Còn hơn 1 tháng mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vườn mai ở phường An Phú Đông, Thạnh Lộc (quận 12), Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) khá bi đát. Hơn nửa số gốc mai ở đây đã trổ bông vàng rực do vài cây mua trái vụ vừa qua, khiến các chủ vườn như ngồi trên đống lửa.
Anh Lê Văn Đạt, chủ vườn mai An Phú Đông, buồn rầu: “Tôi chăm sóc hơn 140 gốc mai nhưng có tới 75 gốc ra bông rồi. Cứ đà này, mai Tết năm nay sẽ khan hàng”.
Tương tự, vườn mai 400 gốc của ông Phạm Văn Tâm, phường Hiệp Bình Phước, cũng trong tình trạng lá xum suê với chi chít màu đen của hạt mai. Ông ước tính Tết này chỉ xuất vườn được khoảng 200 chậu. “Gốc nào của khách gửi mà đã ra hoa rồi thì phải lấy mai nhà cho họ mượn chơi Tết, không buôn bán gì được” - ông Tâm chia sẻ.
Mai không bán hoặc cho thuê được có thể để dành sang các năm tiếp nhưng mai nở sớm chủ vườn vẫn bị lỗ tiền công chăm sóc, nhiều nhất là tiền phân bón và nhân công, tăng hơn 20% so với năm ngoái.
Theo các nhà vườn, giá mai mùa Tết năm nay có thể tăng hơn năm ngoái từ 200.000-600.000 đồng/gốc. Ví dụ, mai rừng loại nhỏ có giá 2-3 triệu đồng/gốc, mai tứ quý đạt 600.000-1,8 triệu đồng. Riêng giống cây lớn lên tới 10-35 triệu đồng/gốc.
Tại vườn mai Bình Định, Thừa Thiên Huế, nhiều chủ vườn cũng đang thấp thỏm lo âu khi gần 80% lượng mai Tết đã nở rộ.
Nhiều chủ vườn đang tất bật lo cắt bỏ những bông mai nở sớm
Cùng chung cảnh ngộ, Hội Sinh vật cảnh Cái Mơn (tỉnh Bến Tre) cho biết mọi năm cung ứng gần 4 triệu gốc mai cho thị trường cả nước nhưng, năm nay thời tiết không tốt nên lượng mai giảm tới 45%.
Để đáp ứng nhu cầu mai Tết ở TP HCM, thời điểm này, các thương lái phải đi khắp các tỉnh từ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đến Bến Tre, Tiền Giang… để thu gom mai đẹp.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Phó Hội Nông dân xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên), nói: “Gần 60% mai vùng này đã được thương lái mua và vận chuyển vào Bình Dương, TP HCM để tiêu thụ, số ít được đưa lên các tỉnh ở Tây Nguyên. Năm nay mai không đẹp như các mùa trước, lượng mai giảm 30%”.