Mới đây, Sở GDCK TP HCM (Hose) đã thông qua quyết định thay đổi bước giá giao dịch và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 12-9.
Theo đó, với cổ phiếu có mức giá dưới 10.000 đồng thì bước giá sẽ là 10 đồng; Đối với cổ phiếu giá từ 10.000 đồng – 49.950 đồng thì bước giá là 50 đồng; Với cổ phiếu có mức giá từ 50.000 đồng trở lên, bước giá sẽ giống với HNX là 100 đồng thay vì 500 đồng (với cổ phiếu từ 50.000đ- 99.500đ) hoặc 1.000 đồng (với cổ phiếu từ 100.000 đồng trở lên) như quy định hiện hành.
Nhà đầu tư được lợi ích gì từ việc thay đổi bước giá?
Có thể thấy, việc điều chỉnh bước giá sẽ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư vì có nhiều lựa chọn mức giá để đặt lệnh hơn trước. Ví dụ, một cổ phiếu có giá đóng cửa là 9.000 đồng thì bước giá mới sẽ là 10 đồng thay vì 100 đồng như hiện nay. Nhà đầu tư có thể đặt lệnh tại mức giá 9.010 đồng hoặc 8.990 đồng thay vì 9.100 đồng hay 8.900 đồng.
Cũng với quan điểm tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng – Giám đốc môi giới CTCK FPTS, cho rằng việc điều chỉnh bước giá sẽ mang lại nhiều điểm tích cực cho thị trường như tăng thanh khoản và giúp nhà đầu tư có thể mua được cổ phiếu với mức giá hợp lý hơn. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với các nhà đầu tư giao dịch thường xuyên, nhà đầu tư giao dịch với khối lượng lớn.
Việc thay đổi bước giá cũng giúp hoạt động giao dịch trong ngày (có hiệu lực từ 1-7) trở nên dễ dàng hơn khi nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn về mức giá để trading và kiếm lợi nhuận ngắn hạn.
Chia nhỏ bước giá, thời của cổ phiếu “trà đá”?
Bên cạnh những ưu điểm như tăng tính thanh khoản, giúp nhà đầu tư mua/bán cổ phiếu với mức giá hợp lý hay giúp hoạt động giao dịch trong ngày trở nên sôi động hơn, việc thay đổi bước giá cũng có nhiều vấn đề khiến nhà đầu tư lo ngại.
Đầu tiên là vấn đề…khó nhớ. So với HNX với chỉ một bước giá duy nhất (100 đồng) thì việc có quá nhiều bước giá của Hose sẽ khiến nhà đầu tư dễ nhầm lẫn và việc đặt lệnh giao dịch bỗng trở nên phức tạp hơn.
Tuy vậy, đó không phải vấn đề quá lớn với nhà đầu tư mà là việc khó quan sát diễn biến các lệnh đặt mua/bán trong phiên giao dịch. Cụ thể, do bảng giá các CTCK không thể hiển thị được toàn bộ các lệnh mua, bán mà chỉ cho thấy 3 mức giá dư mua/bán tốt nhất nên việc có thêm nhiều mức bước quá nhỏ sẽ càng khiến nhà đầu tư khó quan sát được các các lệnh dư mua/bán ở các mức giá cao/thấp hơn.
Cũng với việc có thêm quá nhiều bước giá, những “cá mập” trên thị trường hoàn toàn có thể dựa vào yếu tố này để “che lệnh” trên bảng giá và khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ dễ “sập bẫy” hơn.
Cuối cùng, một yếu tố tưởng chừng tích cực như giúp cổ phiếu có nhiều bước giá giao dịch hơn cũng ẩn chứa không ít rủi ro, đặc biệt với những cổ phiếu có thị giá “trà đá”, “cọng hành” bởi khi đó “đội lái” sẽ dễ dàng tạo thanh khoản và “lái” cổ phiếu hơn trước rất nhiều.
Lấy ví dụ với một cổ phiếu có giá tham chiếu 1.500 đồng. Theo quy định hiện hành thì cổ phiếu này chỉ có 3 bước giá là 1.400 đồng, 1.500 đồng, 1.600 đồng và nhà đầu tư rất khó để thực hiện “lướt sóng”. Với quy định mới, số bước giá cổ phiếu này sẽ lên tới 21 và rõ ràng điều này khiến hoạt động “tạo sóng” trở nên thuận lợi hơn hẳn so với trước kia.