Thời gian qua có nhiều khách hàng bức xúc vì cách tính tiền cũng như dịch vụ của loại hình taxi này.
Tính tiền lung tung
Anh T.T.Nguyên làm việc ở trung tâm Q.1 nhưng mỗi tuần có vài ngày phải qua đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) đi học nên thường xuyên sử dụng Uber. “So sánh về giá thì Uber rẻ hơn taxi truyền thống nhưng rẻ hơn phần lớn là nhờ không phải “boa” phần tiền lẻ cho tài xế, vì đa số khách dùng Uber thanh toán qua thẻ tín dụng. Cụ thể, nếu đi taxi truyền thống, giá cho chặng đường này 34.000 - 35.000 đồng, thường là đưa luôn 40.000 đồng. Còn sử dụng Uber giá chỉ 22.000 đồng.
Tuy nhiên, điểm kỳ cục của Uber là khi đã là khách quen thì giá trở nên rất lộn xộn mà khách chỉ nhận biết được nếu đi cùng một quãng đường nhất định và thời gian nhất định. Như tôi, cũng với quãng đường và giờ đó, có khi báo giá lại lên tới 35.000 đồng. Nếu than phiền thì họ trả lại tiền” - anh Nguyên nói.
“Mới đây, tôi đón Uber cho ba mẹ đi từ Bình Thạnh qua Bình Tân dự tiệc. Khi nhận hóa đơn tính tiền ghi quãng đường hơn 18 km với tổng giá tiền 270.000 đồng. Nhưng vì đã đi đoạn đường này rồi nên tôi biết chắc chắn chỉ khoảng 12 km. Khi tôi gửi email phàn nàn Uber đã không tính đúng thì được tính lại là hơn 173.000 đồng, khoản tiền thừa họ trả vào tài khoản thẻ tín dụng của tôi” - anh Nguyên kể thêm.
Một khách hàng trước cũng thường xuyên sử dụng dịch vụ của Uber bức xúc, khi bị khách hàng than phiền dịch vụ thì Uber lập tức đổ thừa do lỗi của tài xế hoặc hệ thống định vị GPS sai. Sau đó thối lại tiền tính bậy và “đóng” luôn trường hợp sai sót đó lại mà không truy tìm nguyên nhân vì sao sai để thỏa mãn khách hàng. "Nhiều lần đi Uber, tôi chuyện trò với tài xế mới phát hiện phần đông họ vào làm được vài ngày, cùng lắm hai tháng và họ luôn than thở, không phải mỗi tháng kiếm 40 triệu đồng như quảng cáo”- vị này nói.
Chị N.T.S, ở Q.10 (TP HCM), thường sử dụng Uber nhận xét: “Tôi nhiều lần bị tính tiền sai. Một lần là gửi hóa đơn tính tiền cho quãng đường mà tôi không đi; hai lần tính phí hủy chuyến… Có nhiều lần hệ thống bị treo phải đặt lệnh yêu cầu xe lại nhưng sau đó tôi nhận tới hai hóa đơn tính tiền”.
Tăng giá gấp đôi giờ cao điểm
Chị Hương, một khách hàng của Uber tại Hà Nội, cho biết: Giá xe Uber thay đổi trong ngày vì chia ra khung giờ cao điểm, ngày mưa hoặc khu vực ít xe Uber. Ví dụ, khách có thể bị nhân giá thêm 2 hoặc 3 lần, thậm chí có lúc lên là 3,7 lần.
“Mọi khi tôi đi thì giá 5.600 đồng/km, nhưng sau đó giá nhân thêm 2 lần, nghĩa là hơn 11.000 đồng. Đại loại là vì đang trong giờ cao điểm. Giá không tăng theo giá ban đầu mà tăng theo giờ đông người” - chị Hương nói. Vì vậy, từ nhà chị Hương đến cơ quan làm việc nếu đi giờ bình thường giá 50.000 đồng, còn nếu giờ cao điểm nhân lên gấp 2, tổng cộng 100.000 đồng cho quãng đường khoảng 7 km.
“Uber nên thông báo cho khách hàng thời gian nào trong ngày là giờ cao điểm, chứ không chỉ hiện thông báo cao điểm khi khách gọi xe. Sau tìm hiểu mới biết là từ 4 giờ đến 8 giờ tối; từ 6 giờ đến 9 giờ sáng ở một số khu vực. Đặc biệt hôm nào trời mưa là tăng giá 3,7 lần” - chị Hương kể thêm. Chính sách tăng giá vào giờ cao điểm cũng được áp dụng tại TP HCM.
Ở Hà Nội, tài xế nhận tiền của Uber rất thấp. Nếu 5.600 đồng/km, thì Uber giữ lại 20% trong tổng số tiền này, còn lại trả cho lái xe. Như vậy, lái xe chỉ còn 3.500 đồng/km.
“Uber tại Hà Nội có chính sách một ngày lái xe phải online 10 tiếng cộng với chạy 10 cuốc xe, nếu đủ sẽ được Uber hỗ trợ 60.000 đồng. Chính sách này nảy sinh ra một vấn đề rất “củ chuối” là lái xe chỉ muốn đi cuốc ngắn thôi. Chẳng hạn khách lên xe đi 100 m rồi xuống thì tài xế rất mừng vì tài xế được bù lỗ.
Thứ hai, nếu vào giờ cao điểm, tắc đường nhiều, tài xế sẽ chạy càng gần càng tốt hoặc đi trốn, chạy ra vùng nào khó gọi xe để đảm bảo mỗi ngày online 10 tiếng và chạy đủ 10 cuốc rồi không chạy nữa. Vì vậy đừng sốc nếu khách đến Hà Nội gọi xe Uber, hỏi đi xa thì tài xế rất ghét” - chị Hương nhấn mạnh.
“Nếu không có chính sách ổn định, tài xế sẽ không tâm huyết với nghề. Có lúc tôi gọi Uber, tài xế gọi lại hỏi đi đâu, tôi nói đi Mỹ Đình, tài xế lập tức trả lời đi không thuận đường, khách hủy giúp và gọi xe khác. Nhưng thực tế là tôi biết thừa họ từ chối khéo vì quãng đường quá xa, không lợi cho họ”.
Uber chưa đóng thuế
Theo tin từ Sở GTVT TP HCM, TP đang có khoảng 4.000 ô tô sử dụng phần mềm Uber để kinh doanh chở khách, mỗi ngày chuyển về công ty quản lý tại Hà Lan khoảng 1 tỉ đồng (trích từ 20% doanh thu của xe gắn phần mềm Uber). Đến nay Uber vẫn không đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi tại TP, còn Công ty Uber VN chỉ đăng ký hoạt động tư vấn, tiếp thị cho ô tô hoạt động Uber.
Theo Phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP, hoạt động của Uber không báo cáo với Sở GTVT, không đăng ký hoạt động vận tải nên Sở không nắm được. Còn Cục Thuế TP cho biết hoạt động của taxi Uber đến nay vẫn chưa đóng thuế cho TP. Sở Kế hoạch - Đầu tư, Cục Thuế TP đang tổng hợp các kiến nghị gửi Sở GTVT để báo cáo UBND TP. Thời gian qua Thanh tra GTVT đã lập biên bản xử phạt gần 200 ô tô gắn phần mềm Uber hoạt động như taxi nhưng không có giấy phép kinh doanh, không biển hiệu, bộ đàm, phù hiệu...