai lại có một cuộc sống thầm lặng hơn. Ngay trước khi sáng lập Didi Chuxing vào năm 2012, Cheng Wei đã đăng một bài viết trên blog về lòng hiếu thảo, hứa sẽ gọi điện cho cha mẹ mỗi tuần và đưa họ đi du lịch. “Đã đến lúc tôi thực sự nên làm điều gì đó cho mẹ của mình” - anh viết trên blog.
Bốn năm sau, Cheng khiêm tốn đã cho Kalanick ngạo nghễ (CEO của Uber) nếm mùi thất bại lớn đầu tiên. Uber đã bó gối quy hàng trước Didi, chấm dứt cuộc chiến trợ giá khốc liệt ở thị trường gọi xe Trung Quốc.
Những người gần gũi với Cheng cho biết tính cách khiêm tốn và thái độ tôn trọng bậc tiền bối đã giúp anh nhận được nhiều sự ủng hộ quý báu trong cuộc chiến chống lại Uber.
Anh giành được sự ủng hộ của các đại gia Internet Alibaba và Tencent, thuyết phục họ tư vấn và cấp vốn cho quá trình mở rộng của Didi ở Trung Quốc. Danh sách các nhà đầu tư của Didi còn có những cái tên sừng sỏ như Apple và gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc Baidu. Sau khi công bố thỏa thuận mua lại Uber Trung Quốc vào đầu tháng này, Didi được định giá ở mức 36 tỉ USD.
“Việc ba ông lớn Internet của Trung Quốc cùng bắt tay để tiếp sức cho một doanh nghiệp trong nước là điều chưa có tiền lệ” - Chris DeAngelis, tống giám đốc công ty tư vấn ADG cho biết. Công ty này chuyên giúp các công ty công nghệ phương Tây mở rộng thị trường ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc được các đại gia hậu thuẫn không chỉ đem đến những thuận lợi. Thách thức chính của Cheng sẽ là kiến tạo một chiến lược tăng trưởng làm hài lòng các mạnh thường quân hùng mạnh, những người có lợi ích kinh doanh xung đột nhau.
Khi Uber tăng cường hoạt động ở Trung Quốc, Cheng đã tìm lời khuyên từ các nhà sáng lập của Tencent, Alibaba và Lenovo. Nhà sáng lập của Lenovo, Liu Chuanzhi, khuyên anh dùng chiến tranh du kích để “ghìm chân và đánh bại Kalanick”.
Cheng cũng tiết lộ rằng nhà sáng lập của Tencent, Pony Ma, lại khuyên anh đối đầu trực diện để “hủy diệt” Kalanick. Jack Ma của Alibaba thì nói với anh rằng “chủ nghĩa đế quốc là con hổ giấy, vì thế hãy cầm chân anh ta trong một vài năm và rồi anh ta sẽ tự gặp rắc rối”.
Cheng sinh ra ở tỉnh Giang Tây vào năm 1983. Sau khi tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh ở đại học công nghệ hóa học Bắc Kinh, anh khởi nghiệp ở Alibaba với tư cách là nhân viên kinh doanh cho mảng thương mại điện tử B2B (business to business)
Trong bài viết trên blog của Cheng, có cả những bức ảnh về anh và ông chủ của mình, Jack Ma. Khi ấy, anh trông giống như một người bình thường được gặp người nổi tiếng. Có một bức ảnh cho thấy chàng thanh niên Cheng mặt non choẹt, đeo kính cận tỏ ra bẽn lẽn trước ông chủ của mình.
Nhưng Cheng nhanh chóng được thừa nhận là một nhà quản lý tài năng bất chấp tuổi tác còn trẻ và thăng tiến thành nhà quản lý vùng trẻ nhất của công ty. “Cậu ấy luôn rất tham vọng và không bao giờ thỏa mãn với bản thân” - Wang Gang, sếp của anh ở Alibaba và là nhà đầu tư thiên thần của Didi nói. Thành công của Didi đã vượt xa kỳ vọng của Wang và cả chính Cheng.
May mắn cũng giúp Cheng phát triển Didi khi Tencent nhảy vào lĩnh vực thanh toán di động để cạnh tranh với Alipay của Alibaba. Tencent trở thành nhà đầu tư sớm của Didi vì dịch vụ gọi xe giúp hãng này thúc đẩy hoạt động thanh toán di động. Liên minh với Tencent khiến Cheng khó xử vì anh là nhân viên cũ của Alibaba. Nhưng nỗi lo này đã tan biến vào năm ngoái khi Didi sáp nhập với đối thủ Kuaidi Dache được Alibaba chống lưng.
Khi Didi phát triển hơn, công ty đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tiếng tăm: SoftBank Group, quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore và hãng bảo hiểm nhân thọ đứng đầu Trung Quốc, China Life Insurance.
Tuy nhiên, Cheng đã phải vất vả vận dụng khả năng ngoại giao để quản lý lợi ích xung đột nhau của các nhà đầu tư. Chẳng hạn, Didi đã phải bỏ kế hoạch mua lại mảng bản đồ của Tencent và rút lại tham vọng bán ô tô vì Alibaba đang hoạt động trong những lĩnh vực này.
Vào năm 2014, Cheng đã chiêu mộ Jean Liu, cựu giám đốc của Goldman Sachs và là con gái của nhà sáng lập Lenovo. Là một người thông thạo tiếng Anh, cô trở thành bộ mặt của Didi ở nước ngoài và góp công đưa Apple đầu tư vào Didi.
“Điều khiến tôi ngạc nhiên là việc Cheng tuyển Jean và trao toàn quyền cho cô. Không dễ gì để các nhà sáng lập bỏ qua cái tôi của mình” - Jixun Foo, giám đốc điều hành của GGV Capital, một nhà đầu tư của Didi nói.
Cheng cũng giành được thiện cảm của chính phủ Trung Quốc, những người nắm quyền sinh sát với sự tồn vong của Didi. Dự thảo luật đầu tiên của Trung Quốc về dịch vụ gọi xe lẽ ra đã làm lụn bại hoạt động kinh doanh của Didi. Nhưng sau vài tháng vận động hành lang kín đáo, Didi đã thuyết phục chính phủ đã sửa luật để không làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Cheng từng xuất hiện bên cạnh các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm chủ tịch nước Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh công nghệ ở Seattle, Mỹ vào tháng 9 năm ngoái.
“Chủ nghĩa dân tộc rõ ràng là một lá bài tốt để chơi khi bạn phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài” - một nhà đầu tư của Didi nói.
Didi đã đến Việt Nam?
Mới đây, một người dùng LinkHay đã đang tải bức ảnh chiếc xe gắn mác Didi Vietnam chạy bon bon tại khu vực gần tháp PVI, Cầu Giấy, Hà Nội. Đây có thể là một trong những bước tiền trạm đầu tiên hãng gọi xe Trung Quốc thực hiện để lấn sân sang thị trường Việt Nam.
Một số ý kiến cho rằng sự gia nhập của Didi sẽ khiến thị trường gọi xe Việt Nam thêm sôi động với 3 tay chơi cạnh tranh nhau khốc liệt. Người hưởng lợi cuối cùng sẽ là khách hàng với mức cước giảm xuống và chất lượng dịch vụ đi lên.
Thế nhưng cũng có những ý kiến tiêu cực hơn về sự xuất hiện này. Cách đây không lâu, Didi đã đầu tư 600 triệu USD vào Grab nên giờ đây không khác gì người nhà của hãng gọi xe Malaysia. Rất có thể Didi sẽ hợp nhất với Grab để tạo thành lực lượng đánh bật Uber khỏi Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác, đặc biệt giữa lúc startup này đang gặp khó do phải đốt quá nhiều tiền vào các thị trường trên khắp thế giới . Với nguồn khách hàng sẵn có của Grab cùng lượng vốn khổng lồ trong tay, việc Didi nuôi tham vọng bành trướng sự độc quyền tương tự ở Trung Quốc với nhiều quốc gia Châu Á khác cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra.
Dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn sẽ phải chờ một thời gian nữa mới chắc chắn được rằng liệu Didi có muốn trực tiếp tiến công Việt Nam, và xa hơn là Đông Nam Á hay chỉ muốn mượn tay Grab "đánh hộ" các thị trường này mà thôi.