Tuy nhiên, có thể tận dụng thời cơ và thu được lợi nhuận với nhóm cổ phiếu (CP) này lại không hề đơn giản.
Nóng nhưng chưa sốt
Trong 10 phiên gần nhất, SSI (CTCK Sài Gòn) đã tăng giá khoảng 10% lên mức 24.000 đồng/CP, tuy nhiên mức giá của CP này so với cách đây 1 tháng lại tăng không đáng kể. Những ngày qua, HSC (CTCK TP HCM) tăng lên hơn 36.000 đồng/CP, so với nửa tháng trước đã tăng gần 20%, nhưng so với cách đây 1 tháng lại tăng chưa đến 10%.
Các CTCK hiện nay hoạt động chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn, nhưng đồng thời cũng tỉnh táo đến mức… lạnh lùng hơn. Những kế hoạch, thông điệp từ CTCK đưa ra thị trường giờ đây không còn nóng như trước. Có lẽ diễn biến của CP CK cũng sẽ tương tự thái độ và hoạt động của CTCK, nghĩa là chất hơn nhưng cũng ít ồn ào hơn.
Những dẫn chứng này chỉ ra rằng, nếu giữ CP CK thời gian dài sẽ có lợi nhuận, nhưng tỷ lệ không phải quá cao, chưa kể đến việc có thể (tạm) lỗ ở một số thời điểm. Trong khi đó, muốn đánh ngắn, lãi nhiều cần phải có chiến thuật giải ngân hợp lý đi kèm với may mắn.
Mặt khác, biến động của CP CK không phải lúc nào cũng tương đồng với nhau nên sức ép để lựa chọn đúng CP dành cho NĐT là rất lớn. Đầu năm 2017, thị giá của SSI rơi vào tầm 20.000 đồng/CP nên tính đến giờ tỷ lệ tăng giá sẽ vào tầm 20%, trong khi cùng khoảng thời gian 5 tháng tính từ đầu năm, HSC tăng gần 30%, còn VND (CTCK VNdirect) bùng nổ hơn nữa khi tăng hơn 38% lên 18.000 đồng/CP, trong khi BVS (CTCK Bảo Việt) chỉ tăng nhẹ khoảng 10% lên 18.000 đồng/CP.
Tất nhiên, 4 CTCK kể trên đều có những khác biệt nhất định về mặt kinh doanh, nội tại mỗi đơn vị cũng khác nhau, nhưng đều là những CP được xếp vào nhóm blue chip của ngành CK và cũng là những tên tuổi thực sự trên thị trường.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về biến động giá của CP CK lớn hơn hẳn so với những ngành hot trước đây như thép, ngân hàng, xi măng… Chẳng hạn giai đoạn đầu 2015, khi CP ngân hàng “sốt xình xịch” thì dù VCB, CTG hay BID có khác nhau nhưng tốc độ tăng giá lại khá tương đồng trong một số giai đoạn.
Hay nhóm CP thép trong năm 2016 như HSG, HPG, SMC, NKG đều tăng giá cực mạnh, khác nhau chỉ là tăng mạnh hoặc tăng… quá mạnh mà thôi. Vậy phải chăng CP CK đang hứa hẹn sẽ là ngành hot của năm 2017? Năm nay chưa hết nửa chặng đường, nên kỳ vọng có thể sẽ còn nhiều bất ngờ phía trước.
Cũng như đặc điểm của các nhóm ngành tăng mạnh trước đây, thường sẽ phải kéo dài và trong khoảng thời gian dài tỷ lệ tăng giá sẽ có xu hướng cân bằng với nhau. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc có một CP dẫn đầu tăng quá mạnh, dẫn đến việc bị chốt lời, dòng tiền lúc này sẽ lại tìm kiếm CP chưa tăng mạnh và đổ vào, cứ như vậy mức giá sẽ cân bằng hơn.
Điều này có thể thấy rõ thông qua trường hợp của CP xi măng vào năm 2014, khi đó HT1 (Hà Tiên 1) tăng mạnh trong nửa đầu năm, nhưng sau đó lại là thời kỳ bùng nổ của BCC (Bỉm Sơn), rồi tiếp đến HT1 quay trở lại.
Kỳ vọng trong thận trọng
Kỳ vọng dành cho CP CK có thể là những CP nào chưa tăng mạnh nên cơ hội tăng vẫn còn khá cao, đi kèm với dòng tiền sẽ còn đổ vào tiếp. Một trong những chỉ báo dành cho CP của CTCK chính là diễn biến của thị trường chung cũng như thanh khoản. Thanh khoản đạt khoảng 4.000 tỷ đồng/phiên trong thời gian gần đây sẽ giúp các CTCK ăn nên làm ra và tất nhiên CTCK lớn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Câu chuyện lớn nhất liên quan đến CP CK thời gian tới đây có thể sẽ là việc nâng hạng của thị trường Việt Nam. Nếu câu chuyện này đúng như kỳ vọng, dòng tiền nhiều khả năng tiếp tục đổ thêm vào TTCK Việt Nam, đưa thanh khoản tăng tiếp và rõ ràng CTCK sẽ hưởng lợi rất nhiều.
Tuy nhiên, giá CP diễn biến như thế nào sẽ phụ thuộc vào điểm rơi kỳ vọng cũng như thông tin. Sở dĩ phải xét đến yếu tố điểm rơi là vì nhìn vào 2 câu chuyện lớn của những năm trước liên quan đến mở room và TPP, thông thường CP sẽ tăng mạnh trước khi thông tin chính thức xuất hiện.
Chẳng hạn chính SSI là một trong những công ty mở room sớm nhất trên thị trường nhưng giai đoạn hậu mở room CP lại không tăng mạnh. Việc phái sinh chuẩn bị ra mắt cũng có thể tạo ra kỳ vọng các CTCK sẽ có thêm sản phẩm để gia tăng thanh khoản. Nói như Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc SSI Nguyễn Duy Hưng, phái sinh là một câu chuyện dài và ban đầu cần ưu tiên cho sự thận trọng để NĐT có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm.
Lần này, kỳ vọng có thể khác đôi chút do chuyện nâng hạng thị trường đến giờ vẫn chưa được mổ xẻ và chưa dồn nhiều vào nhóm CTCK, nên đà tăng có thể được duy trì. Tuy nhiên, sức hút dành cho CP CK đến giờ vẫn chưa thể sánh với gần 1 thập niên trước, và “nhiệt” cũng chưa nóng như một số nhóm ngành khác.
Một dẫn chứng rất đơn giản, nếu xét về thanh khoản chỉ có SSI hiện duy trì được KLGD mỗi phiên tính bằng hàng triệu CP trở lên, những CP còn lại thường chỉ dừng ở mức độ hàng trăm ngàn CP. Điều này khác hẳn với CP ngân hàng, thậm chí thép, khi có sóng là thanh khoản của nhiều CP đều tính bằng hàng triệu đơn vị.
Từ đây có thể xuất hiện một kịch bản thận trọng hơn, nghĩa là CP CK vẫn tăng tốt trong năm nay, nhưng sẽ không bùng nổ, mà đi theo hướng vừa tích lũy vừa tăng, sau mỗi đợt tăng khoảng 10-20% là một số phiên tích lũy, điều chỉnh rồi lại bắt đầu một chu kỳ tăng tiếp theo.
Nếu kịch bản này trở thành hiện thực, NĐT nên có một kỳ vọng chừng mực thay vì thái quá và kiên nhẫn chờ đợi theo tháng thay vì theo phiên. Nhìn ở góc độ tích cực, đây có thể là điều tốt cho CP CK cũng như cho các NĐT: tăng từ từ sẽ không có nhiều dòng tiền nóng, không có nhiều biến động và cũng hạn chế những thua lỗ trong ngắn hạn.