Trước kia, bà Nguyễn Tám kinh doanh các món hàng ăn vặt trên giao lộ Lê Quang Sung – Cao Văn Lầu (quận 6, TP HCM).
Trong một lần tình cờ đi chơi phát hiện một cửa hàng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) có bán bánh mì muối ớt, bà đã thử mua một số ổ về nhà ăn cảm thấy lạ miệng và khá ngon.
Đầu tháng 4-2016, bà Tám quyết định tìm hiểu nguồn gốc và cách chế biến món bánh mì muối ớt này.
Bà Tám nói: “Phải xuống tận vùng An Giang để học cách chế biến, pha chế gia vị như thế nào cho phù hợp. Đây là món đặc sản của vùng biên giới Tịnh Biên (An Giang). Người Khơ-me rất chuộng món này”.
Theo bà, quy trình để chế biến món bánh mì không quá phức tạp. Sau khi mua bánh mì về dùng chày và thớt ép xẹp. Tiếp đến dùng muối ớt quẹt lên hai bên, cuối cùng nướng lên bếp than. Có thể ăn luôn theo kiểu bình thường, hoặc cắt nhỏ ra cho thêm các đồ ăn phụ như chà bông, mỡ hành, nước sốt phô mai, tương ớt… theo kiểu bánh mì Sài Gòn.
Tháng đầu tiên kinh doanh, bà Tám bán được bình quân mỗi ngày trên 1.000 ổ bánh mì muối ớt, mỗi ngày thu về tiền lãi trên 1 triệu đồng.
Những người xung quanh thấy bà ăn nên, làm ra từ món bánh mì nói trên nên đã cùng nhau kinh doanh.
Hiện tuyến đường Lê Quang Sung ngoài tiệm bà Tám còn “mọc” thêm 9 tiệm khác.
Hiện tại tuyến đường này được cho là con đường “bánh mì muối ớt”. Dù có khá nhiều điểm cùng kinh doanh món ăn đặc sản người Khơ-me nhưng khách lúc nào cũng đông đúc, xếp hàng đợi đến lượt mình.
Giá bánh mì hiện tại có giá 8.000-10.000 đồng/ổ. Khi ăn vào có vị béo của mỡ hành, cay nồng của muối ớt và rất đậm vị.
Ngoài ra, theo ghi nhận của phóng viên, ở các con đường Lam Sơn, Minh Phụng (quận 11), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Quang Trung (quận Gò Vấp)… cũng treo khá nhiều bảng hiệu ghi dòng chữ: “Bánh mì muối ớt”.
Anh Nguyễn Văn Tứ (ngụ quận Gò Vấp) kể, sau trào lưu “xoài lắc” ở Sài Gòn xuất hiện thêm món bánh mì vị ớt. Nhìn chung, món ăn này khác hơn so với bánh mì truyền thống, cụ thể là giòn hơn, vị mặn hơn và giá rẻ.
Tuy nhiên, anh Tứ lo ngại: “Việc xuất hiện thêm món ăn mới làm phong phú ẩm thực ở Sài Gòn nhưng tôi sợ người dân đi mua bánh mì chỉ để tò mò, ăn thử cho biết. Điều này sẽ dẫn đến việc nhiều cửa hàng sẽ ế ẩm vì chạy theo… “mốt” ẩm thực”.