Nỗi lo càng gia tăng khi một số CTCK đưa ra những thay đổi về chính sách giao dịch ký quỹ (margin). Diễn biến TTCK tuần này được dự báo như thế nào?
Liên quan đến quy định siết giới hạn cấp vốn của ngân hàng cho đầu tư cổ phiếu trong Thông tư 36, CTCK VNDirect và ngân hàng liên kết đang xem xét hai khả năng: một là, không cho vay mới từ ngày 1/2/2015, theo đó các khoản vay đáo hạn sẽ không được trì hoãn hoàn trả từ ngày này trở đi; hai là, không tiếp tục cung cấp các khoản vay chứng khoán mới đối với những mã không thuộc danh sách cổ phiếu ký quỹ hiện tại.
Tương tự, tại CTCK MB (MBS), hạn mức dịch vụ cho vay thanh toán tiền mua chứng khoán đã khớp lệnh (dịch vụ Margin+) kết hợp giữa Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và MBS đã chạm tỷ lệ tối đa theo Thông tư 36. Do đó, MB sẽ tạm dừng giải ngân dịch vụ Margin+ cho các khoản mua mới từ ngày 2/2/2015.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, phiên giao dịch ngay trước thời điểm Thông tư 36/2014/TT-BTC có hiệu lực, cả hai sàn đều chìm trong sắc đỏ, VN-Index và HNX-Index lần lượt giảm 7,21 điểm (-1,24%) và 1,39 điểm (-1,6%), xuống tương ứng 576,07 điểm và 85,56 điểm. TTCK tuần này liệu có diễn biến gây sốc?
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp MBS, cho rằng NĐT không nên quá lo lắng bởi các CTCK trên chỉ tạm dừng sản phẩm margin mà nguồn vốn là từ hợp tác với các tổ chức tín dụng, còn các sản phẩm margin khác sử dụng vốn tự có của CTCK vẫn thực hiện bình thường, đảm bảo nhu cầu sử dụng margin của NĐT.
Thị trường giảm điểm trong phiên cuối tuần qua chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu đã tăng giá mạnh trong tuần, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu đầu cơ. Nhóm cổ phiếu đầu cơ thường được NĐT sử dụng margin với tỷ lệ cao. Tuy nhiên, mức độ giảm giá của các nhóm cổ phiếu trên chỉ ở mức vừa phải, không có hiện tượng bán tháo và thị trường chung về cơ bản vẫn giao dịch giằng co, tâm lý NĐT khá ổn định.
Thực tế, các hoạt động cắt giảm margin của tổ chức tín dụng, CTCK và cả NĐT sử dụng margin cao đều đã diễn ra trong giai đoạn cuối năm 2014. Đây là lý do giải thích cho hiện tượng suy giảm mạnh và liên tiếp của TTCK những phiên cuối tháng 11 và cả tháng 12/2014, nhiều mã cổ phiếu bị bán tháo, mặt bằng giá cổ phiếu suy giảm trên diện rộng ở tất cả các nhóm cổ phiếu từ nhóm vốn hóa lớn đến vốn hóa nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là giai đoạn thị trường chịu tác động nặng nề nhất bởi Thông tư 36.
Bước sang năm 2015, thị trường có thêm 1 tháng giao dịch trước khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực. Đây là khoảng thời gian đủ dài để những tổ chức tín dụng chưa hoàn thành việc thực hiện các quy định mới sẽ tiếp tục cơ cấu thu hồi vốn.
Trong nửa đầu tháng 1/2015, VN-Index liên tiếp tăng điểm từ mức thấp 526 điểm lên 580 điểm, với diễn biến giao dịch sôi động trở lại. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, các CTCK cơ cấu hoạt động nhằm đảm bảo thực hiện các quy định mới của Thông tư 36.
Theo đó, ông Ngọc nhận định, việc các chỉ số chứng khoán giảm điểm khá mạnh trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 1/2015, ngay trước ngày áp dụng Thông tư 36 chủ yếu là do tác động tâm lý. Thị trường suy giảm mang nhiều đặc điểm của hoạt động chốt lời ngắn hạn và động thái bán ra của các NĐT có tâm lý thận trọng. Nhiều khả năng thị trường sẽ sớm lấy lại trạng thái cân bằng và giao dịch tích cực trở lại trong tuần đầu tiên của tháng 2 này.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Phân tích, CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng, bản thân các CTCK đều đã có cách để tìm kiếm nguồn vốn mới, nhiều hoạt động như tăng vốn, phát hành trái phiếu đã và đang được thực hiện nhằm chủ động hơn về tài chính, giảm phụ thuộc vốn vay ngân hàng. Nếu các CTCK cần công bố về việc phải xử lý nguồn thì đều đã công bố vào phiên cuối tuần qua.
Trong tuần này, có thể ngay phiên thứ Hai đầu tuần, nhiều NĐT sẽ chờ đợi xem động thái của toàn thị trường. Chỉ cần NĐT không thấy có hiện tượng bán tháo ở khối CTCK, không xuất hiện thêm thông tin cắt margin của các CTCK thì tâm lý bình ổn sẽ quay trở lại. Khi đó, thị trường sẽ kết thúc điều chỉnh và tăng trở lại.