Nhờ vẻ ngoài bắt mắt, phần nhiều lại là những loại không có ở Việt Nam, những năm gần đây, trái cây nhập khẩu ngày càng được ưa chuộng. Các cửa hàng, siêu thị trái cây ngoại cũng theo đó mà mọc lên như nấm.
Chỉ cần vài phút tìm kiếm các địa điểm bán trái cây nhập khẩu, có thể ra hàng loạt cửa hàng, siêu thị, như Siêu thị thế giới hàng Mỹ, Siêu thị US mart hay công ty chuyên cung cấp trái cây nhập khẩu, các trang bán hàng online và tại các chợ cũng bày bán.
Giá càng cao càng được ưa chuộng
Tại các siêu thị lớn như Lotte mart, Big C hay Citimart bày bán rất nhiều trái cây nhập khẩu, có thời điểm số lượng áp đảo trái cây trong nước. Không chỉ siêu thị hay những nơi chuyên bán hàng nhập, mà tại cửa hàng chuyên cung cấp thực phẩm thông thường cũng quảng cáo bán nhiều trái cây nhập.
Tại một cửa hàng chuyên bán rau củ Đà Lạt trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, trái cây Đà Lạt chỉ có bơ, chanh dây, còn lại tất cả đều là hàng nhập như cherry, nho Mỹ, táo New Zealand, táo Mỹ...
Giá trái cây nhập khẩu cùng loại tại các siêu thị cũng chênh nhau từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Một số loại được nhập nhiều như kiwi New Zealand ruột xanh hiện có giá 69.000 đồng/kg, ruột vàng giá khoảng 140.000 đồng/kg, lê Nam Phi khoảng 70.000 đồng/kg, táo Envy có giá 170.000 -200.000 đồng/kg, táo Fuji New Zealand giá 87.500 đồng/kg... So với giá cùng loại trong nước, giá trái cây nhập cao hơn gấp nhiều lần. Như nho đen không hạt Mỹ 247.500 đồng/kg, nho xanh không hạt Mỹ 176.900 đồng/kg.
Trong khi đó, giá nho đỏ Ninh Thuận hiện là 43.800 đồng/kg, nho xanh Phan Rang giá 60.000 đồng/kg. Hay cam Mỹ là 64.900 đồng/kg, quýt Mỹ là 137.500 đồng/kg, còn cam sành Việt Nam 44.500 đồng và quýt loại 1 giá 75.000 đồng/kg. Dù giá cao hơn 2-3 lần trái cây nội, trái cây nhập khẩu vẫn rất được ưa chuộng.
Nhân viên siêu thị Citimart cho biết tùy nhu cầu tiêu dùng từng người nhưng trước đây khách mua trái cây nhập khẩu thường tập trung vào những người có điều kiện, thu nhập cao, gần đây khách mua mở rộng hơn nên lượng bán ra cũng tăng vọt. Chị Trâm, nhà ở quận 2, cho biết chị chỉ mua trái cây nhập khẩu cho gia đình ăn, trái cây Mỹ được đặc biệt ưu tiên. Cầm trái táo Mỹ trên tay, chị nói những trái búng nghe tiếng chắc tai thì ngon và không bị xốp. "Trái cây Mỹ luôn có giá cao nhưng đảm bảo, người mua cần phải cảnh giác, nói không với những loại dán mác Mỹ nhưng giá rẻ. Đây có thể là hàng nhái, hàng kém chất lượng" - chị Trâm cho biết.
Chị cũng khẳng định mình rất tin tưởng vào quy trình chọn lọc trái cây nhập khẩu. Bởi theo chị, nếu không an toàn, chất lượng không đảm bào thì không thể qua được các cửa khẩu. Về cách bảo quản, chị Trâm cho rằng, mình chỉ bảo quản lạnh như những trái cây khác.
Nhắm mắt chi tiền, không biết chất lượng
Theo các đầu mối kinh doanh trái cây nhập khẩu, nếu nhập từ Mỹ thì sẽ mất 2-3 ngày theo đường hàng không, một số loại nhập theo đường biển mất hơn 30 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc các loại trái cây này được bảo quản trong khoảng thời gian rất dài sau thu hoạch, không còn tươi, mới.
Cô Mai, quận Phú Nhuận, cho biết: “Trước đây, cô thường mua trái cây ở chợ. Gần đây, tràn lan thông tin trái cây Trung Quốc chưa chất bảo quản, cô chuyển sang mua trái cây nhập khẩu tại các siêu thị, cửa hàng quen. Giá trái cây này có cao hơn nhưng mua trong siêu thị đảm bảo hơn nên mua thôi".
Mỗi tuần, gia đình cô Mai mua hết khoảng 2 triệu đồng tiền trái cây nhập, tuy nhiên, khi hỏi có quan tâm đến chất lượng, thời gian lưu giữ loại này thì cô khẳng định hoàn toàn không biết, chỉ căn cứ vào nhãn dán, thông tin bên ngoài.
Đánh vào tâm lý của người Việt, cứ hàng đắt tiền là hàng “xịn”, nhiều người bán tự nâng giá các loại trái cây gắn mác nhập khẩu lên cao. Tại chợ Tân Định, cherry bán với giá 480.000 đồng, có hàng bán giá lên tới 600.000 đồng, cao hơn một số của hàng chuyên phân phối trái cây nhập đến hơn 100.000 đồng/kg.
Theo anh Tuấn, nhân viên Công ty Việt Phan, chuyên phân phối trái cây nhập khẩu, người tiêu dùng rất khó phân biệt giữa trái cây nhập và trái cây khác cùng loại khi nhìn bằng mắt. Chủ yếu dựa vào mùa vụ để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Anh Tuấn cho biết mỗi loại trái cây của các nước cũng có mùa vụ nhất định. Trái cây dán nhãn hàng nhập nhưng bán ngoài mùa vụ là hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng cần nhớ cherry Mỹ có từ tháng 5 đến cuối tháng 8, cherry Úc khoảng tháng 11- 12. Kiwi New Zealand vào mùa là từ tháng 6 đến tháng 9, với nho Mỹ tháng 10 và tháng 12.
Cũng theo anh Tuấn, trái cây nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là Mỹ phải giữ lạnh, tránh gió trực tiếp từ máy lạnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng vì trái cây rất dễ hư. Các loại như cherry và nho phải bảo quản ở nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C; hay táo từ 2 đến 6 độ C. Các loại này nếu bày bán bên ngoài, không đảm bảo nhiệt độ quy định mà vẫn tươi ngon thì chắc chắn không phải hàng xịn.
"Người tiêu dùng nên chọn cửa hàng uy tín, có chứng chỉ kiểm dịch để mua, và cũng nên mua ăn đúng mua nào thức ấy" - anh Tuấn chia sẻ.
Với nhiều người dù có điều kiện kinh tế nhưng vẫn chỉ tin tưởng trái cây nội theo kiểu mùa nào thức ấy. Chị Hương, ở quận Bình Thạnh, cho biết chị ít khi mua trái cây ngoại cho gia đình ăn, chủ yếu ăn các loại trong nước.
“Trái cây nhập khẩu đến Việt Nam có loại mất cả tháng, thời gian lâu vậy chất dinh dưỡng không còn nhiều, chất lượng không đảm bảo, chưa kể phải sử dụng chất bảo quản. Hàng Việt Nam đa dạng, ngày càng có nhiều loại sạch, chất lượng đảm bảo, giá lại phải chăng. Cứ đến mùa sầu riêng chính vụ thì ăn sầu riêng, mùa măng cụt thì ăn măng cụt, chuối, cam, bưởi thì có quanh năm, không có lý do gì chi tiền triệu mua hàng ngoại mà mù mờ chất lượng" - chị Hương nói.