Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp, hay còn gọi thịt hun khói là món ăn đặc trưng, thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen ở Sơn La và người dân một số tỉnh phía Bắc như Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái… Chị Hương Ly, quê Sơn La, hiện đang sống tại Hà Nội, hiện đang có trang “đặc sản Tây Bắc” trên mạng xã hội Facebook, cho biết nguyên liệu chọn làm thịt trâu gác bếp phải là thịt trâu được nuôi thả tại Sơn La.
Những mảng thịt thăn, bắp trâu được cắt ra thành từng miếng hình con chì, sau đó thái dọc thớ, ướp ớt, muối, gừng, nước lá rừng và đặc biệt là ướp mắc khén (một loại hạt tiêu rừng, đặc sản của vùng Tây Bắc) và treo lên gác bếp, hun bằng khói của than củi từ cây rừng.
Thịt trâu gác bếp, một loại thực phẩm ngon từ người Thái ở vùng Tây Bắc
Thịt trâu sau khoảng hai tuần đến hai tháng liền gác trên bếp thì ám khói đen và khô lại, thấm gia vị vào trong. Khi ăn, chấm cùng chẳm chéo (một loại gia vị), cảm nhận rõ ràng vị đặc trưng của thịt trâu bùi bùi, ngọt lịm hòa quyện cùng vị cay của mắc khén.
Chị Ly cũng cho biết ngoài thịt trâu, người Sơn La nói riêng và một số vùng ở Tây Bắc nói chung còn làm thịt bò gác bếp, heo gác bếp. Quy trình chế biến cũng tương tự như làm trâu gác bếp.
Thịt trâu-bò gác bếp được rao bán với giá từ 800.000 đồng/kg trở lên, lợn bản gác bếp từ 500.000 đồng/kg trở lên. Mắc khén khô giá 250.000 đồng/kg. Tất cả đều được bán qua mạng với chi phí giao hàng thỏa thuận nếu người mua và người bán ở cách xa nhau.
Bò cỏ và heo tộc một nắng
Món bò cỏ một nắng được quảng cáo trên mạng. Ảnh: dacsan88.com
Với các tỉnh khu vực miền Trung, bò cỏ và heo tộc một nắng được xem là đặc sản. Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hà Trung (Phú Yên), đơn vị cung cấp đặc sản bò một nắng hai sương, nai một nắng cho thị trường cả nước, cho biết món bò một nắng hai sương có nguồn gốc từ thị trấn Củng Sơn nằm trên cao nguyên Sơn Hòa, thuộc tỉnh Phú Yên.
Để làm được món này, trước hết phải chọn loại bò vàng tơ, được chăn thả tự nhiên. Tính trung bình, để có được 1 kg thịt bò một nắng hai sương thành phẩm phải cần đến 1,7 kg nguyên liệu thịt bò tươi được chọn lọc kỹ càng. Thịt được sơ chế kỹ, thái thành từng miếng, ướp với muối, đường, bột ngọt, ớt hiểm rồi đem phơi hoặc sấy trên than hồng. Nếu trời tốt nắng chỉ phơi một nắng, nếu nắng yếu hoặc mưa có thể dùng lò than để sấy.
Theo chị Hà, sau khi xử lý, thịt đã có độ chín gần 60%. Sau khi phơi sấy loại bỏ lượng nước có trong thịt, phần thịt thăn còn lại sẽ se khô, có độ ngọt tự nhiên và hương vị đặc trưng của thịt.
Ngoài bò cỏ thì heo tộc, nai một nắng cũng là món ăn, quà biếu ngày tết đặc sắc, hấp dẫn. Theo chị Hà muối kiến vàng là một loại gia vị không thể thiếu đi kèm các món trên. Kiến vàng sau khi bắt được trong rừng, người dân sẽ rang sơ kiến trên chảo nóng rồi loại bỏ phần rác (nếu có). Sau đó cho thêm gia vị như muối, ớt và một loại lá rừng đặc biệt có tên gọi là “lá then len” vào cối và giã nhuyễn.
Giá bán của bò cỏ một nắng từ 560.000 đồng/kg trở lên, ba rọi heo tộc một nắng 300.000 đồng/kg trở lên, nạc heo tộc một nắng 330.000 đồng/kg trở lên, nai một nắng 580.000 đồng/kg trở lên. Muối trứng kiến vàng giá 30.000 đồng/hũ 200 g.
Cá kho làng Vũ Đại
“Cá kho làng Vũ Đại” tại cơ sở sản xuất Dasavina, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ảnh do doanh nghiệp cung cấp
Món cá kho làng Vũ Đại – ngôi làng nổi tiếng trong truyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao hiện nay đã không còn xa lạ với người tiêu dùng ở TP HCM. Cá kho làng Vũ Đại không chỉ được bà nội trợ mua, sử dụng mà còn dùng làm quà biếu.
Theo một số chủ cơ sở tại làng Đại Hoàng (còn gọi làng Vũ Đại, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam), muốn làm cá kho ngon phải chọn loại cá trắm đen trên 3 kg, chỉ lấy khúc giữa. Niêu dùng để kho cá phải là niêu đất lấy từ Nghệ An.
Niêu đất để chống được sức nóng người nấu sẽ lót một lớp giềng nát ở bên dưới để cá không bị cháy, rồi đến sườn lợn và cá. Trên cùng là lớp giềng, gừng, hành khô giã nhỏ. Thời gian kho cá kéo dài trong khoảng 14-16 giờ. Khúc cá sau khi kho xong có màu nâu sẫm, thơm phức, thịt ngọt, ăn được cả phần xương mềm.
Tại TP HCM, cá kho làng Vũ Đại là loại có trọng lượng 1,5-5 kg, giá từ 600.000 đồng đến 1,3 triệu đồng/niêu, bao gồm cả chi phí vận chuyển bằng đường hàng không.
Pate nhum
Gần đây một số nhà hàng tại TP HCM đã giới thiệu tới người tiêu dùng một món ăn, đồng thời làm quà tặng độc đáo đó là món pate nhum. Pate nhum được chế biến từ những con nhum (cầu gai) tươi sống dưới biển sâu pha trộn với bơ Pháp, rượu Cognac, tạo ra một món ăn có hương vị lạ. Món pate được sử dụng ăn kèm với bánh mì nóng.
Giá bán khoảng 150.000 đồng/hộp 120 g. Pate nhum trứng cá giá 185.000 đồng/hộp 120 g.