"Hầu như hiếm có công ty nào lại để mất một khoản tiền lớn trong khi đang xây dựng thị trường quan trọng và đấu tranh để chiếm lấy thị phần" - Joe Grundfest - chuyên gia kinh tế - luật tại trường ĐH Stanford cho biết. "Điều thú vị ở đây là làm sao Uber có thể chuyển từ lỗ sang lãi, dòng tiền từ âm chuyển thành dương".
Uber (tên đầy đủ là Uber Technologies) không phải là một công ty đại chúng, nhưng mỗi 3 tháng một lần, hàng chục cổ đông Uber lại nhận được lời mời họp đại hội cổ đông về chi tiết tình hình hoạt động mới nhất của công ty từ phía giám đốc tài chính - Gautam Gupta.
Tại cuộc họp cổ đông hôm thứ 6 vừa qua, Gupta cho biết khoản lỗ của Uber trong quý II tăng, ngay cả tại Mỹ - thị trường hiếm hoi đạt lợi nhuận trong quý I. Như vậy, một lần nữa hãng chuyên chở của Mỹ lại "để mất tiền".
Trong quý I đầu năm nay, lỗ trước thuế, lãi vay và khấu hao của Uber rơi vào khoảng 520 triệu USD. Con số này sang đến quý II còn tăng lên 750 triệu USD, trong đó lỗ tại thị trường Mỹ là gần 100 triệu USD. Điều này đồng nghĩa với việc Uber đã lỗ ít nhất 1,27 tỉ USD chỉ trong nửa đầu năm 2016.
Theo nguồn tin thân cận với Uber cho biết, Gupta đã tuyên bố với nhà đầu tư rằng, công ty chủ yếu sẽ cắt giảm nguồn trợ cấp cho nhân viên lái xe của Uber để bù vào khoản lỗ.
"Không có quá nhiều công ty công nghệ trên thế giới lỗ nặng và nhanh như vậy". Aswath Damodaran - chuyên gia kinh tế tại trường ĐH New York - người từ trước đến nay có thái độ ngờ vực với mức giá thị trường khổng lồ của Uber. "Nhưng cũng chưa có một công ty tư nhân nào có khả năng kêu gọi nguồn vốn khổng lồ như Uber".
Mặc dù lỗ tăng, số lượng khách đặt xe trong quý II tăng khủng khiếp so với quý trước. Tổng doanh thu Uber trong quý II đạt trên 5 tỉ USD, tăng 1,2 tỉ USD so với quý I. Trong đó doanh thu ròng (khoản mà Uber được hưởng) tăng 18%, từ khoảng 960 triệu USD lên khoảng 1,1 tỉ USD.
Nói về lý do lỗ tăng cao, Uber cho biết công ty đã cho thay đổi cách tính tỉ lệ doanh thu từ mảng UberPool trong tổng doanh thu quý II. Dịch vụ UberPool cho phép những người đi cùng đường được kết nối với nhau để đi chung xe.
Cùng với nỗ lực mở rộng mạng lưới toàn cầu, Uber đã phải đối mặt với tình cảnh lỗ triền miên từ quý này qua quý khác. Năm 2015, Uber lỗ trước thuế, lãi vay và khấu hao ít nhất 2 tỉ USD. 7 năm qua kể từ khi thành lập đến nay, Uber đã lỗ ít nhất 4 tỉ USD.
Rất khó để tìm thấy một công ty trước đó rơi vào hoàn cảnh lỗ trầm trọng như Uber. Webvan và Kozmo.com - hai bóng ma sau cuộc bùng nổ bong bóng dot.com chỉ lỗ hơn 1 tỉ USD trong suốt khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi của họ. Amazon nổi tiếng "mất tiền" trong khi giá thị trường của công ty tăng trưởng cũng chỉ lỗ cao nhất là 1,4 tỉ USD năm 2000. Năm 2015, Uber đã vượt qua con số này và một lần nữa lại tự mình vượt qua kỷ lục đó trong năm nay.
"Hầu như hiếm có công ty nào lại để mất một khoản tiền lớn trong khi đang xây dựng thị trường quan trọng và đấu tranh để chiếm lấy thị phần". Joe Grundfest - chuyên gia kinh tế - luật tại trường ĐH Stanford cho biết. "Điều thú vị ở đây là làm sao Uber có thể chuyển từ lỗ sang lãi, dòng tiền từ âm chuyển thành dương".
Có thể cho quý II năm 2016 là thời điểm đen tối nhất của Uber. Khoản lỗ của công ty có khả năng sẽ giảm. Nằm trong nỗ lực rút chân khỏi thất bại nặng nề tại Trung Quốc với khoản lỗ ít nhất là 2 tỉ USD sau 2 năm hoạt động, Uber Trung Quốc đã được bán cho đối thủ Didi Chuxing. Ngoài ra, Didi Chuxing còn rót 1 tỉ USD để đầu tư vào Uber. Cũng trong cuộc họp hôm thứ 6 vừa qua, Uber cho biết hãng sẽ không có bất kỳ một khoản lỗ nào khác tại thị trường Trung Quốc.
Uber sở hữu lực lượng "chống lưng" tài chính hùng hậu từ các công ty đầu tư mạo hiểm như Benchmark Capital cho đến ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Nhìn chung, Uber đã kêu gọi vốn được hơn 16 tỉ USD bao gồm tiền mặt và nợ. Theo số liệu mới đây nhất, Uber đang được định giá lên tới 69 tỉ USD.