Hội nghị nhằm kết nối, gặp gỡ trực tiếp giữa các tổ chức tín dụng với doanh nghiệp, hộ kinh doanh lâm sản, thủy sản đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện; đồng thời tạo điều kiện, trao đổi tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực này để đầu tư sản xuất và phát triển nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện Cần Giờ. Tại hội nghị, các ngân hàng đã ký kết với 11 cá nhân và doanh nghiệp cho vay 63,94 tỉ đồng phát triển nuôi trồng thủy sản.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết: "Các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp khuyến khích các hộ kinh doanh mở rộng hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy sản, mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho hoạt động kinh tế mà trực tiếp tác động tích cực đến thu nhập của người nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này".
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trực tiếp đối thoại cùng những khó khăn do bối cảnh kinh tế chung tác động, đồng thời bày tỏ những vướng mắc trong việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Theo đó, chi phí phục vụ sản xuất ngày càng tăng cao, tiêu thụ khó khăn hơn, rất cần được ngân hàng hỗ trợ cho vay dài hạn để phù hợp với vòng đời sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Đặc thù địa bàn huyện Cần Giờ có diện tích giáp biển, sông ngòi dày đặc nên kinh tế hộ gia đình chủ yếu dựa vào đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Vì vậy, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản là vô cùng thiết thực trong bối cảnh giá cả thức ăn chăn nuôi tôm, cá tăng cao nhưng giá cả thu mua lại giảm do môi trường cạnh tranh và thị trường tiêu thụ kém.
Từ khi triển khai chương trình đến ngày 31-10-2023, Agribank Chi nhánh huyện Cần Giờ đã ký kết cho vay tổng số tiền 258 tỉ đồng, dư nợ hiện tại đạt 252 tỉ đồng/260 khách hàng với lãi suất cho vay thấp hơn 1,1%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Tại hội nghị, Agribank Chi nhánh huyện Cần Giờ đã ký kết hỗ trợ 5 khách hàng trên địa bàn huyện, đối tượng cho vay là các cá nhân vay nuôi tôm, cá dứa, hàu, ốc hương…
Kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế trong nước, các ngành, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Đối với lĩnh vực lâm, thủy sản, người nuôi, trồng thua lỗ do giá nguyên liệu giảm mạnh. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã tiên phong triển khai chương trình tín dụng với quy mô 3.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản.
Theo đó, đối tượng vay vốn theo chương trình là pháp nhân, cá nhân có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản (lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản lâm sản) và thủy sản (khai thác, nuôi trồng, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến, bảo quản thủy sản).
Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước triển khai tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã và đang mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, là kênh trao đổi, đối thoại, tuyên truyền chính sách lĩnh vực Ngân hàng nói chung và các chương trình tín dụng ưu đãi theo từng lĩnh vực cụ thể. Trước đó, ngày 15-11-2023, tại địa bàn huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và Quận 12, các chi nhánh Agribank đã tham gia ký kết hỗ trợ 13 khách hàng với tổng dư nợ 238 tỉ đồng.