Thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397 nay thuộc hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc, Thanh Hoá). Trải qua hơn 600 năm, hiện thành nhà Hồ chỉ còn lại lớp tường thành bằng đá – một trong số rất ít những thành lũy cổ bằng đá còn lại trên thế giới – và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào ngày 27-6-2011.
Có nhiều đường đến thành nhà Hồ. Từ TP Thanh Hóa, theo đường Nguyễn Trãi vào QL45 chạy thẳng tới thị trấn Vĩnh Lộc chỉ chừng hơn 40km. Nếu từ Hà Nội, có thể chạy theo đường Hồ Chí Minh đến ngay sát cầu Cẩm Thủy thì rẽ trái vào QL217, chạy thêm gần hai chục km là tới. Từ Hà Nội đi theo đường này khoảng 170km nhưng dễ đi vì đường Hồ Chí Minh không đông như QL1A.
Tòa kinh thành thời nhà Hồ vốn được gọi là Tây Đô, phân biệt với Đông Đô (Thăng Long, kinh đô thời Trần về trước). Ngày nay di tích còn lại chỉ là vòng tường Hoàng thành bằng đá cùng 4 cửa thành kiểu vòm cuốn.
Cửa Nam của Hoàng thành (cửa Tiền)
Đường trục nối cửa Nam (cửa Tiền) với cửa Bắc (cửa Hậu) của Hoàng thành
Tường thành được ghép bằng đá tảng, nhiều đoạn còn khá liền khít và vững chãi dù đã bị mất những lớp trên cùng
Tường thành mặt Bắc (nơi có cửa Hậu) còn giữ được cao hơn, nhưng nhiều chỗ các tảng đá đã bị xô lệch hoặc có những chỗ đã sụp đổ
Nhiều chỗ tường thành bị xô lệch hoặc sụp đổ ở bờ phía Bắc chếch Tây
Cửa Bắc (cửa Hậu) nhìn từ bên trong thành, giữa ngã tư trục đường nối các cửa Nam – Bắc và Đông – Tây của tòa thành
Cửa Nam nhìn từ ngã tư giữa lòng tòa thành
Cửa Đông (cửa Đông Môn) và cửa Tây (cửa Tây Giai) kết cấu giống nhau và trông không vững chãi bằng của Bắc
Vì tòa thành gần như hình vuông (cạnh Đông – Tây và cạnh Nam – Bắc chênh nhau có hơn chục mét) nên ở vị trí ngã tư này có thể coi là trung tâm tòa thành
Tường thành xếp bằng đá tảng kích thước chủ yếu 2m x1m x 0.7m, cá biệt có những tảng có kích thước rất lớn, dài tới 7m, cao 1.5m và có trọng lượng lên tới 15-20 tấn. Các tảng đá được xếp khít lên nhau không dùng chất kết dính, cổng vòm cũng được xếp bằng các tảng đá mài cắt như hình múi bưởi, tự nêm vào nhau, và cho tới nay hơn 600 năm đã trôi qua, các cửa thành vẫn vững chắc, tường thành nhiều đoạn vẫn đứng vững và rất khít.
Sau khi nhà Hồ sụp đổ, tòa kinh thành trở nên hoang phế và đổ nát, hơn 600 năm qua, các phế tích đền đài lầu các bên trong thành đã không còn. Di tích gần như duy nhất bên trong lòng tòa thành là cặp rồng đá chạm trổ khá đẹp nằm tại vị trí được cho là nền của chính điện ngày xưa (nằm trên trục Nam – Bắc của kinh thành, gần hơn về phía của Nam kinh thành một chút).
Phế tích cặp rồng đá dài gần 4m được chạm trổ khá đẹp ở vị trí được cho là nền chính điện ngày xưa, cặp rồng đáng tiếc đã bị mẻ vỡ mất đầu
Trên bề mặt nóc cửa Bắc có nhiều lỗ lớn trên mặt đá, có thể là nơi lắp các cột trụ của một kiến trúc ngày xưa trên mặt cổng thành
Trên bề mặt nóc cửa Bắc có nhiều lỗ lớn trên mặt đá, có thể là nơi lắp các cột trụ của một kiến trúc ngày xưa trên mặt cổng thành
Khách phương xa "check-in" tại cửa Bắc
Bên dưới những ruộng ngô kia, có thể là những dấu tích cũ của các đền đài, cung điện ngày xa xưa
Ra khỏi tòa thành, đi một vòng bên ngoài, nay dân cư đã ở sát bờ tường thành. Có thể do tòa thành được công nhận di tích quốc gia, rồi di sản văn hóa thế giới, nên được quan tâm bảo vệ hơn, dân chỉ trồng trọt bên trong thành chứ chưa tràn vào ở.
Dân cư bên ngoài bờ tường thành phía Đông
Nhà dân cũng sát bên bờ ngoài thành phía Tây
Bọn trẻ tụ tập chơi ngay góc tường phía Đông và Bắc
Biểu diễn nhạc ở góc đường Tây Nam của cửa Nam
Rời khỏi thành nhà Hồ, không khỏi thán phục tiền nhân, trong vòng 3 tháng hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ như thế, với sự khéo léo và chất lượng tuyệt vời.
Chỉ tiếc, nhà Hồ không được lòng dân, nên sớm sụp đổ vào năm 1407 trong cuộc xâm lược của giặc Minh. Tây Đô vì thế chỉ là kinh thành nước ta (nhà Hồ đặt tên nước là Đại Ngu) trong vòng có 7 năm ngắn ngủi (từ 1400 – 1407).