Đó là ý kiến của TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động xung quanh việc nhà nước chủ trương thoái vốn ở các tập đoàn, tổng công ty lớn, do Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang đại diện nắm giữ.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ cách thức triển khai việc thoái vốn ở các doanh nghiệp (DN) này như thế nào?
TS Trần Du Lịch: Chủ trương để SCIC thoái vốn đã được tôi đề xuất từ 2 năm trước. Về cách thực hiện, dù còn có những quan điểm khác nhau nhưng những DN thoái vốn phần lớn đã niêm yết trên thị trường chứng khoán. Điều này có nghĩa giá cả đã được hình thành trên thị trường - dù lên hay xuống tùy thời điểm nhưng phải bán phần vốn đó theo cơ chế thị trường.
Còn với góc độ nhà đầu tư mua cổ phần thì SCIC bán lúc nào, thời điểm nào cần phải tính toán để có lợi cho nhà nước. Bởi dung lượng thị trường có hạn, đưa ra mức nào để đừng cho nó chao đảo, chẳng hạn, cung vượt cầu thì cần tính toán và tôi nghĩ rằng SCIC đủ trình độ chuyên môn, năng lực tính toán cơ cấu đưa ra.
Vậy có nên tìm kiếm nhà đầu tư lớn để thương lượng mua số cổ phần này?
Một nguyên tắc, tôi không đồng tình việc bán thương lượng với ai đó, kể cả nhà đầu tư chiến lược. Việc này chỉ bàn trước khi bán đấu giá cổ phần công chúng ra lần đầu (IPO), còn khi đã lên sàn nhiều năm rồi thì mọi việc phải do thị trường quyết định dù giá có thể cao hay thấp.
Với tổng lượng vốn cần thoái của 10 công ty ra thị trường khoảng vài ba tỉ USD cũng không phải quá lớn để mất nhiều năm thực hiện.
Dư luận sẽ hỏi, nhà nước dùng số tiền này để làm gì?
Mục đích có thể là xây dựng, mở rộng, nâng cấp các bệnh viện, hoặc cơ cấu lại phần nợ ngắn hạn của nhà nước (trái phiếu dưới 3 năm) nhằm giảm áp lực nợ công là cần thiết.
Do vừa qua, Quốc hội không cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu dưới 5 năm nhưng việc phát hành trái phiếu trên 5 năm rất khó khăn, trong khi chúng ta cũng cần loại trái phiếu trung hạn 2-3 năm để cơ cấu lại nợ công - bởi mức nợ công hiện nay là khá lớn. Áp lực lớn nhất là số nợ hằng năm phải trả do trái phiếu trung hạn, áp lực nguồn thu…
Với lượng tiền bán ra trong thời gian tới, theo ông, nhà nước nên ưu tiên lĩnh vực nào?
Tôi cho rằng Chính phủ cần ưu tiên giải quyết vốn vào lĩnh vực bệnh viện và tuyệt đối không dùng khoản tiền này cho các nơi xây trụ sở, trung tâm hành chính, đây là tiền của nhân dân tích lũy nên chúng ta phải xây bệnh viện. Ưu tiên thứ 2 là xây dựng các nguồn vốn đối tác, đối ứng cho các công trình hạ tầng, vốn ODA.
Xin cám ơn ông!