Cuối tuần qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện vụ chuyên ngành Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty chứng khoán lớn cùng một số chuyên gia tài chính tranh luận sôi nổi xung quanh tác động của Thông tư 36 đến thị trường chứng khoán. Bên cạnh một số tán đồng, còn có những ý kiến... đổ vạ cho văn bản khá ồn ào này.
Theo một ý kiến tại cuộc họp mới đây, tại thời điểm 2006 - 2007, khi dòng tiền từ các ngân hàng ồ ạt tràn sang, khiến cho thị trường chứng khoán phát triển quá nóng và ảo; nhưng khi các ngân hàng cắt giảm tỉ lệ này, thị trường biến động giảm rất mạnh. Vì vậy, thị trường chứng khoán không nên hoan nghênh dòng tiền nóng này, thay vào đó, hãy tự tìm cho mình những kênh vốn bền vững nhất.
Không hoan nghênh dòng tiền “nóng”
Ý kiến này cũng cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp quản lý chặt chẽ về đầu tư chứng khoán, nhất là kiểm soát tỉ lệ ký quỹ (margin).
Nhưng cuối cùng, cũng chỉ quản lý được phần tài khoản công khai theo quy định; trong khi một số dòng tiền chảy vào nghiệp vụ margin được ẩn giấu dưới các hình thức khác lại rất khó quản lý. Và đây là một trong những nguyên nhân gây rủi ro lớn cho thị trường mỗi khi dòng vốn nóng từ ngân hàng rút đi.
Vì vậy, xét về một số mặt, việc ban hành Thông tư 36 rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng theo vị này, Ngân hàng Nhà nước cần xác định chính xác dòng vốn từ ngân hàng chảy sang thị trường chứng khoán.
Khái quát hiện nay, có 3 dòng vốn mà đầu tiên là dòng tiền các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ margin hình thành từ hai nguồn: vay từ ngân hàng và tự huy động (phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu, vay đối tác...).
Hai là, doanh số vốn mà các ngân hàng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và nguồn thứ ba doanh số ngân hàng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa là bao nhiêu cần phải làm rõ hơn.
“Khi thống kê chính xác con số về dòng tiền thì việc ban hành văn bản quy định mới có thể sát với thực tế” - ông này nói.
Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán thì về cơ bản, Thông tư 36 rất tốt trong việc lành mạnh hóa thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy vậy, sau khi ban hành, doanh số giao dịch của dòng vốn nước ngoài giảm sút khi bán ròng liên tiếp thay vì mua ròng như trước.
Ngoài ra, ông Kỳ cũng lo ngại sự tác động của Thông tư 36 đến tốc độ cổ phần hóa và tái cấu trúc ngân hàng cùng các công ty tài chính, nếu cứ quy định chặt chẽ như vậy.
Do đó, đại diện hiệp hội này mong muốn Ngân hàng Nhà nước xem xét lại một số chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến thị trường chứng khoán theo hướng dễ thở hơn như nới tỉ lệ cho vay, kéo dài thời gian thực hiện.
“Có công ty chứng khoán điện cho tôi nói rằng, làm cả năm được đồng nào thì đến khi Thông tư 36 ra đời thì mất hết!” - ông Nguyễn Thanh Kỳ nói.
Không lùi, thị trường có sập?
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, Thông tư 36 là sự đi trước một bước để chuẩn bị cho những quyết sách lớn của Chính phủ trong việc dịch chuyển dòng vốn tín dụng cấp cho các lĩnh vực căn cơ của nền kinh tế như “tam nông”, “công nghiệp phụ trợ”... cũng như kéo dài thời gian xử lý nợ xấu và xử lý căn bệnh nan y sở hữu chéo.
Nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phải lưu ý thị trường chứng khoán là một thực thể lớn và nền tảng của chúng ăn sâu vào các chủ thể kinh tế, không thể nào phá vỡ nổi.
“Trong thời gian tới, Chính phủ còn muốn dùng lực lượng thị trường để xử lý những câu chuyện lớn về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mua bán sáp nhập, phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Vì thế, phải làm sao đó thật khéo léo, để không dẫn đến tình trạng thị phi đổ vạ cho Thông tư 36!” - ông Nghĩa khuyên.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ 5, Cơ quan Thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Room vốn mà các ngân hàng có thể cấp cho thị trường chứng khoán nếu tính đúng, đủ lên tới 21 ngàn tỉ đồng ở bất cứ thời điểm nào, trong khi quy mô giao dịch hàng ngày chỉ trên 3 ngàn - 4 ngàn tỉ đồng. Cho nên, việc kêu ca thị trường chứng khoán gặp khó khi ngân hàng siết kinh doanh cổ phiếu là không phù hợp”.
Cũng theo ông, việc kéo dài thời hạn thực hiện Thông tư 36 cũng rất khó giải thích vì trước khi ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã “treo” dự thảo trên cổng thông tin Ngân hàng Nhà nước hàng tháng và liên tục sửa đổi nhiều lần. Chưa kể, với những hợp đồng đã ký giữa ngân hàng và công ty chứng khoán cũng được thông tư cho phép kéo dài theo nguyên tắc không hồi tố.
Trao đổi riêng, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lập luận: “Thông tư 36 rất hữu ích trong việc minh bạch dòng vốn vào thị trường chứng khoán, giảm tỉ lệ sở hữu chéo và nhất là hạn chế tổ chức tín dụng cấp vốn cho lĩnh vực nhiều rủi ro như kinh doanh cổ phiếu. Ngân hàng không nên cấp tiền cho hoạt động đánh bạc.
Nhưng, vấn đề quan trọng là lựa chọn thời điểm và kéo dài thời hạn thực hiện để tránh cú sốc cho thị trường. Cũng giống như việc tái canh cây cà phê, nếu chặt ngay cây để trồng mới đồng loạt thì sinh kế người dân trong thời gian chuyển đổi không biết dựa vào đâu”.
Giả định, Ngân hàng Nhà nước không lùi thời hạn áp dụng, không nới “room” cho vay thì liệu thị trường chứng khoán có sập hay không? Ông Thành phân tích nguy cơ này không xảy ra vì chỉ một số ít ngân hàng dính vào tình trạng cho vay quá 3% vốn điều lệ.
Vì thế, nên bóc tách theo hướng: với những ngân hàng cho vay vượt quá 3% vốn điều lệ và công ty chứng khoán dính vào đòn bẩy margin quá lớn thì giãn thêm một thời gian cho họ; còn những đối tượng không thuộc diện này thì vẫn thực hiện đúng thời hạn như quy định tại thông tư.