Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết giai đoạn 2011-2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp (DN) với tổng giá trị thực tế DN là 760.774 tỉ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 188.274 tỉ đồng. Chín tháng đầu năm 2016, đã có 49 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, tổng giá trị thực tế là 31.938 tỉ đồng, trong đó giá trị phần vốn nhà nước là 23.289 tỉ đồng.
Trong 557 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa giai đoạn từ năm 2011 đến hết tháng 9-2016, 426 DN triển khai xong việc bán cổ phần lần đầu. Trong đó, 254 DN bán cổ phần theo phương án được duyệt (đạt 60%), 172 DN không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hóa, với tổng giá trị cổ phần bán ra (tính theo mệnh giá) là 34.911 tỉ đồng, thu được 43.475 tỉ đồng, chênh lệch tăng 8.563 tỉ đồng; các DN còn lại đang tiến hành các bước để bán cổ phần lần đầu.
Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 DN là 184.254 tỉ đồng (giảm 1.530 tỉ đồng so với số vốn điều lệ theo phương án cổ phần hóa đã được duyệt). Trong đó, nhà nước tiếp tục nắm giữ 149.342 tỉ đồng (chiếm 81,1% vốn điều lệ), nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 13.494 tỉ đồng (chiếm 7,3%), người lao động nắm giữ 2.964 tỉ đồng (chiếm 1,6%), tổ chức Công đoàn nắm giữ 1.171 tỉ đồng (chiếm 0,6%) và các nhà đầu tư khác nắm giữ qua việc bán đấu giá công khai 17.281 tỉ đồng (chiếm 9,4%).
Bộ Tài chính đánh giá giai đoạn 2011-2015 và 9 tháng đầu năm 2016, hệ thống DNNN đã và đang được đổi mới, sắp xếp, thu gọn. Từ năm 2010 với gần 1.500 DNNN, sau khi tích cực thực hiện cổ phần hóa, đến hết năm 2015 còn 652 DNNN, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, bảo đảm cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhìn nhận tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa tại một số bộ, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu và kế hoạch đề ra. Tỉ lệ vốn nhà nước ở các công ty cổ phần còn cao do lượng cổ phần chào bán ra công chúng đạt thấp so với phương án cổ phần hóa DN. Mặt khác, số lượng DN thuộc diện nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối khi cổ phần hóa còn lớn nên làm giảm mức độ hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình đổi mới quản trị DN.
Cùng với đó, cơ chế cổ phần hóa DNNN hiện nay đã bộc lộ một số điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Khả năng sinh lời đang giảm
Thừa ủy quyền Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có báo cáo Quốc hội (QH) về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2015, có 652 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm cả 7 tập đoàn kinh tế, 76 tổng công ty nhà nước. Đáng chú ý, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con, gồm 103 DN có tổng tài sản 2.821.006 tỉ đồng, tăng 4%. Các tập đoàn, tổng công ty có tổng các khoản phải thu là 338.327 tỉ đồng, tăng 6%. Tỉ lệ nợ phải thu/tổng tài sản năm 2015 là 12%. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 16.715 tỉ đồng, tăng 11%.
Theo báo cáo hợp nhất, các tập đoàn, tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.547.859 tỉ đồng, tăng 1%.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết lợi nhuận trước thuế của các DN đạt 161.431 tỉ đồng, giảm 11% so với năm 2014. Riêng khối tập đoàn giảm đến 20%, chỉ đạt 101.435 tỉ đồng. Lợi nhuận của 7 “ông lớn” chiếm 63% tổng lợi nhuận trước thuế của các DN toàn quốc. Những chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời của DNNN đều đi xuống…