Thế nhưng, cái lệ năm nay đã khác khi nhiều công ty, cửa hàng công khai việc đẩy hàng tồn để tranh thủ bán hàng.
Trong “trận địa” bung hàng tồn kho ấy, dễ nhận thấy hàng nội giá vừa và rẻ được lựa chọn nhiều hơn cả. Chị Hương vừa dọn về chung cư Tecco (quận Thủ Đức, TP HCM) bày tỏ quan điểm: “Bếp và toilet thì dùng hàng ngoại, còn bộ sofa, giường, tủ đều là đồ sản xuất tại Việt Nam. Chả dại gì đi mua hàng ngoại bị cõng theo hàng loạt chi phí, mà cũng không đẹp hơn đồ Việt Nam. Chẳng hạn, cũng là bộ sofa mua 19 triệu đồng, thì hàng nội đẹp hơn nhiều”.
Không ngại chi phí nhưng anh Hoàng ấm ức mãi khi nói về bộ giường tủ là hàng nhập khẩu từ Hồng Kông. Bộ giường này anh mua với giá gần 30 triệu đồng nhưng được người em họ cho biết: “Hàng này làm ở xưởng dưới quận Bình Tân, anh ra hỏi lại chủ cửa hàng xem”.
Bán tin bán nghi, khách hàng này ra hỏi thì được nhân viên trả lời: “Lô hàng của anh mua bọn em nhập đã mấy tháng, hàng bán chạy, nên bán hết rồi, giấy tờ đã quyết toán xong. Nhân viên bọn em chỉ biết bán hàng, còn giấy tờ sao biết được…”. Tiếc của lại bị chị vợ cạnh khóe: “ừ thì Hồng Kông bên hông Chợ Lớn chứ sao”, nên anh Hoàng trở thành người “bài trừ hàng ngoại” đến cùng khi tiếp tục đi mua nội thất căn hộ của mình.
Bán hàng theo vị trí trưng bày là điều mà nhiều khách hàng tại TP HCM luôn phàn nàn. Đơn cử như cùng một bộ sản phẩm nhập ngoại thì tại 3 showroom nằm ở 3 quận của TP HCM lại có mức giá khác nhau. Thường thì các showroom tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng có giá rất cao nhưng hàng hóa không mấy đa dạng về mẫu mã.
Ngoài việc chênh giá, người mua sẽ khó phân biệt được xuất xứ của hàng hóa. Chẳng hạn như bộ sofa được giới thiệu là da bò được nhập từ Ý tại một trung tâm thương mại ở quận 1 có giá 287 triệu đồng thì một bộ tương tự tại quận 10 chỉ có giá 98 triệu đồng.
Ba Thi - một tay “săn đồ” cao cấp cho biết: “Bộ sofa ở Vincom mới là hàng nhập từ Ý, còn ở quận 10 là từ Malaysia. Phải xem kỹ mới biết được. Cũng là da bò nhưng độ thuộc da khác nhau, rồi các khớp nối thể hiện độ tinh xảo…”. Chỉ có điều, những khác biết tinh tế ấy chỉ rất ít người nhận ra và phần đông khách hàng... chọn đồ rẻ với mẫu mã tương đương.
Đó là hàng cao cấp, còn với những mặt hàng có giá từ 3 - 20 triệu đồng hoặc cao hơn một chút được giới thiệu nhập khẩu từ Đài Loan, Hồng Kông nhưng thực ra là hàng Trung Quốc đại lục tràn ngập thị trường. Đó cũng là lý do nhiều khách hàng chọn hàng Việt Nam.
Hàng nhập giá đắt hơn hàng Việt, dù đã khuyến mại khủng. Đơn cử như bộ sofa của Sofa Cozy khuyến mại 40% vẫn có giá gần 17 triệu đồng, tương đương bộ sofa của BMD chưa có khuyến mại. Mặt bằng thị trường cho thấy, BMD có giá cả phải chăng, vừa túi tiền, mẫu mã vẫn đảm bảo được độ sang trọng nhất định, nên nhiều khách hàng lựa chọn sản phẩm của BMD cho ngôi nhà của mình.
Khuyến mãi, đẩy hàng tồn là thông tin ngập tràn từ showroom đến các trang mạng, với mức chiết khấu từ 10 - 90%, nhưng điều mà khách hàng quan tâm không phải khuyến mãi khủng, mà là đồng tiền bỏ ra có tương xứng với món đồ được mua hay không. Trong khi đó, khuyến mãi khủng thường rơi vào hàng nhập khẩu, nên khách hàng đặt câu hỏi, nếu chất lượng tốt, giá cả hợp lý thì sao ế ẩm đến mức phải bán tháo bằng mọi giá?
Trả lời về nghi ngờ này, bà Phạm Thị Phương Liên, Phó giám đốc Công ty Thanh Dũng Furniture, cho biết đối với hàng nhập, để lâu không bán được sẽ chiếm diện tích trưng bày, nên bán lỗ để giải phóng hàng tồn là chuyện rất bình thường. Mấy năm trở lại đây, xu hướng dùng hàng nội của khách tăng lên, nên Công ty tập trung sản xuất để bán hàng.
"Với những công ty chuyên bán hàng trong nước vẫn nhập một ít hàng ngoại về để khách tiện so sánh. Chúng tôi cũng tùy từng đợt, có những đợt mặt hàng bán chạy lại khuyến mãi lớn để kích cầu" - bà Liên cho biết.