Đậu phộng là một trong số các loại cây có dầu, đứng vị trí thứ 5 về diện tích trồng trên toàn cầu. Trong đó, Việt Nam đang đứng vị trí thứ 5 thế giới về sản lượng. Bên cạnh việc giúp làm tăng thêm hương vị món ăn, đậu phộng còn là một trong những sản phẩm mũi nhọn được các doanh nghiệp Việt khai thác.
Mặc dù không có giá trị kinh tế cao như hạt điều nhưng với sản lượng thu hoạch cao và giá thành không đắt đỏ, đậu phộng bán trên thị trường luôn phong phú đa dạng với nhiều chủng loại.
Vang bóng một thời
Chắc hẳn nhiều người vẫn không quên “Ðậu phộng nước cốt dừa” của Tân Tân, vốn được đóng gói và bán rộng khắp thị trường nhiều năm về trước. Với giá bán chỉ 1.000 đồng/gói, sản phẩm này thực sự là một làn gió mới cho mặt hàng “ăn liền” được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Món này đặc biệt phổ biến thời điểm thị trường vẫn chưa có nhiều sản phẩm bánh, kẹo cho người tiêu dùng lựa chọn.
Hãy nhìn lại chặng đường của Tân Tân. Từ một cơ sở đậu chiên được thành lập từ năm 1984, sau 13 năm, những gói đậu chiên nước cốt dừa của công ty này đã chiếm lĩnh thị trường. Ngoài ra còn có Tài Tài, vốn là một cơ sở sản xuất thủ công có mặt từ trước năm 1975 và trở thành Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Tài Tài từ năm 2001.
“Sân chơi” đậu phộng này cũng thu hút nhiều nhãn hàng ngoại như Poca (PepsiCo) hay Oishi (Liwayway, Philippines). Nếu như PepsiCo tận dụng thương hiệu lớn sẵn có, thì Liwayway cũng tung ra hàng loạt sản phẩm đậu chiên với nhiều hương vị như các dòng snack của mình.
Không thể phủ nhận mẫu mã, thương hiệu và chiến lược của các công ty ngoại luôn có ưu thế hơn Tân Tân và Tài Tài. Ðậu phộng Poca hay Oishi là những sản phẩm có hệ thống phân phối rộng khắp, nhân viên kinh doanh mang đến tận điểm tạp hóa chào mời kèm theo nhiều khuyến mại cho các hộ kinh doanh. Màu sắc bao bì lại đẹp, nhiều hương vị, giá bán lẻ cũng bằng với Tân Tân, Tài Tài (1.000 đồng/gói). Tuy nhiên, Tân Tân và Tài Tài vẫn có thế mạnh riêng bởi đây là 2 doanh nghiệp có nhiều năm kinh doanh đậu phộng.
Thời điểm Poca và Oishi đưa những gói đậu phộng nước cốt dừa, vị tôm, vị cua rang me đến các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, người tiêu dùng cũng đã ấn tượng với Tân Tân và Tài Tài bởi hương vị đậu nước cốt dừa, da cá. Ðặc biệt, Tài Tài đã nghiên cứu và tung ra thị trường hương vị phô mai đầu tiên. Và đến tận bây giờ, hương vị đậu phộng phô mai của Tài Tài vẫn có đặc trưng riêng không tìm thấy được ở Poca hay Oishi.
Bí quyết đậu phộng Việt
Ngay từ khi thành lập, Tân Tân đã mạnh tay đầu tư hẳn nhà máy rộng hơn 45.000 m2 với hơn 800 nhân viên, xây dựng hệ thống 140 nhà phân phối và hơn 40.000 điểm bán lẻ. Tân Tân từng xuất khẩu sản phẩm sang 20 nước, chiếm 80% doanh thu Công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng bắt đầu lấn sân sang bất động sản, khiến hoạt động kinh doanh cốt lõi bị sao nhãng. Kể từ năm 2012, nhãn hàng nổi tiếng một thời đã vắng bóng tại kệ hàng của nhiều siêu thị. Ðến ngày hôm nay, đậu phộng Tân Tân tuy vẫn “sống” nhưng độ “nóng” của thương hiệu đã giảm nhiều.
So với Tân Tân, Tài Tài có quy mô khiêm tốn hơn. Nhưng thực tế thị trường hiện cho thấy tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi, sản phẩm đậu ăn liền mang thương hiệu Tài Tài vẫn đang được bày bán khá nhiều.
Tất nhiên, giá bán cũng không còn rẻ như trước đây nhưng việc đầu tư chất lượng sản phẩm và mẫu mã bao bì cũng nhanh chóng giúp cho doanh nghiệp này dễ dàng được các đối tác lựa chọn. Mới đây, Tài Tài đã ký kết độc quyền với Vietwah, một nhà phân phối tại Mỹ, để đưa chính thức sản phẩm vào thị trường này. Hiện Tài Tài đang xuất khẩu đến 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ là một trong những thị trường đã từng làm khó Tài Tài, bởi yêu cầu khắt khe và Công ty cũng chưa có kênh phân phối sản phẩm tại nước này. Thông qua hợp tác với Vietwah, Tài Tài đã có đơn hàng đầu tiên vào thị trường Mỹ, trị giá gần 3 tỉ đồng. Theo ông Lê Văn Tuyển, Giám đốc Marketing Công ty Tài Tài, Công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Mỹ 1,5 triệu USD giá trị sản phẩm vào đầu năm 2016.
Cũng cần nói thêm về Vietwah. Ðây là một nhà phân phối tại Mỹ, kinh doanh nhiều ngành hàng thực phẩm của các nước và liên kết với các chuỗi cửa hàng, siêu thị. Rõ ràng, việc một doanh nghiệp Việt được một tập đoàn gốc Việt “đỡ đầu” độc quyền để vào thị trường Mỹ cũng là một tín hiệu sáng sủa cho các doanh nghiệp Việt nói chung và Tài Tài nói riêng.
Thừa thắng, Tài Tài tiếp tục lấn sân sang một số sản phẩm mới như bánh flan, sữa chua, rau câu sữa chua, nước giải khát, cũng như tiếp tục đầu tư thêm mùi vị mới cho các loại đậu phộng. Doanh thu và lợi nhuận tuy không được tiết lộ, nhưng theo đại diện Tài Tài, mỗi năm Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 30% và hiện vẫn duy trì được mục tiêu này.
Ðể ổn định nguồn nguyên liệu, Tài Tài đã đầu tư liên kết bao tiêu với nông dân xây dựng vùng trồng đậu phộng, nhưng chỉ mới đáp ứng được 40% nhu cầu, còn phải mua từ các cơ sở và doanh nghiệp liên kết. Hiện Công ty đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhằm đạt mục tiêu tự cung cấp 70-80% nguồn nguyên liệu.