Được thành lập vào những năm 1960, trải qua nhiều thăng trầm Công ty cổ phần xuất khẩu Sa Giang (Mã CK: SGC) đã vươn lên thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam - nổi tiếng với sản phẩm bánh phồng tôm.
Đây cũng là lý do khiến Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – đơn vị đang nắm giữ 50% vốn vẫn chậm trễ thoái vốn khỏi doanh nghiệp đầy tiềm năng này dù đã có công văn chỉ đạo của Thủ tướng.
Mỗi năm Sa Giang kiếm hàng trăm tỉ từ bán bánh phồng tôm. Ảnh: MH.
Là đơn vị kinh doanh mặt hàng không phải chủ lực của nhóm hàng tiêu dùng, nhưng Sa Giang lại có những bứt phá khá ấn tượng. Mỗi năm đơn vị cung ứng ra thị trường 6.000 tấn bánh phồng tôm, gần 600 tấn sản phẩm khác chế biến từ gạo.
Vì áp dụng nghiêm ngặt các quy trình quản lý chất lượng, sản phẩm của công ty nhanh chóng vượt qua các rào cản khắt khe của châu Âu và tiến vào thị trường này với đơn hàng xuất khẩu ổn định, số lượng lớn. Tính tới nay bánh phồng tôm Sa Giang đã có mặt ở 40 quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ba Lan, Mỹ, Canada…
Tại thị trường nội địa, công ty đang chiếm tới 80% thị phần với hệ thống phân phối phủ khắp cả nước, từ siêu thị, chợ cho tới các đại lý ủy quyền, chợ đầu mối.
Chính từ việc xây dựng thị trường tốt, sản phẩm chất lượng tạo được niềm tin với người tiêu dùng nên kết quả kinh doanh mang lại cho công ty này khá ấn tượng. Doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đều qua các năm. Chỉ riêng năm 2014 lợi nhuận giảm nhẹ do giá nguyên vật liệu như: tôm, bột, các loại bao bì, chi phí tăng thêm.
Báo cáo tài chính qua các năm gần đây của Sa Giang lần lượt cho thấy, năm 2012 doanh thu công ty đạt 179,5 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 19,6 tỉ, nhưng đến 2015 đã tăng lần lượt lên 235 tỉ và 27 tỉ đồng. Như vậy, năm 2015, bình quân mỗi tháng công ty kiếm được 19,6 tỉ đồng doanh thu và lãi hơn 2 tỉ đồng từ bán bánh phồng tôm cùng sản phẩm làm từ gạo.
Đáng chú ý, tính đến ngày 31-12-2015, nợ phải trả của công ty chỉ ở mức 33 tỉ đồng, trong đó đa phần là nợ vay ngắn hạn nên khả năng thanh toán lãi vay của công ty luôn dễ dàng. Bên cạnh đó, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) ở mức cao và tăng đều qua các năm, năm 2015 đạt ở mức 3.066 đồng.
Công ty cũng sử dụng đồng vốn của cổ đông khá hiệu quả khi tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2015 đạt 20,5%. Trước đó, giai đoạn từ 2011 đến 2014 ROE luôn nằm trong mức 15-45%.
Không chỉ tạo ra một bức tranh kinh doanh hoàn hảo, hằng năm đơn vị này còn đều đặn trả cổ tức cho cổ đông ở mức cao ngay cả khi nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Mức chi trả cổ tức từ năm 2012 đến nay luôn trên 25%. Năm 2015, công ty trả cổ tức 28%, tức 2.800 đồng một cổ phiếu. Với việc nắm giữ 3,65 triệu cổ phần, SCIC thu về hơn 10 tỉ đồng. Đây cũng là lý do mà SCIC còn đắn đo buông "miếng bánh" đầy hấp dẫn này.
Kế hoạch kinh doanh 2016-2020 của Sa Giang vừa được công ty thông qua khá ấn tượng, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của đơn vị kỳ vọng tăng gấp 2 lần vào 2020 so với năm 2015. Cổ tức được chia cho cổ đông cũng sẽ tăng lên 35%, tức 3.500 đồng một cổ phiếu. Trong 5 năm tới, công ty sẽ củng cố lại tổ chức, đầu tư máy móc công nghệ, đặc biệt, dành gần 40 tỉ đồng đầu tư phân xưởng sản xuất các sản phẩm từ gạo với quy mô công suất 6.000 tấn một năm.
Theo Sa Giang, sắp tới, nếu SCIC thoái toàn bộ vốn khỏi công ty thì ban điều hành và người có liên quan sẵn sàng mua lại cổ phần giúp công ty hoạt động ổn định lâu dài. Hiện, cổ phiếu SGC đang ở mức 43.200 đồng. Như vậy, với 3,56 triệu cổ phần, ban lãnh đạo và những người có liên quan của công ty sẽ phải bỏ ra ít nhất 154 tỉ để sở hữu 50% cố phần còn lại từ SCIC.
Đánh giá về tình hình kinh doanh của công ty này, ông Trương Duy Khiêm, Giám đốc chi nhánh Lê Ngô Cát - Công ty chứng khoán ACB, cho rằng Sa Giang biết cách chọn cho mình một thị trường ngách tốt. Tuy nhiên, quy mô của thị trường này nhỏ do vậy tiềm năng để công ty phát triển mạnh hơn sản phẩm bánh phồng tôm trong tương lai là rất thấp.
Việc công ty chọn hướng mở rộng bằng cách đẩy mạnh thêm sản phẩm từ gạo, thịt và nước uống đóng chai dù là hướng đi mới nhưng chi phí đầu tư cho mảng này không hề nhỏ, nên thời gian đầu công ty sẽ rất khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng đề ra mới đây.
“Nếu đầu tư vào công ty này, các nhà đầu tư chỉ nên nắm một tỉ trọng cổ phiếu nhất định để đảm bảo độ an toàn. Dù chia cổ tức ở mức cao, thị giá cổ phiếu hấp dẫn nhưng tính thanh khoản của SGC vẫn còn rất thấp” - ông Khiêm nói.