Nhiều ý kiến nhận định như trên tại hội thảo về xúc tiến thương mại giữa các nước châu Phi và các nước Mekong khối Pháp ngữ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Pháp ngữ tổ chức ngày 7-6.
Bà Nguyễn Hà Thành, Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Viettel, nói: “Châu Phi hạ tầng chưa phát triển, mật độ điện thoại thấp nhưng đó là cơ hội để đầu tư. Chẳng hạn tại Tanzania, sau một tháng tập đoàn đầu tư đã có một triệu người dùng điện thoại” - bà Hà Thành nói.
Đại diện Viettel cũng cho hay đã tạo ra 3.000 việc làm trực tiếp và 300.000 việc làm gián tiếp tại châu Phi. “Riêng ở Mozambic, ngày mà một trạm phát sóng được dựng lên thì ngày đó trở thành ngày hội của cả một khu vực” - bà Thành thông tin.
Trong khi đó, ông Hoàng Đức Nhuận, Phó Vụ trưởng Vụ châu Phi, Tây Á-Nam Á thuộc Bộ Công Thương, thông tin kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và tám nước khối Pháp ngữ đã tăng từ 180 triệu USD năm 2007 lên 990,2 triệu USD năm 2015. Các doanh nghiệp (DN) Việt ngày càng quan tâm tới những tiềm năng kinh tế thương mại của các nước thuộc khối này. Chẳng hạn như Công ty Tài Anh đã mở đại lý thương mại tại Gabon để phục vụ việc nhập khẩu và chế biến gỗ.
“Các nước châu Phi cũng đang rất thiếu cơ sở hạ tầng, đường sá và cần đầu tư khoảng 90-100 tỉ USD. Đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư Việt Nam” - ông Nhuận cho biết thêm.
Còn bà Thái Kiều Hương, Phó Chủ tịch Diễn đàn DN Việt Nam-châu Phi-Trung Đông, lưu ý châu Phi có 55 nước với các thể chế và định hướng phát triển khác nhau, có nhiều luật và tiêu chuẩn khác nhau. Vì thế khi DN Việt đầu tư vào khu vực này cần phải xác định chiến lược kinh doanh dài hạn và cần có đối tác địa phương. Bởi sự hiện diện của đối tác địa phương với sự hiểu biết thị trường sẽ hỗ trợ DN tạo được niềm tin, dễ dàng thâm nhập thị trường.
Bà Hương cũng cho rằng Chính phủ cần thuê các chuyên gia châu Phi hỗ trợ DN Việt trong việc xây dựng đội ngũ tư vấn luật thương mại, luật đầu tư của các nước châu Phi; tư vấn thị trường và tìm kiếm đối tác.
“Mặt khác, cần lập hệ thống đại lý ngân hàng trực tiếp giữa ngân hàng Việt Nam và ngân hàng châu Phi; xây dựng mạng lưới ngân hàng Việt Nam-châu Phi để hỗ trợ DN Việt làm ăn tại khu vực này” - bà Hương kiến nghị.
Bà Vũ Thị Lương, đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết ba năm gần đây, điều Việt Nam có mức tăng trưởng ấn tượng, điều nhân xuất khẩu đạt 6 tỉ USD. “Tuy vậy, sản lượng điều ở Việt Nam mỗi năm chỉ đạt khoảng 400.000 tấn. Do đó, để giữ vững vị trí là nước xuất khẩu điều hàng đầu thế giới, Việt Nam phải nhập khẩu hơn 70% điều nguyên liệu từ bên ngoài, trong đó sản lượng điều nhập từ châu Phi chiếm số lượng lớn” - bà Lương cho hay.