Việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) “gà đẻ trứng vàng” như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPT Telecom…đang là cơ hội cho nhiều tập đoàn nước ngoài thâm nhập và thâu tóm thị trường Việt Nam.
Sabeco, Vinamilk... giá nào cũng mua?
Các DN lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk… đang giữ vị thế đầu tàu trên các lĩnh vực hoạt động của mình. Đây là các DN có vốn hóa trên thị trường rất lớn. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, DN nội khó có đủ tiềm lực để mua lại phần vốn ở những đại gia như Sabeco, Vinamilk... nhưng các DN nước ngoài lại sẵn tiền và muốn mua ngay".
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư ngoại lớn luôn chờ chực và liên tục bày tỏ tham vọng được mua lại các DN này. Hiện đã có các nhà đầu tư ngoại nằm sẵn trong các DN lớn như: Carlsberg đã nắm Huda, Halida và đang có những chiến lược thâu tóm Habeco. Với Sabeco, tỉ phú người Thái có thương hiệu ThaiBev đã lên tiếng sẵn sàng bỏ 1 tỉ USD mua cổ phần. Còn ông lớn Heniken - đối thủ chính của DN bia nội cũng muốn nhảy vào Sabeco. Cũng chính tỉ phú Thái đang nắm cổ phần lớn ở Vinamilk lên đến hơn 500 triệu USD...
Vậy, bỏ ra hàng tỉ USD, các ông lớn ngoại nhắm tới tài sản nào và muốn điều gì ở các DN như Sabeco, Vinamilk...?
Trước hết, đây là các DN hàng đầu của Việt Nam, chi phối và trụ cột trong các lĩnh vực của mình. Đây cũng là số ít DN Việt có khả năng cạnh tranh quốc tế thực sự trên 2 mặt trận: giữ sân nhà và vươn ra sân khách. Chuyên gia từ Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát nhấn mạnh, chưa có một định giá nào cho vị thế của các DN này nhưng chắc chắn nó sẽ lớn hơn rất nhiều giá trị vốn hóa của DN. Không chỉ vốn, cơ sở sản xuất và hệ thống phân phối các DN này đều nắm giữ các tài sản khác rất lớn là đất đai, nhân lực, hệ thống nghiên cứu phát triển, các mối quan hệ địa phương... tất cả đều được ưu đãi đầu tư trong hàng chục năm qua từ nhiều nguồn của Nhà nước.
Nhưng cốt lõi chính là hệ thống kinh doanh được tổ chức tầng tầng lớp lớp tới tận thôn quê của các thương hiệu này. Vinamik hay Sabeco đều có hệ thống phân phối cực mạnh, lên đến hàng trăm nhà phân phối cấp 1 và hàng chục ngàn điểm bán lẻ trên cả nước. "Điều này sẽ thay đổi nếu các ông lớn nước ngoài thâu tóm những DN bia và sữa của Việt Nam. 'Bất chiến tự nhiên thành" họ có hết trong tay quyền chi phối toàn thị trường chỉ qua một thương vụ” – vị này cho biết.
Tất nhiên, khi nắm được kênh phân phối của các thương hiệu lớn, các đại gia ngoại sẽ chi phối thị trường áp đặt luật chơi lên thị trường Việt. Câu chuyện của những doanh nghiệp ngành ôtô, điện tử, bán lẻ… là minh chứng rõ nét. Rồi chẳng có gì lạ khi bia, sữa nước ngoài được bày bán thậm chí lấn át các sản phẩm Sabeco, Vinamilk trên chính các đại lý mà hai thương hiệu này đã dày công xây dựng.
Mất thương hiệu Việt
Dù Sabeco, Vinamilk, FPT... rất nổi tiếng tại Việt Nam nhưng chưa phải là tên tuổi mạnh trên thị trường quốc tế. Vì thế, khả năng các đại gia ngoại cố giữ thương hiệu Việt sau khi thâu tóm không có gì chắc chắn.
TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khả năng mất thương hiệu Việt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài là nguy cơ có thực. Kịch bản kem đánh răng Dạ Lan biến mất hoàn toàn sau khi bán cho Colgate Palmolive (Mỹ) ngày mới mở cửa đến Viettronic, Tribeco, Kinh Đô, Prime… thời gian gần đây có thể lặp lại. Nếu không có bước đi thận trọng, Việt Nam có thể mất trắng ngành bia, sữa... vào tay các đối thủ ngoại.
“Nhà nước phải đặt ra luật chơi, đưa ra các điều kiện. Với những thương hiệu lớn, đặc biệt thì cần phải có điều kiện đặc biệt chứ không thể bán không được. Bán nhưng phải giữ thương hiệu bao lâu, muốn đổi tên thì phải trả thêm tiền. Phải đưa ra điều kiện ràng buộc”, TS Trần Đình Thiên chia sẻ.
Ủng hộ thoái vốn nhà nước nhưng các chuyên gia như bà Phạm Chi Lan, ông Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh cần ưu tiên DN nội để phát triển nội lực và ưu tiên hoạt động tạo nghề nghiệp cho người Việt. Các chuyên gia cũng lưu ý trường hợp DN nước ngoài núp bóng DN Việt Nam để mua cổ phần nhưng đến một ngày thuận lợi DN này biến đi và trở thành một DN ngoại hoàn toàn. Vì thế, việc kiểm soát nguồn vốn cũng như các điều kiện sau khi đầu tư cần phải kiểm soát chặt chẽ và minh bạch.
TS Ngô Minh Hải, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn ở doanh nghiệp nhà nước là đúng và trúng, nhưng còn nhiều lo ngại, trong đó có câu chuyện nổi lên là lợi ích nhóm. Phần vốn ấy bán rẻ đắt thế nào, có rơi vào nhóm lợi ích, rồi mất vốn nhà nước hay không. Hoặc cũng chiêu đó nhưng tinh vi hơn, cấu kết với nhà đầu tư nước ngoài, bán cho nhà đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn là sân sau của nhóm lợi ích.
Mặt khác, khi nhà đầu tư ngoại nắm được DN, thì phần lợi nhuận nghìn tỉ thu được sẽ chuyển hết ra nước ngoài, đó là chưa kể khả năng chuyển giá của những “ông lớn ngoại” có thể làm thất thu ngân sách đáng kể. Nhưng nếu để DN Việt đầu tư, tiền lãi sẽ ở lại VN nên kinh tế sẽ được hưởng lợi, và chúng ta vẫn giữ được thương hiệu quốc gia đã dày công xây dựng.