Họ là những người bận rộn, không có thời gian đến chợ. Nhưng điều quan trọng hơn hết, đi chợ đặc sản trên mạng sẽ không bị phân tâm về những món đặc sản cũng như không bị hét giá, hàng hoá ngon vì có nhiều người dùng chia sẻ kiến thức…
Phương thức bán hàng qua mạng hiện tồn tại hai hình thức cơ bản: website và mạng xã hội (phổ biến nhất là Facebook).
Hình thức website dành cho những cửa hàng bán hàng mang tính chuyên nghiệp hơn. Ngoài việc bán hàng tại những cửa hàng cố định, họ có thêm hình thức website để dành cho những khách hàng không có thời gian và điều kiện đến mua hàng trực tiếp.
Bà Hạnh, chủ cửa hàng đặc sản Vùng Đất Nắng Phan Rang (22/22 Ngô Đức Kế, Bình Thạnh) xác nhận, dù lượng hàng bán qua online của cửa hàng còn ít so với khách mua trực tiếp nhưng xu hướng mua hàng online ngày càng tăng.
Theo bà Hạnh, gần đây, có ngày giao gần 70 đơn hàng cho khách đặt hàng qua website hoặc qua điện thoại. Gần đây, khi Facebook phát triển, không chỉ là nơi “tám” với bạn bè, còn là công cụ để bán hàng, trong đó có những món đặc sản, mà chủ trang Facebook cá nhân có điều kiện mua (hoặc tự làm) được.
Quá dễ!
Bà N.H., quê Đà Nẵng hiện đang làm việc ở Sài Gòn. Ban đầu, bà H., chỉ mua giùm những món đặc sản xứ Đà Nẵng cho mấy người bạn trong cùng cơ quan như: chả bò, tôm khô, mực khô, tré… Đặc biệt, hai món đặc sản “độc” mà nhiều người thích là cá bống Sông Trà và chà bông “cạc-tông” thì chỉ mua giùm vì “năng lực sản xuất của mấy người bạn ở quê có hạn” như lời giải thích của bà H.
Khi mua giùm, bà chuyển hàng từ Đà Nẵng và Sài Gòn bằng xe đò. Nhưng cách đây vài tháng, khi chính thức bán hàng qua trang Facebook cá nhân, bà H. đã chuyển nhiều mặt hàng bằng máy bay để đảm bảo chất lượng cho khách.
Ông M.T., một khách hàng thân quen của bà H. cho biết vì không thuê mặt bằng, không có phí nhân viên giao hàng nên dù có vận chuyển bằng máy bay, giá cả vẫn rẻ hơn nhiều nơi khác. “Nhưng quan trọng là chất lượng những món đặc sản vẫn không thay đổi trong 4 – 5 năm nay. Hồi chị ấy mua giùm cho đến khi bán hàng, chất lượng vẫn vậy nên mua hàng của chị ấy yên tâm và vẫn ngon như xưa” - ông T. nói. Nhờ chính trang Facebook của mình và bạn bè giới thiệu, những món đặc sản xứ Đà Nẵng của bà N.H. luôn đắt khách.
Theo kinh nghiệm của nhiều người đi chợ đặc sản trên mạng, chỉ cần gõ từ khoá món đặc sản cần tìm, trên Google sẽ hiện ra hàng trăm ngàn kết quả. Sau đó chọn những kết quả có đúng từ khoá cần tìm, đọc và chọn ra địa chỉ mua hàng “có vẻ tin cậy nhất”. Vì mua bán trên mạng, nên hình thức giao hàng vẫn là giao tận nhà cho khách hàng với hình thức giao hàng trước, trả tiền sau.
“Ban đầu còn lo vì sợ họ lừa mình nhưng mua nhiều lần sẽ quen. Có những mặt hàng mua lần đầu, dù trước đó đã ăn rồi, khi nhận hàng, đúng như những gì mình biết mới nhận hàng và trả tiền. Cũng có lúc tôi mua hàng thông qua bạn bè giới thiệu. Mua hàng bây giờ sướng thiệt” - bà Huyền Mi (quận 1, TP.HCM) nói.
Cần có lòng tin
Nhu cầu bán và mua hàng, trong đó có hàng đặc sản, trên web hay Facebook, ngày đang phát triển mạnh. “Nhưng nếu mua hàng lần đầu tiên ở địa chỉ mới, người mua cần có cuộc nói chuyện trước bằng điện thoại hoặc chat với người bán hàng để tìm hiểu thông tin. Trong cuộc trò chuyện đó, người mua sẽ nhận được nhiều thông tin về đặc sản cần tìm. Điều quan trọng cốt lõi là người mua hàng phải có hiểu biết về món đặc sản đó” - Lệ Quyên (quận 3) nói về những kinh nghiệm mua hàng đặc sản.
Trên thực tế, nhiều website, Facebook cũng trưng bày bán hàng “đặc sản” với những lời quảng cáo khá hấp dẫn, nhưng khi giao hàng lại không như những gì họ đã trình bày. “Nhiều lúc thấy hình ảnh trên web, Facebook khá hấp dẫn nhưng khi giao hàng thì… hỡi ôi. Trả lại thì thấy thương người giao hàng nhưng mà nhận hàng thì cứ tức anh ách” - theo bà Linh (Phú Nhuận). Bà Hạ Minh (Bình Thạnh) nói rằng, bà chỉ mua hàng đặc sản trên mạng của người quen, vừa là “hàng đặc sản chính chủ”, vừa đảm bảo về chất lượng và không bị “chặt chém” chuyện giá cả.
“Khi bán hàng qua mạng, người bán phải xác lập lòng tin với người mua bằng chất lượng sản phẩm”, bà Hạnh nói. “Cũng là mực một nắng nhưng nếu chọn mực ống phơi đúng một lượt nắng, bên ngoài mực ráo nước, hơi dẻo và có màu trắng đục nhưng bên trong vẫn còn tươi. Còn mực lá, mực nang chỉ được dày thịt nhưng độ ngọt không có. Mực một nắng không được “ngậm nước” vì nếu ngậm nước, sau khi nướng mực ra nước, teo lại, ăn rất lạt. Người bán phải thành thật như vậy mới lôi kéo khách hàng đến với mình” - bà Hạnh chứng minh.