Miniso là hàng Nhật hay hàng Trung Quốc?
Thương hiệu Miniso sẽ chính thức có mặt tại Việt Nam theo hình thức nhượng quyền thương hiệu bởi Tập đoàn Lê Bảo Minh trong tháng 8 này. Bà Lê Thị Ngọc Hải - Chủ tịch tập đoàn Lê Bảo Minh dự tính mở 13 chuỗi cửa hàng tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), Cần Thơ và Hải Phòng khi kết thúc năm 2016.
Sau khi thông tin về việc chuỗi Miniso sắp vào Việt Nam, dư luận đặt ra nghi ngờ về việc Miniso là thực chất là hàng Trung Quốc chứ không phải hàng Nhật. Theo đó, Miniso là thương hiệu ít được biết đến ở Nhật và chỉ có 4 cửa hàng được mở ở quốc gia này. Trong khi đó, tại thị trường Trung Quốc, Miniso nảy nở và phát triển tới hơn 1.100 cửa hàng, đặc biệt ở khu vực Quảng Đông.
Đồng thời, logo Miniso cũng khiến nhiều người nghi ngờ đang đạo thương hiệu khác của Nhật là Uniqlo. Ở Việt Nam, nhiều sản phẩm của Miniso dù chi chít chữ Nhật Bản nhưng lại có mác “made in China” nên khiến nhiều người tiêu dùng e ngại.
Phản hồi về vấn đề này, lãnh đạo Miniso giải thích, người sáng lập thương hiệu Miniso, ông Ye Guo Fu là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Aiyaya Co., Ltd. Công ty này được thành lập tại Trung Quốc vào năm 2004 chuyên bán mỹ phẩm, đồ thời trang, phụ kiện dành cho phái nữ.
Hãng này đi lên từ việc tạo bản sao chuỗi cửa hàng đồng giá nổi tiếng nhất Nhật Bản là Muji, chuyên bán các sản phẩm hoàn toàn Trung Quốc.
Đến năm 2013, Ye Guo Fu chuyển đổi hệ thống cửa hàng Aiyaya thành thương hiệu Miniso. Thông qua việc ký kết với nhà thiết kế người Nhật là Miyake Jyunya, thương hiệu Miniso có xuất xứ và thiết kế từ Nhật Bản.
Giải thích cho việc chỉ có vỏn vẹn 4 cửa hàng Miniso ở Nhật sau 3 năm thành lập, đại diện Miniso cho biết thị trường Nhật nội địa đã quá bão hòa với các thương hiệu bán lẻ lớn như Muji, Uniqlo hay Daiso.
Do đó, để mở rộng địa bàn kinh doanh, năm 2016, Miniso liên tục ký kết hợp tác nhượng quyền thương hiệu với rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt các thị trường mới nổi, dân số trẻ như khu vực ASEAN. Tại thị trường Việt Nam, Miniso bắt tay với Tập đoàn Lê Bảo Minh, có nhiều kinh nghiệm phát triển chuỗi phân phối sản phẩm Canon cho Nhật Bản.
Vì sao giới trẻ “phát cuồng”?
Dù chưa có mặt chính thức ở Việt Nam, cái tên Miniso có lẽ không còn xa lạ gì với nhiều người tiêu dùng trẻ, những người quan tâm đến các xu hướng mua sắm mới, trẻ trung, tiện lợi và giá cả ở mức trung bình.
Phân khúc khách hàng trẻ tuổi là đối tượng khách hàng quan trọng mà Miniso nhắm tới. Miniso ghi điểm với thiết kế thời trang, bắt mắt cùng ưu thế liên tục cập nhật các sản phẩm mới. Ở đây, khách hàng sẽ được đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu, từ đồ dùng nội thất, trang sức, quần áo, mỹ phẩm cho đến các thiết bị điện tử, gia dụng cộp mác Miniso. Ước tính có khoảng hơn 10.000 dòng sản phẩm được bày bán ở các cửa hàng của chuỗi siêu thị này trên toàn thế giới.
Có thể nói, Miniso mang đến một trải nghiệm thú vị cho những người trẻ khi nó đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu mua sắm hiện đại. Thêm vào đó, cách bày trí hướng đến sự đơn giản và sang trọng, thuận lợi cho người mua cũng là điểm cộng cho thương hiệu này.
Xóa tan nỗi lo của nhiều người khi nghĩ về hàng Nhật thường khá đắt, tại Miniso, các sản phẩm có giá khá mềm. Chỉ với khoảng 40.000 - 70.000 đồng, khách hàng đã có thể sở hữu từ phụ kiện điện thoại, trang sức, mỹ phẩm cho tới những vật dụng gia đình…
Hơn nữa, để bắt kịp nhu cầu và xu hướng của giới trẻ, các mặt hàng của Miniso luôn được cập nhật đều đặn. Mỗi tháng, trên kệ hàng của hãng luôn xuất hiện khoảng 100 sản phẩm, mẫu mã mới, xây dựng thói quen mua sắm định kỳ cho các khách hàng.
Thách thức khi tấn công thị trường Việt
Vượt ra ngoài khuôn khổ của một thương hiệu châu Á, Miniso hiện đã len lỏi ở các thị trường khó tính ở cả châu Âu và Bắc Mỹ. Sắp tới, Miniso không chỉ phủ sóng mạnh tại Việt Nam mà nó còn phát triển ở Nga, Mỹ, Italy,…
Tuy nhiên, người tiêu dùng tại một số nước trên thế giới vẫn bày tỏ hoài nghi về chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Miniso mà theo họ đều lấy từ kho hàng của Trung Quốc.
Ở Việt Nam, từ một vài năm trước, trên thị trường đã xuất hiện nhiều cửa hàng mang thương hiệu Miniso với đủ loại hình thức hoạt động và được đông đảo người tiêu dùng biết tới, đặc biệt là giới trẻ. Các cửa hàng này cũng khẳng định, Trung Quốc là nơi họ nhập hàng chủ yếu sản phẩm mang thương hiệu Nhật Bản này.
Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam vốn chuộng hàng Nhật, rất có thể hàng loạt các cửa hàng nhỏ lẻ mang thương hiệu Miniso sẽ mọc lên như nấm, cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm chính hãng.
Một số chuyên gia đánh giá, đây chính là rào cản lớn đối với Tập đoàn Lê Bảo Minh – đơn vị chính thức ký nhượng quyền mô hình chuỗi cửa hàng Miniso tại Việt Nam, khi phải đương đầu với các cửa hàng Miniso nhái về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, vấn đề chi phí mặt bằng ở các khu trung tâm thương mại, đặc biệt là ở các thành phố lớn luôn tăng cũng ảnh hưởng đến sự mở rộng và phát triển cho thương hiệu. Bởi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, giá mặt bằng bán lẻ ở Việt Nam khá cao và không phải thương hiệu nào cũng có thể trụ vững.
Một thương hiệu khác của Nhật là chuỗi cửa hàng đồng giá DAISO sau khi vào Việt Nam cũng đã thu hẹp dần số lượng cửa hàng và phải nhường chỗ cho những thương hiệu khác có triển vọng hơn. Dù vậy, vẫn còn quá sớm để nhận định khả năng phát triển của Minoso khi vào Việt Nam bởi khó có thể phủ nhận sức hút lớn Miniso tạo ra với người tiêu dùng trẻ tại thời điểm này.