Nằm cách TP Phan Rang gần 10km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bàu Trúc được xem là làng nghề làm gốm cổ nhất Đông Nam Á với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo.
"Công nghệ" làm gốm ở làng gần như không thay đổi từ xưa đến nay. Điểm khác biệt của "công nghệ" làm gốm ở đây so với mọi nơi khác chính là người thợ di chuyển vòng quanh bên khối đất để tạo hình sản phẩm.
Ngày nay, với sự phát triển của du lịch, các nghệ nhân Bàu Trúc cũng rất sẵn sàng biểu diễn cho du khách xem công đoạn tạo hình sản phẩm.
Tảng đất nhỏ được đặt trên đáy một chiếc chum gốm lật ngược, nghệ nhân sẽ đi vòng quanh cái "bàn" cố định này
Tạo lòng cho chiếc bình gốm
Qua đôi bàn tay thoăn thoắt vê, miết khối đất của nghệ nhân, dần dần chiếc bình đã hình thành trông rất thô sơ. Đang chăm chú vào công việc, khi nghe khách thắc mắc về sự "đơn giản" của công nghệ, bà ấy cười: "Quả là việc này chả có gì quá khó, ai khéo tay đều có thể làm được, chủ yếu là do chất đất ở nơi đây dẻo, dính, phù hợp, vùng đất khác là không nói trước được đâu nhé! Chứ không thì đâu đâu chả có làng gốm".
Vuốt nước ướt tạo hình (thô) vành miệng bình
Sau đó dùng giẻ vải nhúng nước để vuốt miết tạo mặt láng cho sản phẩm
Cuối cùng là tạo song cho vành miệng bình
Chỉ hơn 10 phút, nghệ nhân đã hoàn thành một chiếc bình đơn giản.
Đó là biểu diễn, còn trong quá trình sản xuất, thường mỗi người thợ hay nghệ nhân làm cùng lúc với khoảng 5 sản phẩm. 5 chiếc "bàn" cố định được xếp thành một vòng tròn, người thợ làm cùng lúc 5 sản phẩm. Một ngày trung bình mỗi người thợ đi bộ xoay xoay tại chỗ tương đương quãng đường ... 8km (khi hàng nhiều)
Xong công đoạn tạo hình trên đất ướt, là đến giai đoạn phơi sản phẩm thô trong bóng mát ở nơi thoáng gió một thời gian. Tránh phơi ra nắng vì để cho đất khô từ từ, sản phẩm không bị nứt.
Sau khi để khô tự nhiên, sản phẩm ngả sang màu trắng đục thế này
Lúc này sản phẩm đã cứng lại, nhưng còn đủ mềm để các nghệ nhân có thể dễ dàng khắc họa các hoa văn trên bề mặt sản phẩm
Sau khi đã được khắc họa các hoa văn, sản phẩm được đem nung. Công đoạn nung sản phẩm ở nơi đây cũng khá đơn giản. Các sản phẩm thô được đem ra bãi trống phủ rơm và chất củi đốt. Màu của sản phẩm sau khi nung là màu tự nhiên, người thợ hầu như không can thiệp được, chẳng cái nào giống cái nào.
Đặc biệt với loại củi còn tươi, khi cháy nhựa cây trong củi đùn ra, ám vào sản phẩm cho ra thứ màu nâu xỉn khá đẹp.
Một số sản phẩm trưng bày, chả cái nào có nước màu giống cái nào
Bà nghệ nhân vừa biểu diễn nặn cái bình nhỏ phía trên