Ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia chứng khoán cho rằng, sức hút của nhóm đầu cơ có lẽ đến từ yếu tố thanh khoản và có sóng. Nhưng đi kèm với cơ hội thu lời lớn luôn là rủi ro, nhất là khi nhà đầu tư không tự định hình được mình đang là nhà đầu tư hay nhà đầu cơ.
Quan sát thị trường trong thời gian gần đây, dòng tiền đã tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn và có xu hướng dần luân chuyển qua nhóm cổ phiếu đầu cơ. Nhiều người lo ngại khi thị trường tập trung nhiều vào cổ phiếu đầu cơ thì khó bền vững. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Từ đầu năm đến nay, có thể nói nhóm cổ phiếu ngân hàng là có nhiều con sóng nhất và về tổng thể, cũng tăng giá mạnh nhất so với các nhóm ngành khác.
Sở dĩ nhóm này tăng giá mạnh, theo tôi là do 2 yếu tố: thứ nhất xuất phát ở mặt bằng định giá thấp, tính theo P/E (cho dù các CTCK bây giờ họ hay dựa vào P/B), chẳng hạn như BID, CTG, MBB; thứ hai là những quy định mang tính hỗ trợ từ NHNN, chẳng hạn như tùy từng trường hợp mà cho phép giữ nguyên nhóm nợ, hay giãn thời gian trích lập dự phòng cho các khoản đã bán qua VAMC.
Thậm chí, kết quả kinh doanh quý I/2015 vừa qua của nhóm ngân hàng niêm yết là rất tích cực, nhưng theo tôi được biết một phần là nhờ nhiều ngân hàng lớn đã không bán nợ xấu hoặc bán rất ít qua VAMC trong kỳ này.
Hiện nay, nếu dựa theo P/E, thậm chí cả P/B, tôi cho rằng, nhiều mã ngân hàng đã rơi vào trạng thái định giá cao, tức là chuyển sang dạng đầu cơ. Đối với dân đầu cơ, "có sóng" là yếu tố quan trọng nhất, những yếu tố cơ bản có thể bỏ qua, tuy nhiên làm gì có con sóng nào bền vững khi cổ phiếu đã bị định giá cao? Kinh nghiệm của tôi là khi giá cổ phiếu đảo chiều thì các nhà đầu tư mới ngỡ ra rằng mình cổ phiếu mình mua đã bị định giá quá cao, còn mình thì không chịu cắt lỗ.
Các cổ phiếu đầu cơ, hay còn gọi cổ phiếu thị trường dẫn dắt thanh khoản vẫn đang luân chuyển đều đặn trên thị trường. Vậy đâu là sức hút của nhóm cổ phiếu này, theo ông?
Sức hút của nhóm đầu cơ có lẽ là 2 yếu tố: thanh khoản và có sóng. Thanh khoản là nền tảng cơ bản, nó cho phép nhà đầu tư có thể rút ra bất cứ lúc nào (chốt lời hay cắt lỗ). Có sóng, đó là điều mà dân đầu cơ nào cũng muốn tìm ra nhanh hơn kẻ khác, dựa vào phân tích kỹ thuật hoặc dựa vào tin đồn.
Gần đây, tôi nghe nói nhiều người đầu cơ mã này mã kia còn vì tin vào chuyện là mã đó “có game”, tức có cả tin đồn lẫn đội lái. Hai yếu tố này tất nhiên là phi pháp, rủi ro cho những ai đua theo, nhưng xử lý không quyết liệt, chế tài không thật nặng nên riết rồi dân đầu cơ thà tin còn hơn không.
Trên thực tế, “cuộc chơi” về các mã đầu cơ giúp thị trường trở nên sôi động và cơ hội thu lời cũng lớn hơn. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị lại cân nhắc nhiều hơn ở khía cạnh giá trị nội tại của DN, triển vọng của DN để ra các quyết định mua, bán. Như vậy, nếu là nhà đầu tư, ông quan niệm như thế nào về hai loại cổ phiếu này?
Quan điểm của tôi là: đầu cơ thì đánh nhanh rút gọn, bảo toàn vốn, còn đầu tư thì phải kiên nhẫn lâu dài. Mã đầu cơ nói vui là ván lướt sóng, có lên có xuống, còn mã đầu tư là loại hàng "âm thầm lầm lũi đi lên".
Trên thị trường, có thể coi FLC là mã đầu cơ điển hình, còn VNM là đầu tư điển hình. FLC thì thường xuyên có sóng, dễ dao động theo bất kỳ yếu tố nào, còn VNM thì ít biến động hơn, chỉ dao động theo những yếu tố vĩ mô, nhưng về cơ bản thì giá luôn tăng và luôn mang lại lợi nhuận cho người cầm cổ phiếu.
Tìm ra những mã như vậy thực không có gì khó, với dân môi giới như chúng tôi, có thể nói ngày nào cũng tư vấn được vài mã. Tuy nhiên, đầu tư vào loại nào thì còn tùy thuộc vào "bản chất" của từng nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thích đánh bạc, thích “ăn dày” trong thời gian ngắn thì đừng nhìn vào VNM.
Còn nếu mỏi mệt với việc nhìn bảng giá mỗi ngày, không thích đua theo game, theo lái, mà thích an toàn thì nhà đầu tư nên chọn VNM. Không có mã nào vừa ăn dày, ăn nhanh vừa an toàn tiết kiệm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa biết chính mình thuộc dạng nào, thậm chí có người còn ngộ nhận, đó chính là điều dễ dẫn họ đến thua lỗ khi tham gia TTCK.