Là “gà đẻ trứng vàng” của các công ty chế biến thực phẩm tươi sống khi đóng góp tới gần một nửa lợi nhuận, ngành hàng xúc xích đang bước vào một cuộc canh tranh mới với sự xuất hiện nhiều nhân tố có thể làm thay đổi cục diện của ngành hơn 10 năm qua. Khu vực phía Bắc được xem là đấu trường chính trong thời gian tới.
Năm 1998, Công ty Kỹ nghệ Súc Sản (Vissan) là doanh nghiệp đầu tiên đưa xúc xích tiệt trùng ra thị trường. Tuy nhiên, do tính vùng miền nên ở Việt Nam, xúc xích được chia làm 2 khẩu vị rõ rệt. Theo đó, xúc xích tiệt trùng (được bọc bởi màng PVDC đóng kín 2 đầu, tiệt trùng ở nhiệt độ cao nên có thời gian bảo quản dài và chỉ cần giữ ở nhiệt độ thường) được ưa chuộng ở thị trường miền Nam nhiều hơn. Còn khu vực phía Bắc, do thời tiết lạnh, nhiều mưa nên xúc xích tươi (được thanh trùng ở nhiệt độ thấp, thời gian bảo quản ngắn) được tiêu thụ nhiều hơn.
Cuối tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Deasang (Hàn Quốc) đã chi 32 triệu USD để mua lại hơn 98% cổ phần của Công ty Thực phẩm Đức Việt, một đơn vị sản xuất phân phối thịt, xúc xích và các sản phẩm ăn liền có trụ sở ở Hà Nội. Năm ngoái, doanh thu Đức Việt đạt hơn 600 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 40 tỉ đồng. Trước đó, Deasang cũng đã gia nhập thị trường Việt Nam với nhà máy sản xuất bột ngọt Miwon vào năm 1990.
Quyết định của Deasang không mấy khó hiểu khi Đức Việt là công ty đứng thứ 2 về thị phần xúc xích tươi ở khu vực phía Bắc, với sức tiêu thụ khoảng 150 tấn/tháng, đứng trên các cái tên như AnCo, VietFoods, Hạ Long, Vissan, Đông Á... . Dẫn đầu thị trường này là Công ty Cổ phần Chăn nuôi Thái Lan (C.P) với mức tiêu thụ 500 tấn/tháng.
Mặt khác việc đầu tư để nắm thị trường xúc xích tươi cũng là một bước đi chiến lược của Deasang bởi theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, thị trường xúc xích tiệt trùng đang tiệm cận điểm bão hòa. Dù đang dẫn đầu phía Nam trong mảng xúc xích tiệt trùng với 40% thị phần nhưng ông Mười vẫn thừa nhận nhóm xúc xích tươi sẽ sôi động hơn trong thời gian tới. Hiện xúc xích tươi có lượng tiêu thụ khoảng hơn 20.000 tấn/năm.
Thị trường xúc xích tiệt trùng bắt đầu ở Nhật từ năm 1956. Nhận thấy thị trường trong nước sẽ sớm thoái trào nên chỉ 2 năm sau, doanh nghiệp Nhật xuất khẩu xúc xích sang Trung Quốc. Hiện mỗi năm, thị trường Trung Quốc tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn xúc xích.
Tuy nhiên, phép màu tăng trưởng không xảy ra với thị trường xúc xích của Việt Nam. Thời điểm Vissan giới thiệu xúc xích tại Việt Nam, theo ông Mười, là khi đời sống người dân được nâng cao, khách hàng có chọn lọc hơn về khẩu vị và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì thế, xúc xích ở Việt Nam chỉ dành cho trẻ em hoặc vì tính tiện dụng nên không kích thị trường bùng nổ.
Phép mầu tăng trưởng không xảy ra, thị trường xúc xích trong nước còn bị cạnh tranh khá gay gắt với hàng chục doanh nghiệp tham gia thị trường này. Đã vậy, đây là mặt hàng không thể xuất khẩu sang châu Âu vì các tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc thịt và chế biến. Còn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, xúc xích từ Việt Nam sẽ phải đối đầu trực tiếp với các doanh nghiệp bản địa nên cơ hội xuất khẩu cũng không cao. “Thị trường trong nước là lựa chọn duy nhất cho các doanh nghiệp sản xuất xúc xích” - ông Mười nói.
Thương vụ giữa Deasang và Đức Việt là bước đi giúp Deasang tìm kiếm cơ hội tăng trưởng mới. Nếu như bình quân mỗi người Trung Quốc dùng 2,2 kg xúc xích tiệt trùng/năm, Indonesia 1,5 kg/năm, thì mức tiêu dùng của người Việt Nam chỉ khoảng 208 gram/năm. Do đó, Việt Nam vẫn là thị trường nhiều tiềm năng cho mặt hàng xúc xích. Theo Kantar Worldpanel, xúc xích là mặt hàng tăng trưởng khá (13%) nhờ thu hút được nhiều người dân thành thị tiêu dùng.
Deasang được thành lập năm 1956, ban đầu chuyên sản xuất bột ngọt với thương hiệu Miwon. Năm 1969, Miwon lên sàn chứng khoán Hàn Quốc và một năm sau đó tham gia vào lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc với công ty con là Sewon. Miwon tham gia nhiều lĩnh vực như cà phê, sản xuất thực phẩm tiêu dùng. Năm 1997, Miwon và Sewon hợp nhất với cái tên Deasang.
Từ đó đến nay, Daesang luôn mở rộng thị trường, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm tiêu dùng. Như tháng 6.2006, Công ty đã liên doanh với Kirin, đơn vị sản xuất bia có tiếng của Nhật, và đầu tư 80 triệu USD vào nhà máy gia vị ở Indonesia. Cũng trong tháng 10 năm đó, Deasang đã chi 100 triệu USD mua thương hiệu kim chi Chongga và một số thương hiệu khác từ đối thủ trong nước là Doosan...
Cùng với Vissan và C.P, Đức Việt được đánh giá là 1 trong 3 thương hiệu lớn trên thị trường xúc xích Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, C.P vẫn khá kín tiếng với báo chí dù đây là một thương hiệu xúc xích hàng đầu với nhiều dòng sản phẩm như xúc xích vealz C.P, xúc xích tiệt trùng red gold, xúc xích phô-mai, xúc xích vườn bia-Bucher... Được biết, C.P xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm tại Đồng Nai công suất 3.800 tấn xúc xích/năm và một nhà máy hiện đại tại Hà Nội năm 2012 với công suất hơn 3.000 tấn/năm.
Còn theo thông tin từ Vissan, 6 tháng đầu năm Công ty đạt 53% kế hoạch, doanh số khoảng 2.500 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 60% kế hoạch. Ngành hàng xúc xích vẫn đóng góp rất lớn vào lợi nhuận của Công ty. Xúc xích tiếp tục đóng vai trò chủ đạo với Vissan trong thời gian tới, Công ty sẽ tham gia thị trường xúc xích tươi để củng cố thị phần.
Tuy nhiên, ông Mười khẳng định việc tìm kiếm cơ hội dẫn đầu lại được giao cho một dòng sản phẩm xúc xích sử dụng công nghệ mới giúp giữ được ngoài thị trường đến 3 tháng. Đây là dòng sản phẩm sử dụng máy móc, công nghệ của Đức, tổng kinh phí đầu tư cho dự án bao gồm máy móc và tiếp thị là 20 triệu USD. Dự kiến, sản phẩm sẽ ra mắt vào năm 2018. “Chúng tôi muốn đưa xúc xích vào bữa ăn, nơi có nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn chứ không vì tính tiện lợi như hiện nay” - ông Mười nói.