Trong bối cảnh thị trường vàng trong nước không còn nhiều cơ hội kiếm lời và tiềm năng tăng giá thấp, ngoại hối được kiểm soát ổn định, bất động sản dù đang ấm trở lại nhưng chủ yếu là dành cho đầu tư dài hạn và phù hợp với những người có nhu cầu thật sự, thì với việc lãi suất giảm vừa qua, dòng tiền được kỳ vọng sẽ chủ yếu chảy vào chứng khoán.
Ảnh minh họa
Tiền về chỗ trũng
Về cơ bản, thị trường chứng khoán luôn là kênh đầu tư được lợi khi lãi suất thị trường giảm xuống, do có thể thu hút được dòng tiền nhàn rỗi đang nằm ở kênh tiền gửi ngân hàng chảy sang.
Với mức điều chỉnh lãi suất huy động khá lớn vừa qua của các ngân hàng, với mức giảm từ 0,3 - 0,7% tùy theo kỳ hạn, rõ ràng suất sinh lời khi gửi tiền vào ngân hàng đã giảm khá mạnh nếu gửi ở kỳ hạn ngắn. Trong khi đó, thị trường chứng khoán được đánh giá đang ở thời kỳ đầu của một chu kỳ tăng giá.
Hiện tại, lãi suất huy động ở kỳ hạn dưới 12 tháng phổ biến ở mức từ 4,5 - 6%/ năm, trong khi kỳ hạn dài hơn từ 6 - 7,2%/năm. Một số ngân hàng tuy áp dụng mức lãi suất cao, trên 7,5% ở kỳ hạn 12 - 13 tháng nhưng chủ yếu dành cho các khoản tiền gửi có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên. Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán không hiếm những cổ phiếu đang ở mặt giá thấp nhưng vẫn có mức chi trả cổ tức 5 - 10% trở lên và còn nhiều tiềm năng tăng giá.
Đợt giảm lãi suất cho vay mới đây của các ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí tài chính trong thời gian tới, từ đó có cơ hội cải thiện lợi nhuận và hệ số sinh lời.
Với mặt bằng lãi suất được điều chỉnh về mức phù hợp hơn trong những năm qua thì thực tế cho thấy hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện, nhiều doanh nghiệp đạt được kết quả tái cấu trúc hoạt động khả quan. Lãi suất giảm cũng giúp các nhà đầu tư được dùng margin rẻ hơn.
Thực tế cho thấy tăng trưởng huy động vốn ngoại tệ tại các ngân hàng đã sụt giảm liên tục kể từ cuối năm ngoái đến nay, cho thấy nhu cầu nắm giữ USD ngày càng giảm dần. Thị trường vàng thì do không liên thông với giá vàng thế giới nên vẫn rủi ro cao, trong khi tiềm năng tăng giá của kim loại quý này hiện thời là rất thấp trước lộ trình tăng lãi suất của Mỹ.
Bên cạnh đó, lộ trình thoái vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới cũng sẽ giúp thị trường chứng khoán trở nên thu hút hơn. Trong danh sách thoái vốn của SCIC thời gian tới có khá nhiều cổ phiếu hấp dẫn như VNM, FPT, NTP, BMI, SGC, BMP, VNR, VCG. Việc 2 doanh nghiệp lớn là Sabeco và Habeco phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016 cũng sẽ là sự kiện thu hút các nhà đầu tư.
Việc Thông tư 115/2016/TT-BTC có hiệu lực từ 1-11-2016 theo đó quy định trong vòng tối đa 20 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần đấu giá, cổ phiếu của doanh nghiệp sẽ bị bắt buộc và tự động giao dịch trên sàn UPCoM. Điều này sẽ giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhanh hơn cũng như tăng tính sôi động và hấp dẫn của sàn UPCoM.
Những yếu tố trở ngại
Khá nhiều dự báo cho rằng thị trường chứng khoán sẽ có một đợt tăng giá trong thời gian tới, tuy nhiên, hiện tại vẫn còn một số yếu tố có thể làm e ngại nhà đầu tư và níu chân thị trường.
Thứ nhất là khả năng tỉ giá có thể điều chỉnh trong thời điểm cuối năm khi FED dự báo sẽ tăng lãi suất cơ bản vào tháng 12 tới. Động thái bán ròng liên tiếp của khối ngoại trên thị trường cổ phiếu từ đầu năm tới nay đã phản ánh nỗi lo ngại này, trong khi trên thị trường trái phiếu nhóm này cũng đã quay đầu bán ròng sau khi gần như chỉ mua ròng kể từ đầu năm.
Thứ hai là triển vọng của TPP gần như ngày càng mờ mịt. Trong lần tranh luận thứ 3 gần đây giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vào hôm 20-10, bà Clinton đã cho biết "Khi tôi thấy bản thỏa thuận TPP cuối cùng, tôi phản đối nó” và bà cũng cho rằng TPP "không đáp ứng được các tiêu chuẩn của bà”. Như vậy, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ hiện tại đều không ủng hộ TPP, do đó hiệp định này ngày càng trở nên xa vời.
Thứ ba là tăng trưởng kinh tế trong nước khó đạt kế hoạch đề ra trong năm nay, cụ thể GDP 9 tháng năm 2016 chỉ đạt 5,93%, thấp hơn so với mức tăng 6,53% cùng kỳ năm 2015.
Và khả năng tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do dòng vốn đầu tư từ ngân sách bị hạn chế, cầu tiêu dùng vẫn ở mức yếu và những thiên tai, thảm họa môi trường thời gian qua sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế, nhất là xuất khẩu.