Một vốn bốn lời
Ngày 30-5 tới, mỗi cổ đông của CTCP Meinfa (MEF) sẽ được nhận về 5.000 đồng tiền mặt cho một cổ phiếu họ đang nắm giữ (tương đương tỷ lệ cổ tức 50%). Đây là tỷ lệ cổ tức rất cao trên bất cứ một thị trường chứng khoán nào, nhưng đặc biệt cao so với một cổ phiếu có giá chỉ 900 đồng/cp.
Cổ phiếu không tên tuổi với mức giá thấp bèo bọt, bằng chưa tới 1/10 mệnh giá nhưng lại mang lại lợi nhuận rất lớn cho các cổ đông.
Giả sử một cổ đông sở hữu số cổ phiếu trị giá 2 tỉ đồng, thì mỗi năm chưa cần bán cổ phiếu, chỉ ngồi thu cổ tức đã thu về tròn hơn nửa triệu đô la Mỹ tương đương 11 tỉ đồng. Mua vào được mức giá này, thì lợi nhuận đã là hơn 5,5 lần mỗi năm.
Nhiều cổ phiếu chia cổ tức cao nhưng có giá thấp.
Với mức chi trả như trên, đợt này, cổ đông của Meinfa mỗi người sẽ nhận về một vài tỉ đồng cho dù tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ doanh nghiệp này chỉ ở mức rất khiêm tốn: hơn 3 tỉ đồng.
Trong các năm trước đó, Meinfa cũng chi trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức rất cao: từ 30-40% (tức 3.000-4.000 đồng/cp). Với tỷ suất lợi nhuận như này, giá cổ phiếu thông thường phải ở mức 40.000-50.000 đồng/cp. Tuy nhiên, đây có lẽ không phải là điều cổ đông quá bận tâm, bởi hầu hết họ không giao dịch, chỉ nắm giữ để nhận cổ tức.
Hiện tượng cổ phiếu giá bèo nhưng doanh nghiệp trả cổ tức khủng không hiếm trên TTCK. Cổ phiếu TVG của CTCP Tư vấn Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải (UPCOM) từng trả cổ tức 2.000 đồng/cp trong khi thị giá chỉ có 1.400 đồng/cp. May Xuất khẩu Phan Thiết (PTG) trả cổ tức bằng tiền 2.000 đồng/cp (cho 2 đợt) trong khi thị giá chỉ có 4.200 đồng/cp.
Mùa đại hội cổ đông 2017 sắp kết thúc, không ít doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cũng rất cao. CTCP Cơ khí Luyện kim (SDK) vừa chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 40%, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 4.000 đồng.
CTCP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VNX) trả 2.500 đồng cho dù giá cổ phiếu chỉ ở mức 1.600 đồng. Thủy sản Bến Tre (ABT) liên tục duy trì tỷ lệ cổ tức 40-50% cho dù thị trường còn khó khăn.
Đa phần các doanh nghiệp trả cổ tức cao thì giá cổ phiếu cũng đứng ở mức rất cao. Tuy nhiên, không ít cổ phiếu có giá bèo bọt, nhưng lại là “vàng ròng” trên thị trường chứng khoán bị lãng quên.
Nghịch lý chứng khoán Việt
Trường hợp Meinfa, cổ phiếu này chia cổ tức cao bởi doanh nghiệp nhỏ nhưng làm ăn tốt. Meinfa có vốn điều lệ chưa tới 38 tỉ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế năm 2016 lên đến 27 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu lợi nhuận 27,9 tỉ đồng cho năm 2017.
Nhiều doanh nhân trở thành đại gia nhờ huy động vốn trên TTCK.
Là một doanh nghiệp kinh doanh vật dụng, phụ tùng thiết bị ngành y tế, vật dụng bằng kim loại, MEF không chỉ thành công thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Nhật.
Giải thích về việc thị giá MEF thấp trong khi cổ tức cao, ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cho biết là do MEF có rất ít giao dịch và cổ phiếu này “quá cô đặc”.
“MEF gần như không có giao dịch, lại đăng ký trên UPCOM và không có cổ đông bán ra nên giá đứng nguyên ở mức thấp trong suốt mấy năm qua”, ông Trí chia sẻ.
Theo ông Lê Quang Trí, trên thực tế, MEF chào sàn với giá khá cao: 34.000 đồng/cp nhưng không có giao dịch và mỗi năm chia thấp nhất 30% cổ tức tiền mặt. Sau khi về 10.000 đồng, mỗi lần chia cổ tức, cổ phiếu "down" giá kỹ thuật nhưng không có cổ đông bán ra nên giá cứ thấp dần.
Ở chiều ngược lại, không ít doanh nghiệp có giá cổ phiếu vài chục cho tới cả trăm ngàn đồng nhưng nhiều năm liền không trả cổ tức, tỉ suất lợi nhuận rất thấp. Có những cổ phiếu mới lên sàn nhưng tăng gấp hàng chục lần trong một thời gian rất ngắn, giúp các ông chủ trở thành các tỉ phú trên sàn chứng khoán.
Các doanh nghiệp dạng này chú trọng nhiều hơn vào quy mô, liên tục huy động vốn từ cổ đông, vay vốn từ ngân hàng để thâu tóm các dự án, mở rộng đầu tư, mở rộng ngành nghề hoạt động với mục đích trở thành các tập đoàn lớn mạnh.
Tuy nhiên, lợi nhuận thực tế mang về cho các cổ đông rất thấp trong khi rủi ro lại rất cao. Nhiều doanh nghiệp gánh vác trên vai khối nợ hàng ngàn, thậm chí vài chục ngàn tỉ đồng để rồi ngân hàng phải vào cuộc giải cứu.
Các cổ đông là người bỏ tiền ra đầu tư vào cổ phiếu nhưng hầu như không có tiếng nói trong HĐQT, do phân tán hoặc do tổng tỷ lệ nắm giữ quá thấp. Mọi quyết định, từ đầu tư cái gì, mang tiền đi đâu,... thường do một nhóm cổ đông lớn trong công ty quyết định.
Nghịch lý cổ phiếu giá thấp trả cổ tức cao còn cổ phiếu giá cao chót vót không trả gì cho cổ đông cho thấy một thực tế là: nhiều doanh nghiệp lên sàn chỉ mang tính chất hình thức, không quan tâm tới giá cũng như huy động vốn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lên sàn chỉ nhăm nhăm huy động vốn mà không hẳn đã phục vụ kinh doanh.