Chị Thanh cho biết hoa quả, thực phẩm nhập ngoại cũng mùa nào thức ấy như hàng trong nước. Tuy giá đắt đỏ, song "đắt xắt ra miếng", không hẳn mẫu mã đẹp, ngon hơn hàng nội mà quan trọng là chị tin hàng nhập đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
"Bây giờ ăn gì cũng sợ! Có lần, mua rau ngoài chợ Dịch Vọng, luộc lên nước xanh rì, lại có mùi hôi, tôi sợ quá đem đổ bỏ chứ không dám ăn" - chị cho hay.
Nhiều gia đình có điều kiện chuyển sang mua thực phẩm nhập ngoại vì tin an toàn hơn nhiều mặt hàng trong nước. Ảnh: Ngọc Lan.
Cũng chung nỗi lo trên, chị Minh Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã thay thế dần thực phẩm trong nước sang đồ ngoại nhập trong bữa cơm gia đình. Những loại thực phẩm phổ biến như cá ngừ, cá hồi, thịt bò Úc, đùi gà trống Mỹ.... được mua từ hàng đông lạnh ở siêu thị.
Với mâm cơm được chế biến từ nguyên liệu ngoại, chị Nguyệt cho rằng nếu biết cách lựa món sẽ không đắt. Bởi phần một số mặt hàng còn rẻ hơn trong nước.
Đơn cử như thịt gà trống Mỹ giá chỉ 60.000 đồng/kg, trong khi hàng trong nước là 120.000 đồng. Sườn, gầu bò Úc được bán với giá 460.000-550.000 đồng/kg, chỉ cao hơn sườn bò nội khoảng 120.000 đồng/kg. Thịt ba rọi Mỹ 120.000 đồng/kg, rẻ hơn hàng trong nước tới 60.000 đồng....
Ngoài ra, lý do chị lựa chọn thực phẩm ngoại bởi chị tin công nghệ hiện đại, việc bảo quản sẽ chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, khi được nhập về Việt Nam thì chúng đã qua nhiều khâu kiểm duyệt. Điều này khiến những người tiêu dùng khó tính yên tâm lựa chọn hàng ngoại thay vì hàng trôi nổi trên thị trường.
Theo chị Nguyệt, đắt nhất là hoa quả và rau nhập ngoại. Các loại này luôn có giá cao hơn nhiều so với trong nước. Đây chính là khoản chi đáng kể cho bữa ăn hàng ngày.
Hoa quả ngoại có giá bạc triệu mỗi kg vẫn được nhiều gia đình Việt tìm mua, với lý do yên tâm về chất lượng. Ảnh: N.L.
Đơn cử như một hộp 125 g việt quất có giá 50.000-250.000 đồng (tương đương 1-2 triệu đồng/kg). Cherry, lê Hàn Quốc, táo đỏ Mỹ, dâu tây Úc… cũng lên tới vài trăm nghìn/kg. Thậm chí, có loại quả giá tới 2 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, theo chị, chăm sóc sức khỏe an toàn là bài toán kinh tế lâu dài.
Anh Nguyễn Quang Tiếp, Quản lý bán hàng Công ty TNHH Thiên Anh Minh (phân phối hoa quả nhập ngoại ở Hà Nội), cho biết mấy năm gần đây, nhu cầu khách hàng lựa chọn sản phẩm ngoại tăng lên đột biến. Ước tính sản lượng hoa quả nhập khẩu trong năm 2015 đã gấp 2 lần so với các năm trước.
Đáng chú ý là trong 5 năm qua, giá hoa quả ngoại chỉ ngang bằng, thậm chí ngày càng rẻ hơn. Một số mặt hàng như táo, nho Mỹ có thể nhập về theo đường biển (trước đó là đường bay) nên giá rẻ hơn khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Những loại còn lại như việt quất, mận, cam vàng Mỹ, cherry... giữ nguyên giá.
Anh Tiếp cho rằng quy trình, mô hình trồng và cách sản xuất của nước ngoài tân tiến hơn Việt Nam. Hoa quả nhập từ nước ngoài về có các giấy chứng nhận, cấp phép, nơi cung cấp và kiểm dịch rõ ràng.
Không tin hoàn toàn vào thực phẩm nhập ngoại, anh Thành Tâm (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng chưa chắc những sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về đã sạch. Bởi đã có nhiều thông tin từ những vụ thực phẩm ngoại nhiễm bẩn khiến người tiêu dùng hoang mang, như gà Mỹ trong vùng dịch, táo Mỹ nhiễm khuẩn, sữa Trung Quốc chứa melamine, lạc nhân Ấn Độ nhiễm mọt....
Theo anh Tâm, hiện tại thực phẩm ngoại có 3 loại. Thứ nhất là hàng đông lạnh nhập bán trực tiếp về Việt Nam. Loại 2 là nhập nguyên con từ nước ngoài, sau đó giết mổ. Cuối cùng là chăn nuôi theo chuẩn của nước ngoài. Người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, tem, nhãn dán, bao bì, hạn sử dụng... rõ ràng.