Cuộc chiến của King’s Kimchi
Rời bỏ công việc ổn định tại ngân hàng và công ty viễn thông tại TP HCM, Lê Hồng Công nhập một số mặt hàng Thái Lan về phân phối. Lúc đó, Công kể, muốn thử sức với nghề kinh doanh, chuẩn bị cho giấc mơ lớn hơn.
Nhưng, chẳng mấy chốc, Công đổ nợ bởi nguồn hàng không ổn định, tiền không đủ khả năng gánh công nợ. Tuy nhiên, Công không mất hết: “Cái được thứ nhất là tôi phát hiện được mình có thể làm nhiều hơn là việc mua đi, bán lại, đó là tự sản xuất hàng để bán. Cái được thứ hai đó là sẽ làm hàng nông sản của Việt Nam”.
Rút kinh nghiệm sau thất bại, Công chuẩn bị kế hoạch một cách cẩn trọng. Đầu tiên là phải trả lời được ba câu hỏi: Một là sẽ làm cái gì từ rau, củ, quả mà bán được; Hai là, không đầu tư quá nhiều tiền; Ba là, có thị trường và không có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
"Tôi đang kỳ vọng, 60% người Việt Nam sẽ sử dụng sản phẩm rau quả muối bằng các mặt hàng của King’s Kimchi. Tại sao không"
- Lê Hồng Công.
“Kim chi đáp ứng cả ba yêu cầu này khi thấy sự hấp dẫn của sản phẩm này với khách hàng ở TP HCM khi họ tham dự các triển lãm thực phẩm Hàn Quốc.
Xu hướng này chắc cũng phải kéo dài 5-7 năm tới, nguyên liệu thì dồi dào vì gần vựa rau Lâm Đồng. Trước đó, tôi cũng nghiên cứu về cải muối, nhưng biên lợi nhuận không cao, nước mắm không đủ khả năng tham gia vào thị trường”, Công giải thích sự lựa chọn với King’s Kimchi.
Tất nhiên, mọi việc không đơn giản như thế, vì đây là lĩnh vực thực phẩm, đòi hỏi các nguyên tắc về an toàn từ nguyên liệu đến sản xuất, chưa kể, các nguyên liệu không thể thay thế như ớt bột phải nhập từ Hàn Quốc và yếu tố về khẩu vị. Người sáng lập ra King’s Kimchi đã cất công tìm đến Viện Nghiên cứu kim chi quốc tế Hàn Quốc để tìm hiểu.
“Mất khoảng 4 tháng, tôi ra được công thức riêng cho sản phẩm kim chi của King’s Kimchi. Kim chi của người Việt đúng là hơi khác với nguyên gốc, vì ngoài công thức cơ bản, chúng tôi còn cho thêm nước mắm cốt của Phú Quốc, nhằm gia tăng mùi vị cũng như thói quen thích sử dụng nước mắm của người Việt. Nguồn rau củ cũng phải đảm bảo chuẩn EuroGAP và MetroGAP”, Công chia sẻ.
Tới tháng 4-2014, King’s Kimchi chính thức ra mắt thị trường tại Hội chợ Khuyến mãi Đồng Nai. Công vẫn nhớ, Hội chợ có 4 ngày thì 3 ngày mưa tầm tã, nên 300 sản phẩm mang đến, thì mang về 283 sản phẩm. Số này phải đổ bỏ vì là thực phẩm ăn ngay.
Lần thứ hai thất bại, Công nói cũng muốn bỏ cuộc vì thất vọng, vì thương anh em cộng sự. Một cảm giác rất tệ khi bị dội một gàu nước lạnh vào lòng nhiệt huyết muốn chinh phục được khách hàng bằng một sản phẩm của chính mình.
“Tôi đã tự đặt nhiều câu hỏi: Vì sao không bán được hàng? Sản phẩm chưa đủ tốt? Bao bì không đẹp và thiếu tiện dụng? Giá cả chưa hợp lý? Hay là ở cách thức bán hàng? Tôi lao vào trả lời các câu hỏi suốt mấy tháng sau đó”, Lê Hồng Công kể lại giai đoạn khó khăn của King’s Kimchi.
“Câu trả lời” được ra đời vào tháng 7 cùng năm là sản phẩm King’s Kimchi. Lần này, Công chọn cách khác để giới thiệu sản phẩm: Trực tiếp đến Maximark.
“Tôi nhớ, đó là ngày 9-7-2014, đợi gần 2 tiếng đồng hồ để gặp được giám đốc phụ trách nhưng khi gặp, tôi đứng hình không nói ra câu nào, dù đã nhẩm đến thuộc lòng phần trình bày của mình. Kết quả là tôi phải cầm sản phẩm vì không thuyết phục được họ. May mà tôi đủ tỉnh táo để xin thêm 3 ngày để hoàn thiện sản phẩm”, Công kể lại cuộc đấu trí đầu tiên với một thương hiệu lớn.
Ba ngày sau, Công đã làm được điều mình muốn. Ngày 12-7-2014, King’s Kimchi đặt chân được vào hệ thống Maximark.
Kỳ vọng doanh thu 2 triệu USD
Cho đến giờ, 5 loại kim chi của King’s Kimchi đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như VinMart; BigC; Emart; Aeon Mall và nhiều siêu thị khác với hơn 300 điểm bán ở 35 tỉnh thành trên cả nước.
Đây cũng là một trong hai công ty sản xuất kim chi đầu tiên tại Việt Nam có chứng nhận HACCP (doanh nghiệp còn lại là Ông Kim’s được Tập đoàn CJ mua hồi cuối năm 2015).
Thậm chí, King’s Kimchi đang đứng thứ hai thị trường kim chi Việt Nam cả về thương hiệu lẫn sản lượng và doanh thu. Trung bình xưởng của công ty sản xuất khoảng 1,5 tấn/ngày, mùa tết có thể sản xuất 2 tấn/ngày, doanh thu trên 1 tỷ đồng/tháng với 46 nhân sự. Trong số này, có nhiều người đã làm với Công giai đoạn đầu, dù phải ra đi vì công ty hết tiền trả lương, nhưng khi Công cần, họ đã quay về.
Không chỉ bán hàng tận nơi, Công còn khẳng định có lẽ, anh là người tiếp cận, nói chuyện với khách hàng sử dụng Kim chi nhiều nhất Việt Nam, trung bình mỗi tuần khoảng 200 người để tiếp thu ý kiến phản hồi cho sản phẩm. Tuy vậy, đến tháng 7-2015, khi có mặt tại Big C, King’s Kimchi của Lê Hồng Công mới đạt điểm hòa vốn. Từ đây, Lê Hồng Công mới bắt đầu lên các kế hoạch mới.
Trong năm 2017, Công dự kiến sẽ xây dựng thêm nhà xưởng với công suất khoảng 10 tấn/ngày, trong đó 80% cung cấp thị trường nội địa và 20% xuất khẩu sang Hàn Quốc. Song song, thay vì chỉ sản xuất và bán hàng, sắp tới King’s Kim chi sẽ chủ động vùng nguyên liệu khoảng 10 ha, đạt năng suất 4 tấn/ngày, đồng thời, đưa vào mã cho từng sản phẩm để xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng. Nói ngắn gọn theo cách của Công là “Chơi game trọn đời nên phải đầu tư lâu dài bắt đầu từ vùng nguyên liệu”.
Công còn dự tính, cho tới Tết năm 2018, mỗi ngày Công ty sẽ sản xuất được 10-12 tấn kim chi và một số loại rau củ, quả muối và doanh thu sẽ đạt khoảng 2 triệu USD.
“Kim chi là một cái tên Hàn Quốc, nhưng nó mang tinh thần của người Việt Nam. Tôi không chỉ làm Kim chi, mà là rất nhiều loại khác như củ cải muối, nhóm rau củ quả ăn kèm. Tôi đang kỳ vọng, 60% người Việt Nam sẽ sử dụng sản phẩm rau quả muối bằng các mặt hàng của King’s Kimchi. Tại sao không”, Lê Hồng Công chia sẻ.