Tình trạng tiểu thương nhập khoai Trung Quốc về Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt rồi “phù phép”, biến khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt đã tồn tại nhiều năm qua. Hằng năm, cứ vào tháng 7 đến hết tháng 11, Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt lại “nóng lên” bởi hàng nghìn tấn khoai tây Trung Quốc được nhập về đây. Sau vài công đoạn “sơ chế” của tiểu thương, nông sản này đã giống y khoai tây Đà Lạt, rồi từ đây đưa đi tiêu thụ nhiều nơi dưới mác khoai tây Đà Lạt. Chính quyền địa phương loay hoay tìm giải pháp ngăn chặn hành vi gian lận này nhưng bất thành.
Ngày 20-10, 24 tiểu thương đang kinh doanh khoai tây tại Chợ đầu mối nông sản Đà Lạt nhận được tin cấm không được đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ này. Bị phản ứng vì ra “lệnh” quá đột ngột, Đà Lạt dời hạn cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản kể ngày 1-11.
Như vậy, mục đích lệnh cấm trên là ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng và thương hiệu khoai tây Đà Lạt.
Tuy nhiên, một cán bộ quản lý về kinh tế ở Đà Lạt nay đã nghỉ hưu cho rằng lệnh cấm đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ nông sản Đà Lạt của chính quyền địa phương thực chất chỉ có tính đối phó, tạm thời và không thể hiện được tầm nhìn lâu dài. Bởi cấm trong chợ thì tiểu thương lại ra ngoài làm. “Tiểu thương có đầy đủ các giấy tờ hợp pháp thì không thể cấm họ kinh doanh khoai tây Trung Quốc được. Nếu vẫn giữ cách quản lý như trước đây thì hành vì gian lận thương mại chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra” - vị này nhận xét.
Còn khi khoai tây Trung Quốc tập trung vào chợ sẽ tạo nhiều điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được về mặt chất lượng, thuế má, vệ sinh môi trường, hóa đơn chứng từ… Tiểu thương kéo ra ngoài sẽ khó có thể kiểm soát chặt chẽ những vấn đề trên. “Do đó, thay vì cấm, chính quyền Đà Lạt cần có những chế tài cụ thể, phân biệt rạch ròi khoai tây Trung Quốc và khoai tây Đà Lạt, làm sao người bán phải cho người mua biết rõ nguồn gốc để họ tự lựa chọn” - vị này đề xuất thêm.
Trong khi chờ Chủ tịch UBND TP Đà Lạt trả lời khiếu nại, hàng chục tiểu thương tại Chợ nông sản Đà Lạt đã rục rịch đánh tiếng sẽ trả quầy sạp trong chợ chuyển ra ngoài để tiếp tục kinh doanh khoai tây Trung Quốc. Họ không thể dừng công việc làm ăn của mình khi đã có hợp đồng với các đối tác. Một số tiểu thương đang kinh doanh khoai tây tại chợ này còn nói sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng bắt quả tang để xử lý những người có hành vi nhuộm đất đỏ vào khoai Trung Quốc cho giống với khoai tây Đà Lạt để tránh tình trạng bị “vơ đũa cả nắm”.
Bà Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương của chợ này còn “hiến kế” cho chính quyền cách quản lý khoai tây Trung Quốc có tính triệt để. “Thay vì “lùa” khoai tây Trung Quốc ra khỏi chợ thì thành phố nên quy định ngoài việc cấm nhuộm đất đỏ cho khoai tây Trung Quốc còn yêu cầu các tiểu thương phải đóng khoai vào bao bì, ghi rõ nguồn gốc xuất xứ là “khoai tây Trung Quốc”, tên quầy, địa chỉ cụ thể, thay cho những bao lưới không ghi gì như hiện nay. Tại các điểm bán khoai tây Trung Quốc nhỏ lẻ, và ở các chợ đều phải cắm lên đó một bảng có chữ “khoai tây Trung Quốc” để người tiêu dùng biết. Nếu các tiểu thương không thực hiện, căn cứ vào đó để xử lý nghiêm” - bà Vân nói.
Hiện khoai tây Đà Lạt chỉ cung cấp cho thị trường khoảng 6 tháng trong năm, từ tháng 12 đến khoảng tháng 6 năm sau. Theo Chi Cục bảo vệ thực vật Lâm Đồng, trong 3 tháng gần đây, các tiểu thương đã nhập về chợ nông sản Đà Lạt trên 1.000 tấn khoai tây Trung Quốc.