Tính ra, số tiền mua một trái dừa ở thành phố có thể bằng 1 kg tôm sú loại ngon, hoặc 20 kg gạo thường! Một số nông dân sợ bị ép giá, đã bán dừa sang Campuchia để có giá tốt hơn.
Giá thành phố gấp ba lần giá vườn
Một hộ nông dân bên cây dừa sáp của mình.
Một trái dừa sáp ở tỉnh Trà Vinh hiện có giá bằng 10-16 trái dừa khô loại thường, nhưng khi qua tay các đầu mối bán lẻ ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ…, thì giá bị đẩy lên bằng 45-50 trái dừa khô.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Trần Châu Lũy, ngụ tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh – một hộ nông dân có 0,4 ha đất trồng dừa sáp, cho biết hiện dừa sáp loại 1 (có sáp đặc đầy, chiếm gần như toàn bộ phần ruột của trái dừa) được thương lái mua tại vườn với giá 80.000-90.000 đồng/trái; dừa sáp loại 2 (có sáp ít hơn so với loại 1) có giá bán khoảng 50.000-60.000 đồng/trái.
Còn theo bà Kim Thị Dương ở thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, dừa sáp loại 1 tại địa phương hiện có giá 80.000 đồng/trái và loại 2 khoảng 50.000 đồng/trái. Theo tính toán của bà Dương, so với giá dừa khô loại thường hiện được thương lái mua vào là 5.000 đồng/trái, thì một trái dừa sáp loại 1 có giá trị cao hơn khoảng 15-16 lần.
Tuy nhiên, khi qua tay các đơn vị chuyên bán lẻ dừa sáp, thì mức giá của loại sản phẩm này tăng lên gấp đôi, thậm chí gần gấp ba lần so với giá gốc. Nói cách khác họ mua của nông dân một, nhưng bán cho người tiêu dùng với giá cao gấp hai, thậm chí là ba lần.
Theo đại diện một trang web chuyên bán hàng đặc sản qua mạng, tại thị trường TP HCM, Hà Nội, Cần Thơ, dừa sáp loại 1 hiện có giá 250.000 đồng/trái và loại 2 là 220.000 đồng/trái. Lý giải về giá cao khá nhiều so với giá gốc, người này cho rằng do sản phẩm phải được tuyển chọn rất kỹ và trực tiếp từ huyện Cầu Kè – vùng chuyên trồng dừa sáp của Trà Vinh – với chất lượng cao nhất, giao hàng tận nơi, cho nên có giá bán như vậy là hợp lý. “Chúng tôi sẽ hoàn tiền 100%, nếu khách hàng nào không hài lòng với chất lượng sản phẩm” - vị đại diện của trang web bán dừa trên khẳng định.
Để tránh bị ép giá, một số nông dân ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh đã bán sản phẩm sang Campuchia với mức giá cao hơn. Cụ thể, theo bà Dương, bằng cách gửi theo xe khách, mỗi trái dừa sáp bán cho bạn hàng ở Campuchia có giá 200.000 đồng. “Ngày 17-11, tôi mới gửi 32 trái qua Campuchia với giá 200.000 đồng/trái, nhưng họ cũng không đặt hàng thường xuyên lắm” - bà Dương cho biết.
Không dễ có dừa sáp
Dù dừa sáp giá cao nhưng giá cây giống chỉ có 30.000-35.000 đồng/cây, tức giá trị chỉ tương đương khoảng 6-7 trái dừa khô loại thường.
Lý giải về vấn đề này, theo bà Dương, có tiếng là cây dừa sáp, nhưng không phải cây nào hoặc buồng nào cũng cho toàn bộ trái có sáp, một cây chỉ có được một, hai hoặc ba trái sáp, thậm chí có cây không có trái sáp nào, vì vậy giá cây giống mới rẻ.
Trong khi đó, ông Lũy cho biết khi chọn làm giống thì chọn trái không có sáp trên cùng một buồng dừa gồm nhiều trái có sáp. “Trong trường hợp nếu không chọn để làm giống, thì trái dừa trên cây dừa sáp cũng có thể bán như dừa khô loại thường với giá 5.000 đồng/trái” - ông giải thích.
Theo ông Lũy, tuy có giá cao hơn gấp cả chục lần so với dừa loại thường, nhưng trồng dừa sáp cũng không phải “dễ ăn”, bởi việc dừa cho trái có sáp hay không có sáp là hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên và loại dừa này hầu như chỉ thích hợp để trồng ở vùng đất của huyện Cầu Kè, rất khó nhân rộng.
“Tôi có bốn công (0,4 ha) dừa sáp, nhưng không khi nào thu hoạch được quá 10 trái có sáp một lần (bình quân khoảng 1,5-2 tháng thu hoạch một lần)” - ông nói.
Tuy nhiên, ông Trương Thanh Đệ, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, Trà Vinh, cho biết hiệu quả trồng dừa sáp của địa phương vẫn cao hơn hẳn so với các giống dừa thông thường khác, bởi với những trái dừa không có sáp, vẫn có thể bán được ngang bằng với giá dừa loại thường.
Kinh nghiệm nhận biết dừa có sáp nhiều hay ít
Theo ông Trần Châu Lũy, một hộ nông dân trồng dừa sáp, ngụ xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh, khi nhìn bên ngoài trái dừa, không thể phân biệt được trái dừa nào có sáp hay không có sáp, mà chỉ có thể phân biệt bằng cách lắc trái dừa khi trái đã khô. Ví dụ, khi lắc trái dừa có sáp nhiều, chiếm đầy gần như toàn bộ phần ruột bên trong và nước kẹo lại, sẽ không có nghe được tiếng “óc ách” như trái dừa khô loại thường.
Theo ước tính của ông Đệ, hiện toàn huyện có khoảng 32.000 cây dừa sáp, trong đó có khoảng 24.000 cây đang cho trái và lượng trái dừa có sáp chiếm khoảng 30-40% số trái mỗi cây. “Bình quân, mỗi cây sẽ mang lại cho nông dân mức thu nhập khoảng 1 triệu đồng/năm” - ông cho biết.
Dừa sáp có mặt tại xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh vào những năm 1960. Trái dừa sáp giống như trái dừa bình thường, nhưng cơm dừa rất dày, có khi phần cơm dừa chiếm gần hết phần ruột của trái dừa, phần còn lại là nước dừa nhưng sệt lại giống như keo. Cơm dừa sáp mềm, dẻo và thơm. Dừa sáp được dùng để chế biến nhiều loại thức uống rất ngon và bổ dưỡng.