Với những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2014, “hàn thử biểu” thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ có sự đột phá so với các năm trước. Dự đoán này càng có cơ sở khi đến tháng 9, chỉ số VN-Index đã vượt mốc 640 điểm, tăng trên 21% so với đầu năm và là mức cao nhất trong 6 năm gần đây.
Biến cố lớn
Tuy nhiên, sự kỳ vọng này đã không trở thành hiện thực khi kết thúc năm, VN-Index chỉ tăng 7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 23% trong năm 2013. Đà giảm mạnh và liên tiếp của thị trường trong những tháng cuối năm khiến cho nhiều nhà đầu tư, ngay cả những người lão luyện nhất, cũng không ngờ đến. Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hàng loạt nguyên nhân đan xen, nối tiếp nhau.
Đầu tiên là sự điều chỉnh giảm giá sau một chu kỳ tăng trưởng nóng. Khi chỉ số VN-Index vượt các mốc kháng cự mạnh 600 điểm, rồi 630 điểm cũng chính là lúc các nhà đầu tư đạt được mức giá kỳ vọng nên đã bán ra chốt lời. Đây là điều thường thấy trong kinh doanh và việc điều chỉnh có thể sẽ dừng lại nếu thị trường không bị thêm cú sốc giá dầu giảm mạnh trong thời gian này.
Theo đó, từ ngày 20-6 đến nay, giá dầu giảm hơn 50% đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của các công ty dầu khí. Việc giá dầu liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ và còn được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp trong thời gian tới đã khiến cho nhiều nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu nhóm ngành này.
Đáng chú ý nhất là cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam. Đây là cổ phiếu có mức vốn hóa chiếm đến 20% giá trị toàn thị trường cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vào thời điểm cuối tháng 8.2014. Do vậy, việc cổ phiếu này giảm hơn 40% giá trị trong 4 tháng cuối năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến toàn thị trường. Nhóm cổ phiếu dầu khí bị bán mạnh cũng góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa khiến các nhóm cổ phiếu khác bị bán theo.
Bên cạnh đó, việc khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh lên đến gần 3.000 tỉ đồng trong giai đoạn từ tháng 9-11.2014 cũng tác động tiêu cực lên tâm lý nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, nên các quỹ ETF nước ngoài phải bán ra để bảo đảm việc cân đối giữa thị giá của chứng chỉ quỹ và giá trị tài sản ròng (NAV). Việc này đã tác động ngược trở lại thị trường chung, càng làm VN-Index mất điểm.
Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2014
Sự ra đời của Thông tư 36/2014/TT-NHNN trong tháng 11 cũng là một nhân tố kéo VN-Index xuống dốc trong thời gian còn lại của năm. Dù rằng thông tư này được đánh giá sẽ có tác động tích cực cho sự phát triển bền vững của ngành ngân hàng và chứng khoán trong trung và dài hạn, nhưng lại có tác động khá tiêu cực trong ngắn hạn.
Thông tư 36 có 3 điểm mấu chốt tạo áp lực lên thị trường chứng khoán trong ngắn hạn: tỉ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu tối đa bằng 5% vốn điều lệ (thay vì 20% đối với chứng khoán như trước đây); những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay chứng khoán; và ngân hàng không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sử dụng tài sản đảm bảo bằng chính cổ phiếu đó.
Những quy định này ngay lập tức tác động mạnh đến cổ phiếu trên thị trường niêm yết dù Thông tư chưa có hiệu lực. Nhiều ngân hàng (nhất là các ngân hàng nhỏ, có tỉ lệ nợ xấu cao) đang cho vay mua cổ phiếu khá mạnh, giờ phải điều chỉnh lại trong thời gian khá ngắn. Do đó, sẽ không tránh khỏi việc tác động về mặt tâm lý đối với nhà đầu tư và ở một mức độ nào đó, làm giảm lượng tiền đổ vào cổ phiếu.
Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước cho rằng cơ quan này không thắt chặt giới hạn khi tỉ lệ cho vay hiện nay mới chỉ hơn 4%, còn thấp hơn mức 5% tổng vốn điều lệ của ngân hàng theo quy định mới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh, chuyên viên phân tích cao cấp của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, con số hơn 4% mà Ngân hàng Nhà nước nhắc đến mới chỉ tính đến thị trường cổ phiếu niêm yết.
Trong khi đó, các công ty chứng khoán và nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu OTC từ năm 2007 đến nay, nghĩa là “tỉ lệ cho vay đối với cổ phiếu (niêm yết, OTC, UPCoM) trên tổng vốn điều lệ của ngân hàng thực ra đang lớn hơn 5% nhiều”, ông Minh nói. Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36, các ngân hàng sẽ ép công ty chứng khoán và nhà đầu tư bán cổ phiếu để trả nợ. Tuy nhiên, “cổ phiếu OTC không phải muốn là bán được ngay, nên nhiều công ty chứng khoán sẽ chọn cách bán cổ phiếu trên sàn niêm yết”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng đã thu hẹp nguồn tiền cho hoạt động cầm cố chứng khoán khi nhà đầu tư không thể sử dụng cổ phiếu cầm cố để vay thêm mua chính cổ phiếu đó. Đó là lý do khiến thanh khoản của một số mã từng có khối lượng giao dịch đột biến bị giảm sút mạnh trong một tháng gần đây.
Kẻ khóc, người cười
Dòng tiền ngắn hạn rút ra khỏi những mã “hàn thử biểu” của thị trường chứng khoán cũng khiến cho giao dịch trở nên trầm lắng hơn. Trong khi đó, từ tháng 9 trở về trước, thị trường diễn ra rất sôi động với giá trị giao dịch bình quân luôn đạt trên 2.000 tỉ đồng/phiên.
Dẫu vậy, nhìn chung 2014 vẫn được xem là một năm thành công, nhất là đối với hầu hết cổ phiếu mới niêm yết. Chẳng hạn, cổ phiếu MWG của Công ty Cổ phần Thế giới Di động tăng gần 3 lần sau hơn 2 tháng niêm yết; cổ phiếu SHP của Công ty Cổ phần Thủy điện Miền Nam tăng gần 2 lần sau 3 tháng niêm yết.
Trong năm qua, thị trường có khoảng 22 cổ phiếu niêm yết mới, trong đó Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM có 9 cổ phiếu. Theo ông Minh, Công ty Chứng khoán Bản Việt, năm 2015 tình hình niêm yết mới và phát hành thêm sẽ khó thuận lợi như năm 2014 do trong năm mới, lượng tiền sẽ phải chia ra cho thị trường bất động sản thay vì tập trung chủ yếu cho chứng khoán như trong năm 2014.
Có 22 cổ phiếu niêm yết mới, nhưng số lượng cổ phiếu hủy niêm yết còn cao hơn, lên đến 32. Trong đó, có 3 cổ phiếu hủy niêm yết tự nguyện là PHS của Công ty Cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, NIS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hạ tầng mạng và ALP của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam.
Đáng chú ý, Alphanam đưa ra lý do hủy niêm yết vì muốn trở thành công ty gia đình và không phải công bố các bí mật kinh doanh như khi niêm yết. Trong năm này, Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cũng ráo riết hủy niêm yết tự nguyện nhưng vẫn chưa hoàn thành vì muốn mua thêm cổ phiếu của các cổ đông nhỏ lẻ.
Ngoài những trường hợp hủy niêm yết tự nguyện nêu trên, năm 2014 cũng chứng kiến nhiều trường hợp hủy niêm yết bắt buộc chủ yếu do lỗ 3 năm liên tiếp hoặc/và lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ như cổ phiếu SJM, SDB của các công ty thuộc họ Sông Đà, PXM, PSG và PVA thuộc họ dầu khí.
Trong năm 2015, số cổ phiếu hủy niêm yết bắt buộc dự kiến có thể sẽ còn tăng lên, vì tính đến tháng 6.2014 có tới 28 công ty thua lỗ trong 2 năm liên tiếp và 6 tháng đầu năm 2014. Nếu các công ty này tiếp tục lỗ trong 6 tháng cuối năm thì sẽ bị hủy niêm yết trong năm 2015. Các chuyên gia khuyến cáo nhà đầu tư nên cẩn trọng với những cổ phiếu dạng này để tránh rơi vào cảnh cổ phiếu “nằm sàn” liên tục khi bị hủy niêm yết.
2015: Thế cờ thay đổi
Nếu như trong năm 2014, nhóm cổ phiếu dầu khí và cổ phiếu có thanh khoản cao đột biến là tâm điểm của thị trường thì sang năm 2015, thế cờ có vẻ đã thay đổi. Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI về mối quan hệ giữa chỉ số hàng hóa nguyên liệu của Bloomberg và tỉ suất lợi nhuận bình quân của các công ty trong ngành công nghiệp cho thấy, những ngành được hưởng lợi trong năm 2015 sẽ là hàng tiêu dùng, dược phẩm, giao thông vận tải, vật liệu cơ bản, cáp điện và phân bón.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh Long, Tư vấn trưởng Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Liên Hương, thì cho rằng cổ phiếu ngành bất động sản và ngân hàng sẽ là “ngôi sao sáng” trong năm mới. Ông Long đánh giá thị trường bất động sản năm 2015 sẽ sôi nổi hơn nhiều so với năm 2014 khi có thêm không ít yếu tố hỗ trợ mới bên cạnh những khởi sắc trong năm cũ.
Chẳng hạn, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2015 dự kiến là 13-15% nên nguồn tiền sẽ dồi dào hơn. Chính sách cho phép người nước ngoài mua nhà lâu dài cũng là một tín hiệu tích cực đối với thị trường bất động sản. Ông Long còn dự đoán trong thời gian tới các quỹ đầu tư bất động sản sẽ chính thức hoạt động, giúp cải thiện thanh khoản trên thị trường này.
Đồng quan điểm với ông Long về 2 nhóm cổ phiếu trên, ông Nguyễn Thế Minh, Công ty Chứng khoán Bản Việt, cho rằng thị trường bất động sản khởi sắc sẽ giúp làm giảm nợ xấu, góp phần cải thiện tình hình hoạt động của ngân hàng. Cả hai vị này đều đánh giá xu hướng mua bán và sáp nhập ngân hàng sẽ nở rộ trong năm mới, giúp lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Nhận định này càng có cơ sở khi mới đây, Đại hội cổ đông bất thường của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã thông qua việc sáp nhập một ngân hàng khác. Đây là hướng đi phù hợp với lộ trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước định hướng đến năm 2017 sẽ có những ngân hàng thương mại có quy mô lớn, cạnh tranh cao và toàn hệ thống chỉ còn khoảng 20 ngân hàng hoạt động). Những điều này hứa hẹn diễn biến giá của cổ phiếu ngân hàng trong năm 2015 sẽ rất sôi động.
Ngoài ra, ông Minh cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng. Ông cho rằng chỉ số lạm phát năm 2014 chưa đến 3% là quá thấp, chủ yếu do sức cầu yếu. “Giá dầu giảm mạnh sẽ giúp giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành và từ đó kích cầu tiêu dùng. Ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam đang có hệ số P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) thấp hơn hẳn so với khu vực Đông Nam Á nên có tiềm năng tăng trưởng lớn”, ông Minh giải thích lý do cổ phiếu hàng tiêu dùng, tiêu biểu là MSN (Tập đoàn Masan) và VNM (Vinamilk) sẽ có lợi thế trong năm 2015.
Ngoài những nhóm ngành trên, năm 2015 cũng đón nhận trên 200 doanh nghiệp thực hiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp niêm yết mới sẽ giúp đa dạng hóa cổ phiếu và ngành nghề. Nhờ đó, nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều cơ hội để chọn lựa cổ phiếu phù hợp với “khẩu vị” của họ.
Đánh giá về tiềm năng tăng trưởng trong năm 2015, ông Lê Văn Thanh Long, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Liên Hương, đưa ra dự báo thị trường sẽ tăng trưởng khoảng 15% so với năm 2014. Đồng thời, trong năm này, chỉ số VN-Index sẽ có giai đoạn vượt 650 điểm, mức cao nhất trong 7 năm trở lại đây.