Giới kinh doanh cho hay, dù nhu cầu của người tiêu dùng là có nhưng không dễ thành công với mô hình này nếu không có sự đầu tư bài bản và minh bạch về nguồn gốc thực phẩm.
Một cửa hàng rau sạch ở TP HCM
Năm 2012, khi những thông tin về người dân trồng rau sử dụng quá nhiều hoá chất và hàng loạt vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm được đăng tải trên các báo, chị NTT, giám đốc một công ty chuyên xuất khẩu thực phẩm, quyết định mở một cửa hàng thực phẩm sạch tại đường D2 (Bình Thạnh).
Đúng như dự đoán của chị, nhiều khách hàng trước đây hay mua hàng ở các chợ lẻ, thậm chí là từ siêu thị đã chuyển qua cửa hàng thực phẩm sạch, khi nhận được thông điệp chỉ bán rau có chứng nhận VietGAP từ vùng rau mà công ty hợp tác với nông dân ở Củ Chi để xuất khẩu.
Công việc kinh doanh thực phẩm sạch của chị NTT rất thuận lợi cho đến cuối năm 2013, khi hàng loạt cửa hàng thực phẩm sạch mở ra tại nhiều con đường tại TP.HCM như nấm sau mưa. Cửa hàng nào cũng quảng cáo bán rau sạch, thực phẩm sạch dẫn đến khách hàng bị chia nhỏ và ít dần.
“Hơn nữa, người dân mình chỉ tìm đến các cửa hàng rau sạch khi thấy thông tin ngộ độc thực phẩm hay phát hiện trồng rau, chế biến vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm thôi. Sau đó một thời gian khi mọi thứ lắng đi thì họ lại quay lại với thói quen mua rau từ những nơi không rõ nguồn gốc” - chị NTT nhận xét. Sau hơn nửa năm chứng kiến doanh thu sụt giảm và thua lỗ, đến năm 2014 chị NTT đã quyết định đóng cửa hàng, tập trung vào nhiệm vụ chính của công ty là xuất khẩu.
Theo ông Võ Minh Khải, giám đốc công ty Viễn Phú, đơn vị sản xuất gạo hữu cơ thương hiệu Hoa Sữa, Việt Nam đang thiếu hẳn một cơ chế để bảo vệ những người làm ăn đàng hoàng đầu tư bài bản và tạo ra những sản phẩm thực sự sạch cho người tiêu dùng.
“Bây giờ bất cứ ai bán rau cũng có thể tuyên bố họ bán rau sạch, rau hữu cơ mặc dù họ không có vùng trồng, không có chứng nhận nào cho thấy họ làm rau hữu cơ cả. Như vậy là lập lờ với khách hàng và ảnh hưởng đến những người làm ăn chân chính” - ông Khải nhận xét.
Đây là dòng máy nhập từ Nga, có bán trên thị trường giá khoảng 4 triệu đồng/cái, có thể test được hàm lượng đạm hóa học tồn dư trong rau. Ảnh Hoàng Bảy.
Ngoài ra, một trong những lý do chính để các cửa hàng thực phẩm sạch khó thành công là giá bán còn khá cao so với thu nhập của người dân. Theo khảo sát, các loại rau sạch, rau hữu cơ đang được bán tại các cửa hàng thực phẩm dao động từ 45.000 – 60.000 đồng/kg với rau ăn lá nhiệt đới như rau muống, mồng tơi, rau đay, rau dền, rau cải, bầu bí, dưa leo, khổ qua… còn các loại rau ôn đới như ớt chuông, cà chua, càrốt, các loại xàlách… thì có giá cao hơn khoảng 30 – 100%.
So với giá các loại rau thông thường cùng loại đang bán trong các siêu thị, rau sạch, rau hữu cơ đang có giá cao hơn từ 2 – 4 lần. Chỉ một tỷ lệ nhỏ người tiêu dùng tại các thành phố lớn sẵn sàng bỏ ra một số tiền tương đối lớn như vậy cho thực phẩm sạch.
Nhiều cửa hàng cũng đang dán mác rau sạch, rau cao cấp nhưng chủ yếu là các danh hiệu “tự phong” chứ không có chứng nhận của các cơ quan chức năng. Đa số các cửa hàng này bán đủ các loại rau củ và cũng chỉ có chứng nhận VietGAP như sản phẩm cùng loại bán trong siêu thị.
Trong khi đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, hầu hết các quy trình canh tác nông nghiệp hiện nay đều cho phép sử dụng các loại phân bón hoá học và thuốc trừ sâu nhưng có kiểm soát, có thời gian cách ly. Nghĩa là, rau bị sâu bệnh vẫn có thể sử dụng thuốc.
Do đó, việc kiểm tra quy trình sản xuất và ý thức của các nông dân tham gia vào mô hình này là rất quan trọng. Ở Việt Nam, việc kiểm soát quy trình VietGAP vẫn còn là khó khăn cho các nhà quản lý do thiếu nhân sự và nguồn lực.