Để giải đáp câu hỏi này, ĐTCK đã trao đổi với Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Nguyễn Thành Long, người trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo NĐ60.
Nhiều ý kiến đang thắc mắc, quy định nới room tham chiếu nhiều quy định của pháp luật liên quan, nhất là quy định về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, trong khi nhiều ngành, lĩnh vực trong danh mục này hiện quy định chưa rõ, nên một phần đáng kể quy định về nới room sẽ bị “treo” khi NĐ60 có hiệu lực từ 1-9-2015. Có đúng như vậy không, thưa ông?
Về nguyên tắc, NĐ60 có hiệu lực từ ngày 1-9-2015. Đây là văn bản nền tảng, không phải là quy định chuyên ngành, được thiết kế theo hướng mở cả về không gian và thời gian, để phù hợp với mọi biến động chính sách trong các lĩnh vực chuyên ngành.
Theo tinh thần của NĐ60, tỉ lệ sở hữu nước ngoài trước hết phải bám theo pháp luật chuyên ngành và cam kết quốc tế. Điều này không mới, vì ngay cả Quyết định 55/2009 của Thủ tướng Chính phủ về tỉ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, đang có hiệu lực, mà sắp tới NĐ60 sẽ thay thế, cũng được thiết kế theo hướng này.
Điểm đột phá của NĐ60 là ở chỗ, đối với những ngành nghề mà Nhà nước không cần nắm giữ chi phối, thì thay vì tỉ lệ sở hữu tối đa là 49%, nay là một tỉ lệ nhất định nào đó do DN quyết định, thậm chí có thể lên tới 100%. Đối với những ngành nghề có hạn chế sở hữu nước ngoài, thì tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa trong từng DN cụ thể, sẽ phụ thuộc vào mức độ mở cửa trong lĩnh vực, ngành nghề mà DN đó hoạt động.
Ông Nguyễn Thành Long
Tình huống Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, trong đó có quy định chi tiết về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, chưa kịp ban hành và có hiệu lực cùng thời điểm với NĐ60, thì với những ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chưa có quy định về tỉ lệ sở hữu nước ngoài, tạm thời vẫn áp dụng mức tối đa như hiện tại là 49%.
Một khi danh mục ngành nghề này được công bố chính thức, trong đó có những ngành, lĩnh vực mà NĐT nước ngoài được phép sở hữu trên 49%, thì quyết định nới room lên trên mức này sẽ tự động có hiệu lực, mà không phải chờ thêm văn bản hướng dẫn. Điều này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho DN trong thực hiện quy định về nới room.
Tuy Luật Đầu tư đã quy định danh mục 267 ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện nhưng kết quả rà soát sơ bộ cho thấy còn tới 128 ngành nghề chưa quy định điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài; 21 ngành nghề chưa có quy định cả về điều kiện kinh doanh chung và điều kiện đầu tư với NĐT nước ngoài. Có phải vì vậy mà khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, phải làm một việc rất tốn kém và mất thời gian là xác định tỉ lệ sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài, trên cơ sở đó quy định nới room mới được áp dụng, thưa ông?
Thực ra danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đang tồn tại rải rác ở nhiều văn bản quy pháp pháp luật thuộc rất nhiều lĩnh vực khác nhau.
Điều này có nghĩa là tỉ lệ sở hữu tối đa với NĐT nước ngoài ở các lĩnh vực, ngành nghề đã được quy định và tồn tại trên thực tế. Bởi vậy, khi xây dựng Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, thực chất không phải là cơ quan quản lý phải làm một việc khá phức tạp là xác định mới toàn bộ các điều kiện kinh doanh, đầu tư, trong đó có tỉ lệ sở hữu nước ngoài, mà nhiệm vụ của các bộ, ngành là rà soát, thống nhất danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Từ đó, loại bỏ bớt hoặc bổ sung các điều kiện kinh doanh, đầu tư vào các ngành nghề có quá nhiều, chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ, làm cơ sở thống nhất cho triển khai trong thực tế.
UBCK có thống kê tỉ lệ room còn lại cho NĐT nước ngoài bình quân trên thị trường ở thời điểm hiện tại?
Thống kê cho thấy, bình quân tỉ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các DN niêm yết trên hai sở GDCK hiện đạt khoảng 20-25%. Như vậy, chưa nói gì đến nới room, nếu căn cứ vào quy định hiện hành thì room còn lại của khối ngoại là rất lớn. Điều này có nghĩa là còn có thể thu hút được một lượng vốn tương đương của NĐT nước ngoài đang có trên TTCK. Hiện chỉ có khoảng trên 30 DN đã cạn room đối với NĐT nước ngoài.
Nói như vậy thì hiệu ứng của quy định nới room là không lớn, thưa ông?
Chính sách mới trước mắt có tác động tích cực tới tâm lý NĐT, từng bước cải thiện tính thanh khoản cho TTCK. Tuy nhiên, hiệu ứng của quyết định nới room cần được nhìn nhận tích cực, ở nhiều chiều trong một bức tranh tổng thể của cả nền kinh tế.
Thứ nhất, dưới góc độ vĩ mô, đây là chính sách tốt, có tính đột phá, đã được thị trường và cộng đồng DN và truyền thông quốc tế đánh giá rất tích cực. Chính sách này kỳ vọng cải thiện sức cầu cho TTCK, hỗ trợ cho hoạt động huy động vốn và công tác cổ phần hoá DNNN. Ngoài ra, chính sách này còn thể hiện môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam đang ngày một cải thiện thông thoáng hơn.
Nền kinh tế Việt Nam đã và đang trở thành nền kinh tế mở, hội nhập ngày càng sâu rộng với kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu. Cùng với các hiệp định thương mại, đầu tư song phương và đa phương, các chính sách này thể hiện sự kiện định trong nỗ lực cải cách thể chế, thu hút vốn đầu tư để tái cấu trúc, hiện đại hóa nền kinh tế.
Thứ hai, chính sách này về dài hạn sẽ tạo cú huých thay đổi một cách căn bản diện mạo TTCK của Việt Nam.
Cùng với những giải pháp kỹ thuật giúp TTCK thân thiện hơn với NĐT trong và ngoài nước mà Bộ Tài chính, UBCK đang nghiên cứu triển khai như: hệ thống đăng ký mã số giao dịch trực tuyến theo thông lệ quốc tế, dự kiến sẽ triển khai trong thời gian tới; hoặc xem xét cho phép NĐT giao dịch trong ngày; hay việc rút ngắn chu kỳ thanh toán T+3 về T+2 nhằm loại bỏ tình trạng chứng khoán và tiền không chuyển giao cùng thời điểm (nguyên tắc DVP) và theo kịp với thông lệ quốc tế tốt nhất; hay việc khuyến khích, yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin cả bằng tiếng Anh…, sẽ là những nhân tố quan trọng giúp TTCK sớm được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi.
Việc đưa TTCK Việt Nam trở thành thị trường mới nổi sẽ không chỉ thu hút thêm các dòng vốn bền vững từ các tổ chức đầu tư lớn, có uy tín, chấp nhận mức độ rủi ro vừa phải, mà còn tăng tỷ trọng đầu tư từ cả các tổ chức đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa để thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào TTCK nói riêng, vào nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Thứ ba, với chính sách thông thoáng, vốn đầu tư nước ngoài vào thông thường sẽ đi kèm với đó là kinh nghiệm quản trị, điều hành DN, quản trị rủi ro từ các NĐT nước ngoài. Thông qua hoạt động của họ, các DN sẽ tiếp cận với các chuẩn mực mới về quản trị công ty, đặc biệt là trách nhiệm giải trình và tính minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của các DN Việt Nam, cũng như của cả nền kinh tế.
Thứ tư, chính sách này không chỉ hỗ trợ cho hoạt động huy động vốn của TTCK, mà còn góp phần giúp TTCK thực hiện chức năng phân bổ vốn tốt hơn, hiệu quả hơn. Cùng với sự gia tăng dòng vốn nước ngoài là sức ép đòi hỏi chất lượng dịch vụ và từ đó thúc đẩy các định chế trung gian phát triển, đồng thời tạo một văn hóa đầu tư mới cho các NĐT trong nước còn thiếu kinh nghiệm.
Các thể chế tài chính trung gian, cũng như các dịch vụ tư vấn, bổ trợ tư pháp và hỗ trợ kinh doanh, xác định hệ số tín nhiệm, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán và thông tin thị trường phải nỗ lực vận động, phát triển trên cơ sở chuẩn mực quốc tế để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.
Với những DN được phép nới room lên trên mức 49%, họ cần phải thực hiện những quy trình, thủ tục gì để hiện thực hóa quyết định nới room?
Một điểm quan trọng trong NĐ60 là bản thân DN, tổ chức phát hành có quyền tự quyết nới room hay không cho NĐT nước ngoài. Theo đó, ngay cả những ngành nghề được phép mở room cho NĐT nước ngoài đến 100%, nhưng nếu DN không mở, thì dù rất muốn đầu tư vào DN, NĐT nước ngoài cũng không thể được đáp ứng.
Nghĩa là sau bước mở về chính sách, hiệu ứng của quyết định nới room có chuyển biến trên thực tế hay không tùy thuộc vào quyết định của DN. Đây là câu chuyện mang tính thị trường, chứ không còn là câu chuyện chính sách nữa.
Với những ngành nghề đã quy định rõ về tỷ lệ sở hữu tối đa với NĐT nước ngoài, khi DN muốn nới room lên trên mức 49%, DN cần phối hợp với cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh để xác nhận ngành nghề kinh doanh, làm cơ sở cho chốt tỷ lệ sở hữu tối đa đối với NĐT nước ngoài là bao nhiêu. Sau bước này sẽ phát sinh 3 tình huống:
Thứ nhất với những trường hợp DN được phép nới room, đồng thời DN có nhu cầu nới room và được ĐHCĐ thông qua, thì DN sẽ gửi (thông báo) biên bản, nghị quyết ĐHCĐ và Điều lệ sửa đổi, trong đó có quy định về tỷ lệ room đối với NĐT nước ngoài đến UBCK, Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) để công bố thông tin trên website của các đơn vị này (đương nhiên cả trên website của DN), đồng thời đây là cơ sở để sở GDCK, VSD thiết lập giải pháp kỹ thuật giám sát trần sở hữu mới đối với NĐT nước ngoài.
Thứ hai, DN cũng thuộc trường hợp được phép nới room, nhưng bản thân họ không muốn nới room, thì họ không phải tiến hành bất kỳ thủ tục nào, mà vẫn tuân thủ các quy định về trần sở hữu nước ngoài như quy định hiện hành.
Thứ ba, trường hợp DN hoạt động trong lĩnh vực ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với NĐT nước ngoài, mà đã có quy định về tỷ lệ sở hữu thì thực hiện theo quy định hiện hành. Ví dụ điển hình trong trường hợp này là hạn chế tỷ lệ sở hữu 30% đối với NĐT nước ngoài trong các ngân hàng thương mại.
Thưa ông, việc DN phải công bố thông tin về tỉ lệ sở hữu nước ngoài được thực hiện theo quy định nào?
Nội dung này được quy định chi tiết tại dự thảo sửa đổi Thông tư 213/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn hoạt động của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Dự thảo này đang trong giai đoạn hoàn tất những khâu cuối cùng, để sớm ban hành.